Sinh viên y khoa thực tập: “Tự biên tự diễn”?

Sinh viên y khoa thực tập: “Tự biên tự diễn”?

Theo quy định thì sinh viên thực tập tại bệnh viện (BV), khi tiêm chích, truyền dịch, chụp X-quang… phải có sự kiểm soát, hướng dẫn của y tá, bác sĩ. Thế nhưng, tại một số bệnh viện ở thành phố, thực hiện quy định này lại là chuyện khác…

“Tự do” tiêm chích

Trong lần tới thăm bệnh tại khoa Ngoại, BV Nguyễn Trãi, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi tại nhiều phòng bệnh, các sinh viên thực tập tự mang khay y cụ, thuốc, dịch truyền đến giường bệnh lấy mẫu xét nghiệm, chích và truyền cho bệnh nhân. Không riêng gì ở khu điều trị mà tại khu chụp X-quang, sinh viên thực tập tự thao tác, chạy vào lấy phim, cất phim cài thông tin vào máy… và rất lâu mới chụp phim xong. Nơi đây được khuyến cáo hạn chế người qua lại và khi chụp X-quang phải đóng cửa phòng (nhằm tránh nhiễm xạ) nhưng cửa phòng vẫn mở, người bệnh và thân nhân vô tư ra vào…

Sinh viên y khoa thực tập: “Tự biên tự diễn”? ảnh 1

Sinh viên thực tập được “tự do thao tác” tại giường bệnh nhân. Ảnh: TẤN BA

Tương tự, khi có mặt tại phòng X- quang của BV Nhân Dân 115, chúng tôi thấy 3-4 sinh viên thực tập đang “tự biên tự diễn” từ việc nạp phim, đưa người bệnh lên nằm lên máy, chỉnh máy… Thỉnh thoảng mới thấy nhân viên BV xuất hiện, còn mọi việc vẫn để sinh viên thực tập làm.

Tại khoa Ngoại tổng hợp 2 - BV Đa khoa Sài Gòn, chúng tôi gặp từng nhóm sinh viên thực tập mang theo dụng cụ truyền dịch đến buồng bệnh số 3 và số 5 rồi tự thao tác truyền dịch cho bệnh nhân. Qua quan sát, cảnh sinh viên tự truyền dịch và chích cho bệnh nhân thường xuyên diễn ra… trong khi y tá, bác sĩ lâu lâu mới ghé đến hướng dẫn. Tại nhiều bệnh viện khác ở TPHCM nhiều trường hợp BV “khoán trắng” cho sinh viên thực tập chích hoặc chụp X-quang .

Không ít bệnh nhân cho biết, vào BV “ớn” nhất là bị sinh viên thực tập lấy ven. Anh Vũ Minh Đ. điều trị ở phòng số 6, khoa Ngoại, BV Nguyễn Trãi kể, trong lần bị sốt do nhiễm trùng phải vào điều trị tại khoa, sau khi được bác sĩ khám, bác sĩ vội vã trở về phòng trực và giao công việc còn lại cho hai sinh viên thực tập. Do còn “non tay” nên khi lấy ven, hai sinh viên này loay hoay mãi mà vẫn không lấy được nên anh Đ. đề nghị mời y tá xuống lấy giùm!

Tương tự, chị M. vừa vén tay áo chỉ cho chúng tôi hàng chục vết kim tiêm thâm tím ở ven tay, là hậu quả của sinh viên thực tập để lại. Chị M. nói: “Sinh viên tập tiêm nhưng không có y tá, hộ lý hướng dẫn giúp đỡ thì tôi chẳng yên tâm chút nào. Bệnh nhân đang mệt vì bệnh lại phải chịu thêm cảnh “tra tấn bất đắc dĩ” từ sinh viên thực tập là điều không nên”.

Chị Nguyễn Thị H. ở quận Gò Vấp cho biết, cách đây mấy hôm khi đưa mẹ của chị đi chụp X-quang tại BV Chợ Rẫy, khi vào phòng mới hay hai “nhân viên” đang chụp X-quang là sinh viên thực tập. Do thiếu kinh nghiệm, không có ai chỉ bảo nên hai sinh viên này cứ luống ca luống cuống rồi cãi nhau về các thao tác chụp! Kết quả chụp X-quang làm bác sĩ và chị H. “điếng” cả người vì phim chụp cho thấy ở phổi của bà cụ có 2 khối u to bằng khuy áo. Ngày hôm sau, chị H. đưa mẹ đi chụp CT, mới thấy mẹ chị H. vẫn bình thường. Chưa kể chị H. còn phải tốn thêm gần 1 triệu đồng tiền chụp C.T.

“Rất mong được thông cảm” (!)

Bác sĩ Phạm Văn Kiên, Phó Giám đốc BV Nguyễn Trãi cho biết, tại các BV lớn đều ký kết hợp tác đào tạo nhân viên y tế cho các trường. Quá trình thực tập rất quan trọng, giúp cho các sinh viên có điều kiện cọ xát thực tế, rèn luyện kỹ năng… “BV chúng tôi hiện có 31 sinh viên thực tập. Theo quy định sinh viên thực tập đều phải có người hướng dẫn kèm theo khi thực tế trên bệnh nhân, nhưng có lẽ một số khoa quản lý lơi lỏng nên mới xảy ra các trường hợp sinh viên thao tác không đúng với quy trình”. Ông Kiên cũng thừa nhận việc để sinh viên thực tập tự chụp X-quang và không đóng cửa phòng X-quang càng sai quy định, “chúng tôi sẽ kiểm tra và xử lý ngay việc này”.

Trả lời vấn đề sinh viên thực tập tại BV Đa khoa Sài Gòn tự tiêm chích, truyền dịch cho bệnh nhân mà không có sự theo dõi của y tá, bác sĩ, Trưởng phòng Điều dưỡng BV Đa khoa Sài Gòn cho biết, theo quy trình thì bác sĩ ở khoa, điều dưỡng viên phải luôn theo sát các sinh viên thực tập. “Chúng tôi sẽ theo sát việc này, không để trường hợp như vậy tiếp diễn”. Giám đốc BV Đa khoa Sài Gòn, bác sĩ Nguyễn Văn Xuyền khẳng định, “qua phản ánh, chúng tôi sẽ thực hiện lại quy trình thực tập của sinh viên, giám sát sinh viên thực tập, để bảo quyền lợi, nghĩa vụ của hai bên, nhất là quyền lợi của bệnh nhân. Việc xảy ra chúng tôi rất mong nhận được sự cảm thông của bệnh nhân…”.

Vẫn biết quá trình thực hành trực tiếp trên người bệnh sẽ giúp ích rất nhiều cho sinh viên ngành y, giúp họ trưởng thành, nhưng không vì thế mà BV cứ “khoán” cho sinh viên. Thực hiện tốt điều này cũng giúp tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra, vì chỉ cần một sai sót nhỏ cũng có thể gây tổn hại đến sức khỏe bệnh nhân.

Tiến Đạt-Bá Tân

Tin cùng chuyên mục