SJC - 25 mùa xuân vàng

SJC là vàng và vàng đương nhiên là SJC
SJC - 25 mùa xuân vàng

Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, tháng 7-1988 ông Nguyễn Hữu Định, khi đó là Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận 10 được tin tưởng giao trọng trách thành lập Công ty Vàng bạc Đá quý thành phố, tiền thân của của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn - SJC. Trong những ngày đầu tiên khó khăn đó, tài sản của cả công ty chỉ là tờ giấy chỉ thị thành lập. Có ai ngờ, bắt đầu từ con số không nhưng chỉ sau 7 tháng thành lập, công ty đã phát triển lớn mạnh thành một xí nghiệp kinh doanh vàng vững vàng với mạng lưới 69 cửa hàng “phủ sóng” khắp thành phố. Cũng trong năm đầu tiên, những miếng vàng đầu tiên mang nhãn hiệu Rồng Vàng SJC 999.9 đã ra đời, đánh dấu một bước ngoặt trong hoạt động kinh doanh vàng tại Việt Nam. Và 25 năm sau, SJC đã trở thành một thương hiệu quốc gia.

SJC là vàng và vàng đương nhiên là SJC

Những ngày đầu khó khăn, khi đã phát triển lên thành Xí nghiệp Vàng bạc Đá quý SJC vào tháng 2-1989 thì trụ sở vẫn còn xây dựng tạm ở phần sân trống của số nhà 79 Sương Nguyệt Ánh, quận 1. Vậy mà, ở nhà xưởng tạm bợ đó, với dây chuyền máy móc hết sức thô sơ, chỉ gồm một máy dập bằng dây cu-roa, một máy dập cắt bằng tay và bàn ủi bằng than dùng để ép bao bì và dưới tay nghề của những con người còn chưa có nhiều kinh nghiệm trong chế tác vàng, những miếng vàng SJC đã ra đời. Và quan trọng hơn hết là những miếng vàng đầu tiên trong điều kiện sản xuất lạc hậu đó vẫn đảm bảo đúng chuẩn quy định của vàng miếng 999.9. Đó thật sự là một nét son trong lịch sử của SJC, mà không ít người đã gọi điều đó là “kỳ tích”!

Bởi vào thời điểm thành lập SJC, mặt hàng vàng rất nóng bỏng. Sản phẩm vàng bán chạy nhất lúc đó là vàng nhẫn và vàng miếng Kim Thành, một thương hiệu trước 1975. Nhưng các sản phẩm này chất lượng không đồng nhất. Trong khi đó, nhu cầu lưu trữ vàng trong dân để bảo toàn vốn rất cao, nên SJC đã quyết định gấp rút sản xuất cho bằng được sản phẩm vàng miếng SJC nhỏ gọn, đẹp, chất lượng để tung ra thị trường. Công ty đã tập trung khai thác nguyên liệu vàng ký 999.9 từ các nguồn nhập khẩu khác nhau và sử dụng vốn của khách hàng để kinh doanh, nhờ vậy dù không có vốn Nhà nước cấp, đến cuối năm 1989 Công ty đã có 8,88 tỉ đồng lợi nhuận. Quan trọng hơn, sản phẩm được đông đảo người dân đón nhận, không chỉ dùng để lưu trữ, vàng SJC nhanh chóng được dùng làm phương tiện thanh toán, đầu tư hiệu quả. Năm 2006, trước nhu cầu của người tiêu dùng, ngoài vàng miếng 1 chỉ, 1 lượng; SJC đã sản xuất thêm loại vàng 5 phân, 10 lượng và 1kg (tương đương với 26,666 lượng vàng 999.9).

Nguồn nguyên liệu có đôi lúc khan hiếm, nhưng Công ty luôn kiên định trong vấn đề chất lượng. Chất lượng sản phẩm phải đúng tuổi như đã công bố, vàng miếng SJC phải đúng 999.9. Để vượt qua khó khăn về kỹ thuật kiểm định vàng, lúc đó còn kiểm định bằng phương pháp kinh nghiệm “so màu”, Công ty đã đặt máy kiểm định XRF, nhờ thế việc kiểm định được khách quan, bảo đảm chất lượng sản phẩm và thu hút được các doanh nghiệp kinh doanh vàng, lấy chất lượng vàng miếng SJC làm chuẩn. Khi vàng SJC đã bắt đầu được các tiệm vàng và người dân tín nhiệm, Công ty quyết định mở rộng nhanh thị phần, thanh khoản cho vàng SJC, bằng cách chỉ giữ 25% sản lượng sản xuất hàng ngày để kinh doanh (lúc đó giá gia công 5.000đ/lượng), 75% sản lượng gia công cho khách hàng, khi bán họ sẽ lời 10.000đ đến 15.000đ/lượng. Các tiệm vàng trên cả nước đều đến liên hệ gia công. Nhờ thế sức lan tỏa của SJC rất mạnh, chẳng bao lâu người tiêu dùng cả nước đã biết và các doanh nghiệp, người dân đã sử dụng vàng SJC trong giao dịch mua bán nhà đất, xe cộ và hoạt động khuyến mãi của mình. Các thương hiệu khác ra đời sau đó, dù quảng cáo, tiếp thị rất mạnh đều không có thanh khoản, thị phần như vàng SJC. Hiện nay, Công ty SJC đã đưa ra thị trường hơn 21,5 triệu lượng vàng SJC các loại, chiếm 90% thị phần đang giao dịch trên thị trường khẳng định niềm tin tuyệt đối của khách hàng vào sản phẩm. Năm 2012 đánh dấu sự kiện rất quan trọng nâng cao uy tín thương hiệu SJC là việc vàng SJC đã được chọn làm Thương hiệu quốc gia.

Khôi phục nghề kim hoàn truyền thống

Không chỉ tái lập thị trường vàng theo hướng lành mạnh hóa, SJC còn đặt những nền móng vững chắc cho việc khôi phục, phát triển ngành kim hoàn truyền thống. Điển hình cho việc này là Xí nghiệp Nữ trang đã được thành lập vào đầu năm 1989. Ngoài việc tập trung thợ kim hoàn giỏi tiến hành sản xuất bằng phương pháp thủ công truyền thống, SJC đã tiếp cận ngay với phương thức sản xuất hiện đại là công nghệ đúc chân không, mở đầu cho sự phát triển của ngành công nghệ kim hoàn trên toàn quốc, từng bước tạo dựng một dây chuyền sản xuất hoàn chỉnh gồm: thiết kế mẫu, làm khuôn, làm nguội, gắn hột, đánh bóng, hoàn chỉnh sản phẩm…  Ngày khai trương Cửa hàng Trung tâm Vàng bạc Đá quý thành phố ngay tại trung tâm sầm uất nhất tại thành phố, khách hàng đông nghẹt, chen chân mua hàng. Không chỉ những ngày đầu khai trương mà kéo dài những năm tháng sau đó, cửa hàng lúc nào cũng tấp nập người mua.

Không chỉ đầu tư kỹ thuật, công ty rất chú trọng đến đào tạo tay nghề thợ kim hoàn. Với đội ngũ trên 300 thợ, trong đó nhiều thợ giỏi được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Kim hoàn, SJC đã cho ra đời nhiều sản phẩm đẹp, độc đáo chứa đựng tâm huyết của mỗi con người. Những tinh hoa ấy tạo nên những thành quả như: “Chuỗi Uyên ương” lọt vào chung kết cuộc thi Nữ trang quốc tế Gold Virtosi 2000 diễn ra tại Ý; bộ nữ trang “Lạc Việt” đoạt giải thưởng đặc biệt xuất sắc của Hội đồng Vàng thế giới và những giải thưởng khác tại các hội thi nữ trang Việt Nam hàng năm… Vinh dự đó chính là “quả ngọt” mà nghề đã dành cho những nghệ nhân SJC. Tự hào khi sở hữu những sản phẩm trang sức SJC hoàn hảo, anh Antony William Marsden - một khách hàng người Anh đã hào hứng bộc bạch cảm xúc ngay tại Hội chợ triển lãm nữ trang 2007: “Tôi thật sự bị bất ngờ và cuốn hút bởi vẻ đẹp đa dạng, tinh xảo của nữ trang Việt Nam. Đặc biệt những sản phẩm thủ công của các bạn khiến tôi rất xúc động vì tính truyền thống dân tộc của nó”.

Ngày nay, trải qua 22 năm Hội chợ Triển lãm Nữ trang Việt Nam hay Hội chợ Quốc tế Trang sức Việt Nam - Hội chợ chuyên ngành trang sức được SJC tổ chức định kỳ hàng năm - ngày càng phát triển về quy mô, các con số ngày càng tăng về gian hàng, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia và lượng khách tham quan. Bên cạnh những thương hiệu luôn gắn bó, mỗi năm lại xuất hiện thêm những thương hiệu mới trong nước và từ Ý, Nhật, Hong Kong, Malaysia, Thái Lan… góp mặt tại hội chợ. Để đáp ứng sự phát triển đó, hội chợ đã chuyển đến những địa điểm tổ chức ngày càng rộng lớn hơn, hiện đại hơn như Trung tâm Thương mại Quốc tế, Diamond Plaza, Nhà thi đấu TDTT Nguyễn Du… và từ năm 2008, Hội chợ được tổ chức tại Nhà thi đấu TDTT Phú Thọ, quận 11, thành phố Hồ Chí Minh, chính thức đổi tên thành Hội chợ Quốc tế Trang sức Việt Nam để xứng với tầm vóc và định hướng phát triển.

Thế hệ SJC 25 năm + +

Nói về những bước phát triển diệu kỳ của SJC, ông Vương Hữu Nhơn, nguyên Phó Chủ tịch UBND TPHCM đánh giá, Công ty Vàng bạc Đá quý thành phố - SJC đã đạt được những thành tựu to lớn trên nhiều mặt: quy mô tổ chức, phạm vi hoạt động, hiệu quả kinh doanh và lợi ích kinh tế - xã hội. Trong đó, SJC đã đóng góp vai trò quan trọng trong việc khôi phục và phát triển ngành kim hoàn của thành phố, là sự thành công trong việc vận dụng đồng vốn mang lại hiệu quả kinh doanh, tạo nguồn thu cho ngân sách, và cao hơn hết đó là sự xác lập được thế đứng và uy tín của một đơn vị quốc doanh, góp phần tích cực và quan trọng trong việc bình ổn giá vàng, đặc biệt trong những cơn biến động dữ dội của thị trường, tạo được niềm tin cho công chúng.

Ông Nguyễn Thành Long, nguyên Tổng Giám đốc Công ty SJC cho biết, “Hơn 23 năm công tác tại SJC và suốt quãng đời còn lại của mình, tôi luôn tâm đắc và hành động theo tinh thần câu nói của cố Giám đốc Nguyễn Hữu Định: “Tình huống nào, phương án đó”, nhưng hôm nay tôi mong muốn thế hệ SJC mới phải là những người tạo tình huống, chủ động trong mọi cuộc chơi, vì SJC ngày nay không phải là SJC của 20 năm, 25 năm về trước”. Tâm đắc với những điều ông Nguyễn Thành Long chia sẻ, kế hoạch dài hạn sắp tới của SJC đã hướng đến những mục tiêu xa hơn như: mở rộng thị phần vàng trang sức để dần dần chiếm đa số trong doanh thu kinh doanh vàng bạc đá quý; hướng đến việc đẩy mạnh xuất khẩu vàng trang sức ra thị trường quốc tế với kim ngạch hàng năm trên 1 tỉ USD, dẫn đầu về kim ngạch đối với các doanh nghiệp kim hoàn trong nước và mục tiêu trước mắt là thiết lập các kênh phân phối vàng bạc đá quý với mạng lưới phủ kín 61 tỉnh, TP. SJC sẽ phát triển thành một tập đoàn kinh tế mạnh của thành phố và một doanh nghiệp kim hoàn nổi bật trong toàn khu vực.

MINH LONG

Tin cùng chuyên mục