
Thứ hai 22-1, bồi thẩm đoàn (có bốn thành viên từng chỉ trích chính sách Bush đối với Iraq và nhà báo kỳ cựu Bob Woodward) đã bắt đầu phiên tòa xử Irving Lewis “Scooter” Libby Jr (cựu Đổng lý văn phòng Phó Tổng thống Dick Cheney) với năm tội danh (hai tội khai man; hai tội làm tờ khai giả trước điều tra viên FBI; một tội cản trở công lý). Chịu trách nhiệm lôi một viên chức chính phủ cấp cao như Libby ra tòa (và có thể còn nhiều gương mặt cộm cán nữa) là công tố viên đặc biệt Patrick J. Fitzgerald.
- Từ chàng trai làm nghề gác cửa
Vụ Libby là một trong những vụ án đồ sộ nhất mà công tố viên đặc biệt Patrick J. Fitzgerald từng thực hiện, với nhiều yếu tố nhạy cảm khi liên quan nhiều nhân vật chính trị chóp bu và lại dính đến chính sách Iraq của nội các Bush. Được chuyên san National Law Journal chọn là “Luật sư trong năm” (2005) và được nhiều tờ báo lớn tại Mỹ đánh giá cao, Fitzgerald từng thề kiên quyết phanh phui tất cả đối tượng liên can trong vụ án.

Patrick J. Fitzgerald sinh ngày 22-12-1960 tại Brooklyn (New York) trong gia đình lao động nghèo gốc Ireland. Bố ông làm nghề gác cửa tại một tòa nhà ở Manhattan. Vào kỳ nghỉ hè, Fitzgerald cũng kiếm thêm bằng nghề giữ cửa như bố. Dù chạy gạo từng bữa, gia đình vẫn chắt mót cho Fitzgerald học hành tử tế – cắp sách đến Trường Regis (nơi dành cho học sinh ưu tú Công giáo) thời trung học rồi vào Amherst học kinh tế và tiếp đó vào Harvard theo ngành luật.
Năm 1988, Fitzgerald làm trợ lý Bộ trưởng Tư pháp bang New York, đặc trách các vụ buôn lậu ma túy. Năm 1993, ông có mặt trong nhóm công tố điều tra trùm tội phạm John Gotti thuộc gia đình mafia Gambino. Một năm sau, Fitzgerald là công tố viên phụ trách vụ truy tố Omar Abdel Rahman tội đánh bom khủng bố Trung tâm Thương mại thế giới (New York).
Trong phóng sự về Fitzgerald, Jamie Wilson (The Guardian) cho biết, trong 14 năm, anh chàng độc thân Fitzgerald sống trong căn hộ (New York) không có ống dẫn khí đốt do gần như lúc nào cũng ở trụ sở làm việc. Trong văn phòng Fitzgerald, cạnh đống giấy má chồng chất có thể là mẩu hamburger thừa hoặc chai Coca-Cola uống dở; trong ngăn kéo tủ hồ sơ, có khi có đầy vớ bẩn; và có lần Fitzgerald còn phát hiện miếng bánh rán bỏ quên trên chảo trong nhà bếp hàng tháng trời!
Trước khi thụ lý vụ Libby, Fitzgerald từng “sờ gáy” Thống đốc George Ryan (bang Illinois) tội tham nhũng (nhận hối lộ từ các vụ thi bằng lái dỏm; tháng 9-2006, Ryan bị kết án tất cả 18 tội danh bị quy kết và bị xử 6 năm rưỡi tù). Tháng 7-2005, Fitzgerald cũng buộc tội loạt tùy viên thân tín của Richard M. Daley (thị trưởng Chicago) tội tham nhũng. Hiện Fitzgerald tiếp tục điều tra cáo buộc tham ô của đương kim Thống đốc Rod Blagojevich (bang Illinois)…
- Đến “Luật sư đặc biệt”
Ngày 30-12-2003, Patrick J. Fitzgerald được bổ nhiệm chức danh “Luật sư đặc biệt” để điều tra vụ Plame-gate. Theo Charles Lane (Washington Post), luật liên quan chức danh “Luật sư đặc biệt” bắt đầu được áp dụng vào năm 1978, sau vụ Richard Nixon ra lệnh sa thải công tố viên đặc biệt Archibald Cox (điều tra vụ Watergate) hồi năm 1973. “Luật sư đặc biệt” được bổ nhiệm bởi hội đồng ba chánh án mà bản thân hội đồng được chọn bởi chánh án tối cao Hoa Kỳ.

Sau khi nội các Cộng hòa Ronald Reagan bị “te tua” bởi tiến trình điều tra gần bảy năm của công tố viên Lawrence E. Walsh (vụ Iran-contra) và nội các Dân chủ Bill Clinton bị tai tiếng bởi vụ điều tra từ công tố viên độc lập Kenneth Starr (vụ Monica Lewinsky), Quốc hội Mỹ xóa sổ Phòng luật sư độc lập (Office of the Independent Counsel) và thay bằng Phòng luật sư đặc biệt (Office of Special Counsel-OSC). Đây thực chất là một kiểu “bình mới rượu cũ” bởi dù gọi là gì (luật sư đặc biệt, công tố viên đặc biệt hay công tố viên độc lập), người đứng đầu OSC vẫn được quyền hành xử độc lập trong tiến trình điều tra các vụ vi phạm của viên chức chính phủ và trên lý thuyết vẫn có thể được phép “sờ gáy” tổng thống, nếu có đủ bằng chứng cho thấy người đứng đầu Nhà Trắng làm bậy.
Cần nói thêm, khi cơn bão Plame-gate bắt đầu tích tụ, nội các Bush đã chỉ định một “người nhà” – Bộ trưởng Tư pháp (lúc đó) John D. Ashcroft – làm công tố viên đặc biệt nhưng bị chỉ trích nên Ashcroft phải “đá bóng” sang vị phó James B. Comey và cuối cùng Comey chọn Fitzgerald.
Để tăng tính độc lập cho Fitzgerald, Comey bỏ quy định liên quan quyền luật sư đặc biệt năm 1999 (yêu cầu luật sư đặc biệt phải tường trình trước cho Bộ trưởng Tư pháp tất cả quyết định khởi tố cũng như đệ trình báo cáo liên quan kết luận điều tra). Như vậy, Fitzgerald gần như toàn quyền trong hành xử, dù về lý thuyết, ông có thể bị sa thải bởi tổng thống nếu có dấu hiệu và bằng chứng lạm dụng quyền hạn. Fitzgerald cũng phải tuân thủ luật tố tụng truyền thống khi không được phép công bố - đăng tải bất kỳ thông tin nào liên quan tiến trình điều tra....
Vai trò Phó Tổng thống Dick Cheney trong vụ xì căng đan “Plame-gate” là như thế nào? Liệu có phải Lewis Libby đã chấp nhận hy sinh để liều thân “cứu chúa”? Ngày 28-10-2005, Lewis Libby từ chức vài giờ sau khi cáo trạng của công tố viên Patrick Fitzgerald công bố. Nếu bị quy kết chính thức, Lewis Libby có khả năng gỡ lịch 30 năm và bị phạt 1,25 triệu USD. Lewis Libby là viên chức Nhà Trắng đầu tiên bị xử trong 130 năm qua (người trước kia là Orville E. Babcock thời Ulysses S. Grant).
Xì căng đan Plame-gate có thể tóm lược như sau. Đầu năm 2002, CIA cử cựu viên chức ngoại giao Joseph Wilson đến Niger điều tra thông tin viên chức Iraq (thời Saddam Hussein) dự tính mua nguyên liệu làm giàu uranium cho quá trình sản xuất vũ khí hạt nhân. Sau chuyến công tác 8 ngày, Joseph Wilson cho biết tất cả chỉ là tin vịt.
Tháng 7-2003, Joseph Wilson viết trên New York Times rằng toàn bộ quy kết về chương trình vũ khí giết người hàng loạt nhằm vào Saddam đều sai sự thật. Dường như muốn chơi xỏ Joseph Wilson, có nguồn tin tiết lộ với hai nhà báo rằng Valerie Plame - vợ của Joseph Wilson - là nhân viên CIA đặc trách điều tra vũ khí giết người hàng loạt. Cuối năm 2003, công tố viên Patrick Fitzgerald được chỉ định điều tra vụ rò rỉ danh phận Valerie Plame. Kết quả, các nhà báo khai nguồn chính là Lewis Libby - Đổng lý văn phòng phó tổng thống.
Đằng sau việc tiết lộ thân phận Valerie Plame là gì? Theo Newsweek, Nhà Trắng đúng là không hài lòng về bài báo tung hê sự thật của Joseph Wilson và chính Cố vấn Tổng thống Karl Rove từng kích động chiến dịch tấn công Wilson, khi gọi điện cho Chris Matthews – người phụ trách chương trình Hardball của Đài NBC – và nói rằng việc tiết lộ vợ của Wilson là “trò xử công bằng”.
Việt Bình