Chỉ vì thiếu hiểu biết về luật pháp nên hơn 1 năm nay, công nhân Nguyễn Thị H. (27 tuổi, quê tỉnh Long An, làm việc tại quận Bình Tân, TPHCM) phải cam chịu đau khổ vì mang tiếng bị nhà chồng trả về cho cha mẹ ruột. Vợ chồng chưa ra tòa ly hôn mà H. phải một mình nuôi 2 con nhỏ, còn chồng không hỗ trợ chi phí nuôi con.
Trong “Ngày hội pháp luật năm 2015” do Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật TPHCM tổ chức, công nhân H. nhiều lần muốn ra bàn tư vấn để nhờ luật sư hỗ trợ, nhưng suy nghĩ tới lui rồi lại thôi. Khi chúng tôi bắt chuyện, chị H. bảo: “Chắc cũng không giải quyết được gì. Thôi thì cứ để như vậy”. Được động viên mãi, H. mới chịu theo chúng tôi ra bàn để luật sư tư vấn.
Cách đây hơn một năm, trong một lần vợ chồng cãi nhau, chồng H. có những lời lẽ xúc phạm cha mẹ vợ, H. đã yêu cầu chồng xin lỗi nhưng không được, đã vậy chồng H. còn làm tới nên đã cùng cha mẹ ruột đưa trả H. cùng 2 con nhỏ (gần 5 tuổi và 2 tuổi) về nhà ông bà ngoại. Vì tự ái nên sau khi về nhà cha mẹ mình, H. quyết không chịu quay về lại nhà chồng. Chồng H. cũng không đoái hoài tới việc đến xin lỗi để đón vợ con về. “Vài lần anh có đến thăm con, nhưng gặp mặt, vợ chồng lại cãi nhau nên anh đã bỏ về. Từ khi tôi về nhà cha mẹ đến giờ, anh cũng không gửi tiền cho vợ nuôi con”, H. kể. Cứ thế hơn năm nay, mỗi ngày H. gửi con cho ông bà ngoại giữ, đứa nhỏ thì ở nhà, đứa lớn thì đi nhà trẻ, còn mình thì theo xe lên TPHCM làm công nhân để có tiền nuôi mấy mẹ con. “Anh ấy có bảo em nộp đơn ly hôn rồi anh ấy ký. Em làm công nhân đâu có thời gian đi nộp đơn. Với lại em sợ nếu mình chủ động nộp đơn ly hôn thì tòa sẽ xử cho chồng nuôi một đứa con. Bản thân em không muốn xa đứa con nào hết. Do đó em không dám xin ly hôn”, H. ngậm ngùi tâm sự. Chính nỗi lo mất con sau khi ly hôn đã khiến H. một mình chịu đau khổ, một mình vượt qua bao khó khăn trong giai đoạn nuôi con nhỏ trong khi chồng lại thảnh thơi chỉ lo cho bản thân mình.
Theo luật sư - thạc sĩ Trần Thị Hồng Việt, H. phải xét lại xem mình có còn yêu thương chồng hay không và nếu cả hai vợ chồng còn tình cảm với nhau thì có thể hàn gắn lại, để các con có đủ cha và mẹ. Trường hợp H. không muốn về ở cùng gia đình chồng thì vợ chồng H. có thể giải quyết bằng cách ra ở riêng. Còn nếu cả hai vợ chồng đã hết tình cảm, muốn chia tay thì H. có thể chủ động nộp đơn xin ly hôn. “Khi nộp đơn ly hôn, em kèm theo đó một đơn xin được xử vắng mặt với lý do bận công việc không thể tham dự phiên xử được. Trong đơn cũng cần ghi rõ có nguyện vọng xin được nuôi 2 con và yêu cầu chồng cấp dưỡng cho con”, luật sư Hồng Việt hướng dẫn H.. Khi được luật sư tư vấn đến việc dù có ra tòa ly hôn thì 2 con vẫn sẽ ở cùng H.. Không ai có quyền chia cắt tình mẹ con của H., bởi hiện tại H. đang nuôi con và hơn nữa thời gian qua đã phải một mình nhọc nhằn lo cho các con đầy đủ. Chỉ đến khi nghe được câu này thì gương mặt của H. mới tươi tỉnh lên đôi chút.
Trước khi chia tay H., luật sư Hồng Việt ân cần khuyên nhủ: “Nếu không hiểu luật thì em phải tìm hiểu hoặc nhờ tư vấn để không phải chịu thiệt thòi về mình. Giờ đây em cần phải sống vui vẻ, hạnh phúc. Có như vậy em mới mang lại hạnh phúc cho các con”.
HỒNG HẢI