Sổ tay: Minh bạch và nhất quán chính sách

Sau Hội nghị tổng kết 25 năm thực hiện Luật Đầu tư nước ngoài được tổ chức tại Hà Nội ngày 27-3 vừa qua, thông điệp mới nhất và đáng chú ý nhất được Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh đưa ra là việc vẫn trao quyền cấp chứng nhận đầu tư cho các địa phương, trừ các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) quy mô lớn, có tầm ảnh hưởng lan tỏa cấp vùng và quốc gia… Những “siêu dự án” này tới đây sẽ được các cơ quan Trung ương thẩm định chặt chẽ hơn.

Sau Hội nghị tổng kết 25 năm thực hiện Luật Đầu tư nước ngoài được tổ chức tại Hà Nội ngày 27-3 vừa qua, thông điệp mới nhất và đáng chú ý nhất được Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh đưa ra là việc vẫn trao quyền cấp chứng nhận đầu tư cho các địa phương, trừ các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) quy mô lớn, có tầm ảnh hưởng lan tỏa cấp vùng và quốc gia… Những “siêu dự án” này tới đây sẽ được các cơ quan Trung ương thẩm định chặt chẽ hơn.

Tiêu chí cho “siêu dự án” cũng đã có: dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ; dự án có quy mô vốn đầu tư từ 100 triệu USD trở lên; dự án có tầm ảnh hưởng lan tỏa vùng; dự án thực hiện trên địa bàn từ 2 tỉnh trở lên; dự án có tác động lớn đến kinh tế - xã hội Việt Nam được hưởng ưu đãi theo cơ chế đặc thù; dự án sử dụng trên 5ha đối với đất đô thị (trừ dự án trong khu công nghiệp) và 50ha trở lên với các loại đất khác.

Về thẩm định, ngoài nội dung thẩm tra theo quy định chung, dự án có tác động lớn đến kinh tế - xã hội phải được đánh giá có đáp ứng yêu cầu về năng lực tài chính hay không. Trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, cần lựa chọn nhà đầu tư có dự án gắn khai thác với chế biến sâu, tạo giá trị gia tăng bằng công nghệ, thiết bị hiện đại và xử lý môi trường... Vậy là sau nhiều thắt - mở, cơ chế phân cấp quản lý FDI đã được định hình, dù vẫn còn một số tranh luận từ chính quyền địa phương, nhất là những TP lớn, về tính “cào bằng” trong chính sách.

Trong một diễn biến khác, khoảng một vài năm trở lại đây và cao trào là cuối năm 2012, khái niệm “chuyển giá” được nhắc đến nhiều hơn bao giờ hết, với thái độ công kích mạnh mẽ. Thậm chí, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp FDI hàng đầu đã phải phát biểu thẳng thắn rằng, họ quan ngại về một “chiến dịch” nhắm vào các doanh nghiệp trong diện nghi ngờ chuyển giá.

Trên thực tế, chuyển giá không phải là hiện tượng của riêng Việt Nam mà đã và sẽ tiếp tục xảy ra ở bất kỳ nơi nào khung pháp luật còn kẽ hở; cán bộ thực thi công vụ chưa đủ kiến thức và kinh nghiệm. GS-TS Nguyễn Mại cho biết, có trường đại học của Hoa Kỳ còn dạy các doanh nghiệp cách thức khai thác những lỗ hổng của chính sách để né thuế! Theo ông, việc cần làm hơn những lời tuyên bố hùng hồn - đôi khi cực đoan - nhắm vào các nhà đầu tư là nhanh chóng hoàn thiện khung pháp luật về kế toán và nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ cán bộ để “vạch mặt chỉ tên” cho được những hành vi lắt léo.

Tại hội thảo tổng kết 25 năm thực hiện Luật Đầu tư nước ngoài, đại diện các nhà đầu tư đã thể hiện mong muốn hàng đầu của họ là tính minh bạch và nhất quán trong chính sách. Vẫn biết đời sống kinh tế - xã hội luôn biến động, nhưng nhà đầu tư chỉ yên tâm dốc sức và chung thủy với Việt Nam khi họ nhìn thấy thành quả đầu tư của mình được bảo đảm bởi những chính sách ổn định, có tầm nhìn xa. “Không cần trải thảm đỏ, chỉ cần nhà đầu tư thực sự nhìn thấy cánh đồng cỏ xanh mênh mông trước mắt và cánh cửa mở rộng, họ sẽ đến” - nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản Mitsuo Sakaba đã từng nói như vậy với báo giới tại Hội nghị CG cuối cùng mà ông tham dự, trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ của mình tại Việt Nam năm 2010

Anh Thư

Tin cùng chuyên mục