"Học sinh phải học ca 3, ca 4 là chuyện thường!”, hiệu trưởng một trường THCS thốt lên khi nghe cánh phóng viên vặn vẹo về lịch học dày đặc của học sinh (HS). Vị hiệu trưởng cho biết, HS lớp 8-9 hàng tuần phải học đến 14 môn, môn nào cũng quan trọng, nghĩa là những môn ảnh hưởng đến kết quả xếp loại cuối năm của HS nên áp lực rất lớn. Trong 1 tuần chỉ cần có một nửa số môn kiểm tra là HS đủ đuối, chưa kể không thể bỏ qua bài học của những môn còn lại.
Nhiều phụ huynh HS bậc trung học than thở, cuộc chạy đua với bài vở của con em họ bắt đầu từ lúc 5 giờ sáng kéo dài đến tận đêm. Để đến lớp đúng giờ, HS phải thức dậy từ sáng sớm và chuẩn bị mọi thứ để tránh kẹt xe. Đồng hồ điểm 7 giờ là lúc các em bắt đầu quay cuồng với bài vở trên lớp. Kết thúc buổi sáng bằng bữa ăn trưa vội vã tại trường. Nghỉ ngơi chưa kịp lại sức đã phải xem lại bài đã chuẩn bị ở nhà để bước vào buổi tăng ca thứ 2. Thời tiết nóng bức không bằng sức nặng của áp lực bài vở nên trò bắt đầu uể oải. 4 giờ 30 kết thúc một ngày học tập ở trường, trò phải… ba chân bốn cẳng lên xe theo bố mẹ chạy đi ăn lót bụng rồi “phi” nhanh đến lò học bồi dưỡng hoặc học thêm ở nhà thầy cô. Về đến nhà sớm lắm là 8 giờ tối nếu thoát khỏi mê trận kẹt xe.
Dù mệt mỏi rã rời, sau khi tắm rửa, ăn tối qua loa, HS lại quay cuồng với bài tập trên lớp, bài làm về nhà, học bài cho tiết kiểm tra ngày mai. Và một ngày của HS chỉ có thể kết thúc khi đồng hồ điểm 12 giờ đêm. Ai cũng thấy, HS đang tuổi ăn tuổi lớn mà phải vật vã với bài vở, mỗi ngày chỉ được ngủ nghỉ 4-5 giờ và với kiểu học nhồi nhét như thế sẽ không thể giúp HS phát triển toàn diện thể chất lẫn trí tuệ. Ai cũng nhận thấy điều đó nhưng không ai làm khác đi vì sợ con mình không theo kịp bạn bè, bị thầy cô để ý.
Nếu lý giải nguyên nhân do tâm lý phụ huynh cho con học thêm nên mới xảy ra tình trạng quá tải, thì khi tìm hiểu một trường hợp ngược lại của HS lớp 9 ở một trường chuyên lại thấy, những HS này được phụ huynh “nói không” với học thêm để giảm áp lực nhưng các em vẫn phải tự bơi với bài tập từ chính khóa đến bán trú. “Nhìn con phải đánh vật với bài tập hàng ngày thật tội. Giải được thì mừng, có những bài không làm được khiến cháu lúc nào cũng lo lắng và không có thời giờ vui đùa”, một phụ huynh bức xúc. Không ít phụ huynh bắt đầu ngao ngán với… mong ước trường chuyên!
Nguyên tắc học bán trú là không được dạy chương trình chính khóa, không cho bài tập về nhà, chủ yếu là giáo viên hướng dẫn cách học trên lớp để giảm áp lực về nhà. Nhưng thực tế, nhiều trường vẫn tận dụng giờ học thêm như giờ học chính thức, càng đẩy chuyện học của HS trở nên quá tải, đầy căng thẳng.
Theo các chuyên gia, việc chơi đùa của trẻ không chỉ đơn giản là để vui thích mà rất quan trọng trong hỗ trợ phát triển trí thông minh, cũng như cảm xúc của trẻ... Bao giờ ngành giáo dục mới thấy rõ, sự mất cân bằng giữa học tập và vui chơi sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới thể chất lẫn tinh thần của trẻ em để có sự điều chỉnh hợp lý?
Mỹ Hằng