Dù chỉ mới 2 tháng đầu năm nhưng dòng vốn FDI đầu tư vào TPHCM đang tăng mạnh. Theo Sở KH-ĐT TPHCM, tính đến ngày 15-2, sở đã cấp giấy chứng nhận cho 39 dự án đầu tư mới với số vốn 150,6 triệu USD, tăng 102% về số dự án mới và tăng 340% về vốn đầu tư so với cùng kỳ năm 2013.
Ngoài ra, có 13 dự án điều chỉnh tăng vốn với 36,5 triệu USD, tăng 290% so với cùng kỳ năm 2013. Còn theo Ban Quản lý các KCX-KCN (Hepza), chỉ tiêu thu hút đầu tư trong năm 2014 tại các KCX-KCN TP là 550 triệu USD. Tuy nhiên, chưa đầy 2 tháng đầu năm, lượng vốn đầu tư vào các KCX-KCN đã đạt hơn 240 triệu USD, trong đó vốn FDI đạt hơn 220 triệu USD. Trong số đó, nhiều dự án có vốn lớn như dự án đầu tư của Công ty TNHH Worldon Việt Nam (thuộc Tập đoàn Shenzhou International Trung Quốc) đầu tư 140 triệu USD thành lập trung tâm thiết kế thời trang và sản xuất các sản phẩm may mặc cao cấp; dự án của Công ty TNHH Sheico Việt Nam (lãnh thổ Đài Loan) với tổng vốn đầu tư 50 triệu USD, đầu tư dây chuyền hoàn chỉnh từ dệt vải đến sản xuất các sản phẩm may mặc chuyên dụng cao cấp trong thể thao dưới nước như lặn, bơi, áo phao...
Theo đại diện Hepza, sở dĩ những tháng đầu năm dòng vốn đầu tư vào các KCX-KCN tăng mạnh là do một số nhà đầu tư đón đầu việc ký kết Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Bên cạnh đó, đây là thời điểm giao thời giữa hai năm nên nhiều dự án sau quá trình đám phán vào cuối năm 2013 được chuyển sang đầu năm 2014 mới cấp giấy chứng nhận đầu tư. Ngoài ra, môi trường đầu tư của TP được cải thiện nên nhiều dự án từ các KCN của các tỉnh khác chuyển về TP hoạt động.
Để thu hút dòng vốn đầu tư trong năm 2014, Hepza cho biết, các KCX-KCN đã chuẩn bị 408ha đất và hơn 67.400m2 nhà xưởng tiêu chuẩn để đón nhà đầu tư tại các KCN: Tân Phú Trung, Đông Nam, An Hạ, Hiệp Phước giai đoạn 2 và KCX Tân Thuận; triển khai Khu kỹ nghệ Việt - Nhật tại KCN Hiệp Phước để thu hút vốn đầu tư từ các DN vừa và nhỏ Nhật Bản trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ kỹ thuật cao. Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp với các sở, ngành TP để hỗ trợ doanh nghiệp (DN); cải tiến quy trình cấp giấy chứng nhận đầu tư, thực hiện cấp phép đầu tư qua mạng, công khai minh bạch thủ tục hành chính; cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao; hoàn thiện cơ sở hạ tầng; tổ chức xúc tiến đầu tư định hướng vào lĩnh vực công nghiệp xanh, lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ cho công nghệ cao.
Ông Đoàn Hồng Tâm, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần KCN Hiệp Phước, chia sẻ, trong bối cảnh kinh doanh ngày càng khó khăn và mức độ cạnh tranh ngày càng khốc liệt, công ty xác định phải đa dạng hóa các sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Trong đó, công ty đã góp vốn 45% với Công ty Unika Holdings (Nhật Bản) triển khai xây dựng Khu kỹ nghệ Việt - Nhật. Nếu như trước đây, công ty chỉ tập trung vào việc cho thuê lại đất công nghiệp thì hiện nay, sự xuất hiện của dự án này đã giúp KCN Hiệp Phước gia tăng lợi thế cạnh tranh.
Dù dòng vốn thu hút đầu tư FDI vào TPHCM trong 2 tháng đầu năm tăng mạnh, song đây chỉ mới là giai đoạn của thời điểm chuyển tiếp giữa hai năm nên để hoàn thành mục tiêu thu hút vốn đầu tư của cả năm đặt ra đối với TPHCM trong thời gian tới là áp lực không hề nhỏ. Vì vậy, để hoàn thành và vượt kế hoạch của năm, các cơ quan quản lý nhà nước và các công ty phát triển KCX-KCN cần đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng; xúc tiến đầu tư tìm kiếm đối tác, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nâng cấp hạ tầng giao thông kết nối đến các KCX-KCN...
ĐÌNH LÝ