Số văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền được phát hiện tăng cao
SGGPO
Bộ Tư pháp, đã kiểm tra 4.462 văn bản, tăng 1.429 văn bản so với năm 2016; bước đầu phát hiện 134 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền ban hành và 22 văn bản không phải là VBQPPL nhưng có chứa quy phạm pháp luật.
Tổng kết công tác tư pháp năm 2017, Bộ Tư pháp cho biết, trong năm toàn ngành Tư pháp đã tổ chức thẩm định gần 10.000 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Đồng thời, công tác kiểm tra VBQPPL cũng được chú trọng. Theo đó, các Bộ, cơ quan, địa phương đã tiếp nhận kiểm tra theo thẩm quyền 27.274 VBQPPL (giảm 28,5% so với năm 2016). Đáng lưu ý là qua kiểm tra, bước đầu phát hiện 1.005 văn bản có dấu hiệu trái nội dung, thẩm quyền (tăng 346 văn bản so với năm 2016).
“Việc xử lý các văn bản trái pháp luật được đôn đốc, thực hiện quyết liệt, kịp thời hơn, nhất là những văn bản liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp. Đối với Bộ Tư pháp, đã kiểm tra 4.462 văn bản (gồm 618 văn bản của Bộ, cơ quan ngang Bộ và 3.844 văn bản của địa phương), tăng 1.429 văn bản so với năm 2016; bước đầu phát hiện 134 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền ban hành (23 văn bản của các Bộ, ngành, 111 văn bản của địa phương) và 22 văn bản không phải là VBQPPL nhưng có chứa quy phạm pháp luật. Đến nay, có 62 văn bản có kết luận kiểm tra trong năm 2017 đã được xử lý; các văn bản còn lại đang được Bộ Tư pháp theo dõi, đôn đốc cơ quan ban hành xử lý theo quy định”, Báo cáo của Bộ Tư pháp nêu rõ.
Cũng theo Báo cáo, bên cạnh những mặt được, trong công tác xây dựng pháp luật vẫn còn tình trạng xin lùi, rút dự án ra khỏi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, trong đó có tới 3 dự án luật phải lùi thời hạn trình (Luật Cạnh tranh (sửa đổi); Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường).
Bên cạnh đó, cũng có 3 dự án luật khác phải rút ra khỏi Chương trình (gồm Luật Công an xã; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp).
Tương tự, số lượng văn bản “nợ đọng” quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh đã có hiệu lực thuộc thẩm quyền ban hành của các Bộ, cơ quan ngang Bộ vẫn còn (hiện nay, có 4 Bộ còn nợ tổng số 10 thông tư), chưa đạt mục tiêu chấm dứt tình trạng nợ đọng từ năm 2017.
Chất lượng một số VBQPPL chưa cao, điển hình là Thông tư số 45/2017/TT-BGTVT ngày 17-11-2017 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (nội dung liên quan các loại giấy tờ sử dụng làm thủ tục đi máy bay)...
Trong khi đó, việc tự kiểm tra VBQPPL ở nhiều Bộ, ngành, địa phương còn mang tính hình thức, không phát hiện được văn bản sai sót; chưa kịp thời kiểm tra, chưa theo kịp được tiến độ ban hành văn bản. Một số văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền đã có Kết luận kiểm tra và đôn đốc xử lý nhưng vẫn chưa được tiến hành xử lý hoặc xử lý chưa triệt để, chưa đúng hình thức và thời hạn theo quy định.