Dù bất cập này kéo dài trong nhiều năm, nhưng lời hứa sửa chữa, khắc phục trước dân vẫn chưa được thực hiện. Còn hai chữ trách nhiệm, người ta vẫn còn đổ cho… sỏi đá với nắng mưa?
Dự án quốc lộ (QL) 1A qua 2 tỉnh Bình Định - Phú Yên có chiều dài 120km, được đầu tư nâng cấp với tổng kinh phí 7.800 tỷ đồng (trong đó có 2 gói đầu tư theo hình thức đầu tư - kinh doanh - chuyển giao (BOT) và 1 gói từ vốn trái phiếu chính phủ (4.109 tỷ đồng). Dự án được Bộ GTVT đưa vào khai thác tháng 10-2015, song từ năm 2016 đến nay, đã phát sinh hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, nhất là vào cuối năm 2017, mặt đường xuất hiện dày đặc “ổ gà”, “ổ voi”… Giai đoạn cuối năm 2017 đến đầu năm 2018, tại nghị trường kỳ họp HĐND tỉnh Bình Định, cử tri, người dân ta thán việc QL1 hư hỏng. Nhiều ý kiến nghi ngại rằng, QL1 với hàng ngàn tỷ đồng mới nâng cấp đã xuống cấp, rõ ràng là có trách nhiệm của chủ đầu tư và đơn vị giám sát. Cũng có nhiều nghi vấn cho rằng, QL1A bị “rút ruột”?...
Tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định đã đặt vấn đề trước nghị trường Quốc hội. Lúc này, Bộ trưởng Bộ GT-VT lý giải rằng, hư hỏng là do thời tiết tại Bình Định khắc nghiệt, bão lũ nhiều, lớn, nước tràn ngập qua đường. Đồng thời đưa ra cam kết sẽ khắc phục, sửa chữa các hư hỏng trước mùa mưa lũ năm 2018. Cam kết rồi, nhưng đến đầu tháng 10-2018, tỉnh Bình Định xuất hiện mưa đầu mùa, QL1A tiếp tục phát sinh hư hỏng. Nhiều nơi xuất hiện chằng chịt “ổ gà”, “ổ voi”. Người dân địa phương và các lái xe tiếp tục “lên gân cổ”…
Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể dẫn đầu đoàn công tác của bộ này vào Bình Định để kiểm tra công tác khắc phục các hư hỏng trên QL1A (đoạn qua tỉnh Bình Định). Tại hiện trường, ông Thể khá bức xúc trước các hư hỏng, công tác khắc phục chậm trễ. Làm việc với tỉnh Bình Định, đại diện Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (XD-CL CTGT) tiếp tục đưa ra lý do rằng, việc QL1A, đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Định vừa đưa vào khai thác chưa được lâu đã phát sinh hư hỏng, xuống cấp là do nguyên vật liệu tại địa phương kém; do thời tiết, mưa lũ nhiều…; lần này thì có thêm một lý do khá mới là do hệ thống đô thị của địa phương phát triển. Trong đó, hệ thống thoát nước ở các đô thị đã gây ảnh hưởng đến chất lượng đường quốc lộ;…
Tuy nhiên, dư luận cho rằng, các lý do mà Bộ GTVT đưa ra thật không thuyết phục. Chẳng lẽ, cứ hư hỏng lại đổ lỗi cho đá sỏi, thời tiết, đô thị phát triển hay sao? Nhưng cái cớ cũ mèm đó, trải qua bấy lâu nay, vẫn vận dụng hết sức hiệu quả, chẳng khác nào “kế hay”, để mỗi khi hỏng đường, lại đem ra vận dụng. Làm vậy, khác nào vẽ đường cho hươu chạy.
Trong 3 gói đầu tư trên QL1A (Bình Định), gói thuộc nguồn vốn của trái phiếu Chính phủ được giao cho Ban Quản lý đường Hồ Chí Minh làm đại diện chủ đầu tư; 2 gói còn lại thuộc các dự án BOT khác; ngoài ra, tỉnh Bình Định còn 1 trạm BOT đặt tại QL19. Tuyến đường này mới đưa vào khai thác năm 2016, nhưng cũng đã xuống cấp. Theo Sở GTVT tỉnh Bình Định, khoảng cách đặt các trạm BOT chưa đúng theo quy định. Trong đó, quy định tối thiểu là 70km, nhưng ở QL1A Bình Định, từ trạm BOT Nam Bình Định đến trạm BOT Bắc Bình Định, cách nhau chỉ 64km; khoảng cách giữa trạm BOT Nam Bình Định với trạm BOT đặt trên QL19 mới chỉ cách nhau 34km. Trước đó, tỉnh Bình Định cũng đã có kiến nghị bộ GTVT, Bộ Tài chính sớm triển khai các giải pháp để quản lý doanh thu, thu phí chặt chẽ minh bạch đối với các trạm thu phí trên.
Không ai ra chợ chịu mua những con cá đã bốc mùi ươn về nhà. Nếu không tin tưởng chủ trương đúng đắn của Nhà nước thì người dân không bao giờ chấp nhận việc phải “bò” trên một cung đường oặt ẹo, rặt những “ổ gà”; nhưng vẫn phải đóng phí.
Tại buổi làm việc với tỉnh Bình Định, riêng về vấn đề BOT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, nếu chậm khắc phục hư hỏng thì sẽ “đóng cửa”, cấm thu phí nữa. Chỉ đạo thì quyết liệt thế nhưng người dân mong muốn Bộ trưởng cần thực hiện quyết liệt hơn nữa.
Thời gian qua, không ít dự án, công trình giao thông trên cả nước, sau khi thi công đưa vào sử dụng không bao lâu đã hư hỏng, xuống cấp nặng nề. Tuy nhiên, hầu hết cũng chỉ khắc phục cho… qua! Theo các chuyên gia, cần đánh giá lại toàn diện chất lượng dự án QL1A, đoạn qua tỉnh Bình Định cũng như nhiều dự án tương tự khác trên cả nước. Phải làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan và cả chủ đầu tư trong công tác đầu tư, nâng cấp, giám sát, thẩm định chất lượng… trước khi đưa các dự án vào khai thác. Không thể nào làm đường kém chất lượng mà chỉ yêu cầu khắc phục thôi. Cần thiết, nên thanh tra lại toàn bộ vụ việc, nếu phát sinh sai phạm thì phải khởi tố, điều tra, xử lý trách nhiệm hình sự. Làm được như thế thì những đồng tiền thuế của nhân dân mới được sử dụng hiệu quả hơn; các chủ đầu tư sẽ có trách nhiệm hơn với những dự án sau này.