Sợi dây “nối” biển

Sợi dây “nối” biển

Kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Lữ đoàn Hải quân 125 và đường Hồ Chí Minh trên biển (23-10-1961 - 23-10-2016)

Nhắc lại chuyện cũ, 22 cán bộ, chiến sĩ trên tàu Trường Sa 21, Hải đội 1 (thuộc Lữ đoàn Hải quân 125) không ai quên nhiệm vụ trực chốt chủ quyền tại thềm lục địa phía Nam từ tháng 3-2016. “Nhiệm vụ khó khăn nhất đã trở thành kỷ niệm thiêng liêng, khó quên nhất trong đời lính hải quân chúng tôi”, đại úy Phạm Anh Tuấn, Thuyền trưởng tàu Trường Sa 21, bộc bạch.

74 ngày đêm “cân” não

Đại úy Tuấn nhớ lại, trước tình hình biển đảo diễn biến ngày một nhanh và phức tạp, như tất cả các đơn vị quân đội khác, Lữ đoàn Hải quân 125 sẵn sàng nhận nhiệm vụ theo lệnh điều động bất cứ lúc nào. Tháng 3-2016, tàu Trường Sa 21 nhận lệnh ra khơi, trực chốt chủ quyền ở thềm lục địa phía Nam. Khi tàu đến vị trí trực quy định, rất nhiều tàu cá lạ đang nhăm nhe tiến vào lãnh hải nước ta. Tàu Trường Sa 21 phải “đơn phương độc mã” đối phó trong suốt 74 ngày đêm. Tất cả thành viên trên tàu luôn trong tình trạng “cân não” với đối phương. Đại úy Phạm Anh Tuấn nhớ lại: “Số lượng tàu lạ áp đảo, trong khi ta chỉ có một tàu. Dù tàu của ta trang bị phương tiện kỹ thuật hiện đại, thuyền viên có kỹ năng chuyên nghiệp nhưng chỉ được phép xua đuổi. Khó là ở chỗ đấy! Ta cứ đuổi đầu này, đối phương lại tiến vào đầu khác. Chiến thuật tốt nhất là kiên trì, tàu vào ta xua đuổi. Sau một thời gian không thấy ta dao động là họ tự khắc rút lui”.

Trong khoảng thời gian trực chốt chủ quyền, tàu Trường Sa 21 còn cứu hộ cứu nạn một tàu đánh cá của ngư dân. Máy trên tàu đánh bắt cá rò nhớt dẫn đến gãy một số điểm trục. Tàu đối diện với nguy cơ bị tê liệt, có thể lật nếu gặp sóng to gió lớn. Tính mạng 10 ngư dân trên tàu như “chỉ mành treo chuông”. Nhận tín hiệu cầu cứu khẩn cấp, đại úy Tuấn lập tức cử một kíp kỹ thuật gồm 7 chiến sĩ sang giúp đỡ. Những bộ phận máy móc hư hỏng được đưa sang tàu Trường Sa 21 hàn, nối khớp. Tàu ngư dân được cấp thêm nhiên liệu vận hành. Tàu đánh cá phục hồi hoạt động trong buổi sáng, ngư dân vững tâm, tiếp tục đánh bắt. Các chiến sĩ hải quân tiếp tục nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền. Tháng 7-2015, khi tàu Trường Sa 21 đang trả hàng ở đảo Trường Sa Lớn thì nhận thông báo khẩn tàu đánh bắt mực cách nơi trả hàng 50 hải lý có một ngư dân bị nhiễm trùng xương chân, cần điều trị gấp. Thông báo phát đi, tàu Trường Sa 21 cử ngay tàu cơ động ra đón người bệnh vào bờ chữa trị. Tàu cơ động mang theo bác sĩ quân y, các loại thuốc để sơ cứu tạm thời. Nhờ tinh thần làm việc chuyên nghiệp, nhanh chóng của lực lượng cứu hộ cứu nạn, sau 14 giờ, người bị thương đã an toàn trong bệnh xá huyện đảo.

8 ngày cứu tàu Maritime 09

Nhắc đến công việc cứu hộ cứu nạn là ngư dân đánh bắt tại khu vực quần đảo Trường Sa nhắc ngay đến tên “Trường Sa 21”. Còn nhắc đến “thương hiệu” cứu kéo tàu mắc cạn, đưa đón quân dân ra thăm Trường Sa của Lữ đoàn 125 thì không ai không biết đến tàu 960 - Titan, Hải đội 5.

Tháng 8-2015, tàu 960 nhận lệnh ra cứu kéo tàu Maritime 09 mắc cạn tại đảo Trường Sa Lớn. Tàu nhanh chóng rời cảng trong đêm. Khi ấy, tình trạng tàu Maritime 09 báo về là tàu có thể va phải đá ngầm dẫn đến vỡ tàu. Thấy rõ tình trạng nguy cấp của tàu bạn, tàu 960 lập tức triển khai phương án di chuyển, cứu kéo nhanh nhất có thể, tìm mọi cách hạn chế thiệt hại, đặc biệt là thiệt hại về người. Hành trình ra hiện trường dài 322 hải lý, mất 22 giờ di chuyển. Ra đến địa điểm thuận lợi, một tổ cơ động tức tốc tiếp cận, đưa thủy thủ đoàn tàu Maritime 09 về tàu của ta. Nhân lúc thời tiết thuận lợi, các cán bộ, chiến sĩ nhanh chóng khắc phục, sửa chữa, cứu kéo tàu bạn ra khỏi vùng nguy hiểm. “Mọi phương án phải thực hiện nhanh nhất vì chỉ cần thời tiết bất ngờ chuyển biến là ta mất cơ hội. Khi đấy, không những tàu bị nạn mà cả tàu cứu nạn cũng mất an toàn. Chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ trong 8 ngày”, chính trị viên Võ Minh Thắng kể.

Tàu của Lữ đoàn 125 cứu kéo tàu cá của ngư dân gặp nạn trên biển (Ảnh do đơn vị cung cấp)


Không chỉ cứu kéo tàu gặp nạn, tàu 960 còn nổi danh với những chuyến tàu đưa đón lãnh đạo, quân, dân ra thăm Trường Sa. Tháng 5-2013, chuyến đi đưa đoàn công tác của TPHCM do đồng chí Nguyễn Văn Đua (khi ấy là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM) làm trưởng đoàn gặp mưa dông, sóng lớn. Tàu tới đảo Trường Sa Lớn lúc 20 giờ. Mưa dông khiến tầm nhìn giảm, các chiến sĩ phải dùng đèn pha rọi cho xuồng đi. Tàu cử 2 kíp xuồng đưa người vào đảo. Mỗi chuyến chỉ dám chở 20 người/xuồng. Khoảng cách từ tàu vào bờ dài cả cây số. Các chiến sĩ chèo tay hơn 10 chuyến mới đưa hết 140 người, quà và nhạc cụ của các ca sĩ, văn công vào đảo. Bù lại công sức ấy, buổi giao lưu diễn ra đầm ấm, thành công.

Mỗi lần đưa đoàn ra thăm Trường Sa, cán bộ, chiến sĩ tàu 960 lại chuẩn bị chu đáo từ chương trình đến hoạt động. Công tác tổ chức, đưa đón luôn chuẩn bị kỹ lưỡng, từ từng cái tăm xỉa răng đến nơi ăn chốn ở cho từng người. Thuyền chỉ có 20 phòng nên những lúc có đoàn đông người, cả thuyền trưởng cũng nhường phòng.

Nhờ những con tàu có chiến sĩ hải quân nhiệt huyết, anh dũng mà biển đảo và đất liền như gần nhau thêm. Như nhiều người từng ra thăm Trường Sa vẫn nói: “Các anh là sợi dây nối kết các vùng biển đảo của Tổ quốc, là sự sống mãnh liệt giữa biển khơi!”.

 

Lữ đoàn 125 (Vùng 2 Hải quân) thành lập ngày 23-10-1961 với tên gọi Đoàn 759. Đến ngày 29-1-1964 được đổi tên thành Lữ đoàn 125.

Nhiệm vụ chính của đơn vị khi mới thành lập là bí mật vận tải vũ khí, cán bộ bằng đường biển (đường Hồ Chí Minh trên biển) từ miền Bắc vào chi viện cho miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ. Đơn vị sử dụng các tàu vận tải cỡ nhỏ thâm nhập miền Nam. Dù có số hiệu đầy đủ, song để giữ bí mật, tàu không sơn số hiệu lên thân tàu. Vì thế, những con tàu trên được biết đến với tên gọi “Đoàn tàu không số”. Ngoài ra, đơn vị còn trực tiếp rà phá thủy lôi ở vùng biển Đông Bắc; giải phóng đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa thuộc quần đảo Trường Sa, Cù Lao Thu thuộc tỉnh Ninh Thuận; đón tù nhân từ Côn Đảo về đất liền.

Đất nước thống nhất, Lữ đoàn 125 được giao chặn, chốt, gác tại các điểm khai thác dầu khí; vận chuyển hàng ra Trường Sa; góp phần phát triển kinh tế biển.

KỲ LÂM

Tin cùng chuyên mục