Một trong nhiều nội dung quan trọng tại Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII là việc thống nhất cao ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Vấn đề nêu gương của cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo không phải bây giờ mới được đặt ra. Tháng 6-2012, Ban Bí thư đã ban hành Quy định 101-QĐ/TW “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”. Quy định 101 nhấn mạnh: “Mỗi cán bộ, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam phải tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Cán bộ có chức vụ càng cao càng phải gương mẫu”. Quy định này cũng yêu cầu đội ngũ cán bộ, đảng viên có trách nhiệm nêu gương ở 7 nội dung.
Cụ thể là: Tư tưởng chính trị; Đạo đức, lối sống, tác phong; Tự phê bình và phê bình; Quan hệ với nhân dân; Trách nhiệm trong công tác; Ý thức tổ chức kỷ luật; Đoàn kết nội bộ. Qua hơn 6 năm thực hiện quy định này, cùng với chấp hành Quy định 47-QĐ/TW (ban hành ngày 1-11-2011 “Về những điều đảng viên không được làm” của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI), phần lớn cán bộ, đảng viên giữ vững và phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu trong cuộc sống, sinh hoạt, học tập, rèn luyện, công tác. Qua đó góp phần giữ gìn vị thế, uy tín của Đảng trong xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những tấm gương cán bộ, đảng viên được quần chúng nhân dân học tập, noi theo, những năm qua, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đã có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Điều này đã được cảnh báo rất nhiều lần. Không ngẫu nhiên mà trong 5 năm của 2 nhiệm kỳ liên tiếp gần đây, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã 2 lần ban hành Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) để bàn sâu về vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà mấu chốt là vấn đề tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.
Trong Văn kiện Đại hội Đảng XII, Đảng đã chính thức đưa vấn đề đạo đức trở thành một trong những trụ cột của công tác xây dựng Đảng. Đó là xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Trong nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng XII, nhờ triển khai khẩn trương, quyết liệt, công cuộc chống tham nhũng ở mọi cấp, mọi ngành, mọi đối tượng, Đảng đã thi hành kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý (cả đương chức, chuyển công tác và đã nghỉ hưu), trong đó có 9 cán bộ là Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương, khai trừ đảng 1 cán bộ là Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị.
Ngay tại Hội nghị Trung ương 8 này, 2 cán bộ nguyên là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI đã bị xử lý kỷ luật vì những sai phạm trước đây. Những động thái đó chứng tỏ quyết tâm làm trong sạch bộ máy của Đảng, để củng cố niềm tin của nhân dân; qua đó góp phần khẳng định vị thế, uy tín của Đảng, xứng đáng là lực lượng nắm giữ vai trò lãnh đạo nhà nước và xã hội.
Với quy định mới về nêu gương, một lần nữa, Đảng xác định việc đề cao vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên là một trong những nội dung phương thức lãnh đạo cơ bản của Đảng. Quan trọng hơn, đó là những người lãnh đạo cấp cao, là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương.
Quy định trong dự thảo yêu cầu từng Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng nghiêm túc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy vai trò tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; tích cực thực hiện phân cấp, phân quyền, gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực; phải mẫu mực về đạo đức, lối sống, minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập; nghiêm túc, công tâm, khách quan, cầu thị trong tự phê bình và phê bình; thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh; dũng cảm nhận khuyết điểm, nhận trách nhiệm, không tranh công, đổ lỗi; không định kiến, trù dập người góp ý, phê bình; không lợi dụng phê bình để xu nịnh, lấy lòng, thổi phồng thành tích hoặc bôi nhọ, cường điệu khuyết điểm, hạ thấp uy tín của nhau…
Từng Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương chủ động từ chức khi bản thân không đủ điều kiện, uy tín hoặc để địa phương, cơ quan, đơn vị mình phụ trách không hoàn thành nhiệm vụ chính trị, hoặc để xảy ra mất đoàn kết kéo dài, hoặc để cán bộ cấp dưới trực tiếp tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng phải xử lý bằng pháp luật.
Rõ ràng, khi cán bộ và công tác cán bộ là “cái gốc” của xây dựng Đảng, thì việc đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, nhất là cán bộ cấp cao chính là để tạo nền tảng xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, lành mạnh và đủ sức chiến đấu, lãnh đạo đất nước tiếp tục công cuộc xây dựng và phát triển.
Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 8 vừa qua: “Nếu gần 200 Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, từng đồng chí thật sự soi vào bản thân mình, đề cao trách nhiệm nêu gương và gương mẫu đi đầu thực hiện thì sẽ có sức lan tỏa rất lớn, sẽ tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Bác Hồ đã dạy: Một tấm gương sống có giá trị hơn cả trăm bài diễn văn tuyên truyền”.