Sớm giải tỏa những điểm "cổ chai" cản trở phát triển

Báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết số 1052/NQ-UBTVQH13 về một số định hướng, nhiệm vụ và giải pháp thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Bộ Công Thương đã được trình bày tại phiên họp ngày 21-12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH).

(SGGPO).- Báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết số 1052/NQ-UBTVQH13 về một số định hướng, nhiệm vụ và giải pháp thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Bộ Công Thương đã được trình bày tại phiên họp ngày 21-12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH).

Theo đó, sau một năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 1052, công tác hội nhập kinh tế quốc tế đã được đẩy mạnh trên nhiều lĩnh vực, từ thông tin tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế; cải cách thể chế, luật pháp phù hợp với các quy định và thông lệ quốc tế; nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu; bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp trước các hàng rào thương mại; tích cực tham gia vào các diễn đàn, tổ chức quốc tế và đẩy mạnh đàm phán các FTA...

Tuy nhiên, Báo cáo cũng đã chỉ ra 10 tồn tại, vướng mắc trong triển khai Nghị quyết, trong đó nhấn mạnh hội nhập kinh tế quốc tế đã góp phần làm bộc lộ những yếu kém cơ bản của nền kinh tế. Cơ cấu kinh tế và chất lượng tăng trưởng vẫn chưa được cải thiện về căn bản… Việc phát triển thể chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tuy đã có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ, đôi khi lúng túng trong việc xác định hướng đi. Các thị trường bất động sản, tài chính, lao động, khoa học - công nghệ tuy đã hình thành và phát triển nhưng vẫn cần có sự cải thiện. Vai trò của kinh tế tư nhân tuy đã được xác định là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế, vẫn cần có thêm những chính sách cụ thể để phát huy trong thời gian tới.

Đáng lưu ý, cùng với quá trình phát triển, đã xuất hiện các điểm “cổ chai” về thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực... gây cản trở cho quá trình phát triển.

Trong đó, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng là các nội dung đặc biệt quan trọng, cần lưu tâm đặc biệt để có thể vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội của hội nhập kinh tế quốc tế. Nguồn nhân lực mới tăng về số lượng nhưng chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế của các doanh nghiệp, đặc biệt những ngành nghề cần công nghệ cao, nhân lực chất lượng cao chỉ tập trung vào một số địa bàn, dẫn đến mất cân đối và phân cực giữa các vùng miền và trong những ngành cần ưu tiên phát triển.

Cùng nhìn nhận vai trò của nguồn nhân lực như "chìa khóa" để hội nhập thành công, Ủy ban Kinh tế cho rằng Báo cáo của Chính phủ cần nêu ra những giải pháp đã thực hiện từ khi có Nghị quyết 1052 nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cần có lộ trình thực hiện mục tiêu như Nghị quyết yêu cầu.

Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát, cụ thể hóa bằng các biện pháp mạnh hơn và trường hợp cần thiết thì sửa đổi, bổ sung Quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2011-2020 trong bối cảnh tác động mạnh của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 đòi hỏi tăng cường nguồn nhân lực có chất lượng trong lĩnh vực khoa học công nghệ; nhất là trong bối cảnh Cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức thành lập từ ngày 31-12-2015 cho phép 08 lĩnh vực ngành nghề được tự do di chuyển.

“Việc bổ sung các giải pháp là cần thiết, góp phần thực hiện chỉ tiêu về tốc độ tăng năng suất lao động bình quân hằng năm trên 5,5% theo Nghị quyết số 05-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 4 khóa XII và Nghị quyết số 24/2016/QH14 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020”, bản báo cáo của Ủy ban Kinh tế nêu rõ.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định, Chính phủ và Ban Chỉ đạo liên ngành đánh giá, tính tích cực và chủ động trong thực hiện vẫn có mức độ, “tới đây cần cố gắng hơn, lựa chọn xem mình tham gia cuộc chơi nào một cách chủ động hơn”.

Phó Thủ tướng cũng cho biết, bên cạnh 8 nhóm giải pháp đã nêu trong Nghị quyết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các ngành, các cấp bám sát các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế; thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và Nghị quyết của Quốc hội để có sự chuẩn bị tích cực từ bên trong...

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục