Sớm triển khai đầu tư mới xe buýt

Cách nay đúng 10 năm, năm 2002 TPHCM đã đầu tư mới 1.318 xe buýt thay thế cho toàn bộ số xe cũ, tạo một sự thay đổi lớn cho hoạt động vận tải hành khách công cộng. Từ chỗ trung bình mỗi ngày chỉ chuyên chở được vài trăm ngàn lượt hành khách hiện nay xe buýt thành phố đã đưa đón được gần 1,5 triệu lượt hành khách/ngày, đáp ứng được khoảng 5% nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên, những chiếc xe buýt đầu tiên trong số 1.318 xe nêu trên đã bắt đầu hết vai trò lịch sử của mình, chúng già nua, cũ kỹ và xuống cấp.
Sớm triển khai đầu tư mới xe buýt

Cách nay đúng 10 năm, năm 2002 TPHCM đã đầu tư mới 1.318 xe buýt thay thế cho toàn bộ số xe cũ, tạo một sự thay đổi lớn cho hoạt động vận tải hành khách công cộng. Từ chỗ trung bình mỗi ngày chỉ chuyên chở được vài trăm ngàn lượt hành khách hiện nay xe buýt thành phố đã đưa đón được gần 1,5 triệu lượt hành khách/ngày, đáp ứng được khoảng 5% nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên, những chiếc xe buýt đầu tiên trong số 1.318 xe nêu trên đã bắt đầu hết vai trò lịch sử của mình, chúng già nua, cũ kỹ và xuống cấp.

Vết mục bên hông một chiếc xe buýt sau khi sử dụng hơn 8 năm. Ảnh: THANH TÂM

Vết mục bên hông một chiếc xe buýt sau khi sử dụng hơn 8 năm. Ảnh: THANH TÂM

Xe buýt... “euro 0”

Là một “khách hàng thân thiết” của xe buýt nhưng bà Trần Thị Hồng Liên ở Bình Thạnh không ít lần phải cau mày khó chịu vì khói xe buýt. Bà Hồng Liên kể: “Mỗi lần xuống xe nếu không nhanh chân bước ra xa trước khi xe nhấn ga đi tiếp, thế nào tôi cũng hứng trọn một đám khói”.

Điều bà Hồng Liên than vãn, thực ra không quá khó hiểu. Ra đời cách nay 10 năm, thời điểm chưa có các quy định về khí thải đối với phương tiện xe cơ giới nên hầu hết xe buýt của TPHCM… không phải tuân theo bất cứ tiêu chí nào liên quan đến vấn đề này.

Hiện nay trong khi tất cả các loại ô tô phải đáp ứng tiêu chuẩn Euro 2 về khí thải thì tiêu chuẩn về khí thải của xe buýt thành phố là con số 0 tròn trĩnh. Điều này lại càng trở nên tệ hại đối với một đô thị đông dân như TPHCM khi chúng cũ kỹ và xuống cấp.

Theo ông Phùng Đăng Hải, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX xe buýt TPHCM, đơn vị được mua 653 xe buýt từ dự án đầu tư 1.318 xe buýt của thành phố, ít nhất hơn một nửa số xe của đơn vị đã phải đại tu, làm lại từ dàn máy đến dàn đồng 2 lần. Tuy nhiên, xe được sửa chữa lại không thể nào tốt như xe mới do vậy hiện tượng xe xả khói ngày càng đen, tiếng máy chạy ngày càng ầm ĩ… là tất yếu.

Ngay cả 200 xe buýt của hãng Mercedes-Benz Việt Nam bán cho Công ty Xe khách Sài Gòn cũng có không ít xe đã xuống cấp, thải khói đen ngòm.

Thạc sĩ Lê Trung Tính, Trưởng Phòng Quản lý Vận tải thuộc Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho biết, theo quy định về quản lý vận tải của Bộ Giao thông Vận tải, tuổi đời các phương tiện tải hành khách 17 tuổi.

Căn cứ vào quy định này, xe buýt thành phố còn hoạt động thêm ít nhất 7 năm nữa, tuy nhiên do giao thông thành phố thường xuyên bị ùn ứ, xe buýt đi lại khó khăn nên chúng xuống cấp nhanh hơn rất nhiều lần so với xe khách chạy đường dài. Không phải ngẫu nhiên mà ngay cả xe của hãng Mercedes-Benz nổi tiếng cũng đã có biểu hiện xộc xệch…

Xe buýt là chủ lực

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần IX về chương trình chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2011-2015 có đặt ra mục tiêu: “Đến năm 2015 vận tải hành khách công cộng TPHCM phải đáp ứng được 15% nhu cầu đi lại của người dân và đến năm 2020 là 30%”. Điều đó có nghĩa, muốn đạt được mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần IX đề ra, ngay từ bây giờ thành phố phải chuẩn bị cho việc đầu tư đổi mới 1.318 xe buýt cũ kỹ, đã xuống cấp đồng thời đầu tư thêm xe buýt mới để mở rộng mạng lưới vận chuyển.

Thời gian cho việc triển khai thực hiện một dự án ít nhất 2 - 3 năm vì thế công tác chuẩn bị không nhanh, e lực lượng vận tải hành khách công cộng khó thực hiện được nhiệm vụ mà Thành ủy đã đề ra.

Hiện nay Sở Giao thông Vận tải TPHCM đang soạn thảo đề án Đầu tư xe buýt giai đoạn 2012-2015 với căn cứ xây dựng là những số liệu nghiên cứu khoa học từ đề án Hoàn thiện và phát triển mạng lưới xe buýt TPHCM do Trường Đại học Bách Khoa TPHCM xây dựng và Quy hoạch Phát triển vận tải hành khách công cộng trên địa bàn TPHCM đến 2025 do Trường Đại học Giao thông Vận tải thực hiện.

Theo đề án này, từ nay đến 2015 TPHCM cần 1.680 xe buýt mới (trong đó có 300 xe sử dụng khí CNG) để thay thế số xe buýt cũ, đã xuống cấp trong dự án đầu 1.318 xe trước đây và đầu tư thêm cho việc mở luồng tuyến mới.

Cơ chế chính sách để thu hút đầu tư trong đề án lần này về cơ bản không khác nhiều so với đề án đầu tư 1.318 xe. Cũng là Nhà nước phải hỗ trợ một phần cho doanh nghiệp song khác hơn về mức độ. Nếu như trong dự án đầu tư 1.318 xe, doanh nghiệp vận tải chỉ phải trả trước 100 triệu đồng/xe và phải trả 3% lãi vay vốn đầu tư. Phần lãi vay chênh lệch Nhà nước sẽ bù thì trong dự án đầu tư 1.680 xe, doanh nghiệp vận tải trả trước tới 30%/tổng vốn mua xe và trả tới 5% lãi vay vốn đầu tư. Phần lãi vay chênh lệch Nhà nước bù.

Theo thạc sĩ Lê Trung Tính, so với phương án cũ, phương án mới hài hòa được tốt hơn lợi ích của Nhà nước và doanh nghiệp vận tải. Tính ra để có được 1.680 xe buýt mới Nhà nước chỉ phải bù khoảng 700 tỷ đồng lãi vay. Các doanh nghiệp vận tải sẽ phải chi ra 2.000 tỷ đồng. Đối với việc đầu tư phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng của một đô thị lớn như TPHCM thì số tiền này không lớn, đáng để đầu tư nhất là khi việc phát triển vận tải hành khách công cộng không chỉ chống ùn tắc và giảm tai nạn giao thông mà còn hướng tới bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí, thích ứng với biến đổi khí hậu.

NGUYỄN KHOA

Tin cùng chuyên mục