Hiện nay ở khu vực ĐBSCL có hàng trăm căn nhà cổ đã quá niên hạn sử dụng được xây dựng theo kiến trúc kiểu Pháp. Trong đó, một số nhà đã xuất hiện nhiều vết nứt, nguy cơ sập bất cứ lúc nào nhưng vẫn còn sử dụng làm trường học, trụ sở làm việc…
Thấy mưa là... run!
Ở TP Sóc Trăng (Sóc Trăng) ngôi trường xuống cấp nhất hiện nay là Trường THCS phường 3 nằm trên đường Trần Hưng Đạo. Do được tận dụng từ một số dãy nhà được xây dựng trên 100 năm nên bức tường giáp với đường Lê Hồng Phong – TP Sóc Trăng đã bong tróc, gạch lòi ra từng viên. Bên trong nhiều đòn tay đã bị mục và có lần đã rơi xuống trúng đầu học sinh. Vậy mà mỗi ngày có cả ngàn học sinh của Trường THCS phường 3 ngồi học trong những căn phòng xuống cấp nghiêm trọng như thế này.
Trường THPT Châu Văn Liêm ở quận Ninh Kiều - TP Cần Thơ cũng xuống cấp tương tự. Là một ngôi trường có tuổi thọ lâu đời ở ĐBSCL được xây dựng theo kiến trúc đặc trưng kiểu Pháp nhưng hiện nay nhiều vách tường đang rệu rã nhưng vẫn phải tiếp tục sử dụng làm cơ sở giảng dạy cho hơn 1.000 học sinh. Hôm nào mưa to, gió lớn thầy cô và học sinh trong trường vừa dạy, học và vừa… run.
Xuống cấp nghiêm trọng nhất ở TP Sóc Trăng hiện nay là trụ sở của Ban Chỉ huy quân sự phường 8 – TP Sóc Trăng. Ngôi nhà này đã được một công ty xây dựng của Pháp gửi thông báo hết hạn sử dụng hơn 10 năm, nhưng hàng ngày các cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ của phường vẫn “sống chung” với những căn phòng làm việc có cột xi măng bị đứt lìa, lầu bị lún, nứt có thể sập bất cứ lúc nào. Tương tự, Tòa án Nhân dân TP Cần Thơ cũng đang tận dụng cơ sở vật chất đã hết hạn sử dụng từ năm 1993. Mặc dù đã được sửa chữa lớn nhưng hiện nay tường và trần nhà xuất hiện nhiều vết nứt.
Đập bỏ hay trùng tu?
Theo bà Trần Thị Như Liên - Hiệu trưởng Trường THPT Châu Văn Liêm - hiện ngành giáo dục TP Cần Thơ đang tính đến hai phương án là đập bỏ để xây mới hoặc trùng tu nhằm giữ lại nét kiến trúc độc đáo của trường. Trong khi đó, tại thị xã Bạc Liêu (Bạc Liêu), nhiều người đã không dám ở trong những căn nhà “quá đát” nên đã tiến hành đập bỏ nhà cổ.
Một trong những ngôi nhà cổ bị “khai tử” đầu tiên là ngôi nhà trên đường Bà Triệu - phường 3, thị xã Bạc Liêu có từ năm 1900. Nét rêu phong vẫn còn hằn trên từng mái ngói nhưng giờ đây không ít người đã ngỡ ngàng khi thấy toàn bộ ngôi nhà này được phá bỏ, thay vào đó là một ngôi biệt thự hiện đại với màu sắc sặc sỡ.
Một ngôi nhà khác cũng cùng chung số phận là ngôi nhà cổ làm nơi làm việc của HĐND và UBND phường 5, thị xã Bạc Liêu. Để xây dựng lại trụ sở mới khang trang, ngôi nhà cổ này đã bị đập bỏ không thương tiếc. Một số người muốn lưu lại những vật dụng cổ xưa đã đến mua từng viên gạch, cánh cửa, hoa văn của ngôi nhà này với giá 50.000đ/viên.
Lãnh đạo Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu cho rằng để giữ lại nhà cổ, tới đây sẽ trình UBND tỉnh Bạc Liêu phương án giữ nguyên hiện trạng và Nhà nước sẽ bỏ tiền ra trùng tu tôn tạo, giao cho các đơn vị tổ chức cá nhân quản lý. Nếu xuống cấp, tổ chức, cá nhân sẽ tự tôn tạo theo hướng dẫn của ngành chức năng. Đối với nhà gỗ, bảo tàng sẽ mua toàn bộ kiến trúc nhà ở để trưng bày giới thiệu, bảo quản.
Ông Hoàng Văn Xuân, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Sóc Trăng, cho rằng hiện nay Bộ Xây dựng đã ban hành thông tư hướng dẫn trùng tu các ngôi nhà cổ chứ không chọn hình thức đập bỏ để giữ lại kiến trúc cổ xưa. Ông Xuân cho biết: “Nếu đập bỏ thì chẳng lẽ cả… thành phố Paris cũng đập bỏ vì bên ấy toàn là nhà xây dựng rất lâu đời. Chúng tôi đang tính đến phương án trùng tu và 3 năm sẽ kiểm tra một lần để có phương án sửa chữa kịp thời nếu nhà tiếp tục xuống cấp”.
HỒNG DÂN