Chọn đáy kênh rạch, sông nước làm nơi mưu sinh. Những thợ lặn mà chúng tôi có dịp tiếp xúc tại khúc sông Đồng Nai, không chỉ tìm kiếm chén cơm tấm áo qua ngày, mà còn để kiếm tìm tương lai cho chính những đứa trẻ con của họ. Họ sống lây lất, dựa vào sự ban tặng hào phóng từ những vật phẩm dưới đáy sông. Nhưng tuyệt nhiên trong đầu những thợ lặn, không ai muốn số phận và cuộc đời mình lênh đênh như con nước. Và ở chính những khúc sông đầy bùn dơ nước bẩn ấy, là bao chuyện vui buồn.
Éo le phận nghèo
Chiều nào cũng vậy, sau khi tan ca ở công ty, chị Ngọc Dung (ngụ tại ấp Nhất Hòa, xã Hiệp Hòa, TP Biên Hòa) tranh thủ chèo xuồng ra sông Cái thả vài tay lưới kiếm thêm ít cá cho gia đình. Chị Dung nói: “Hôm nào trúng kiếm được 40.000 - 50.000 đồng, còn không cũng có vài con cá để ăn”.
Chồng chị Dung bị tai nạn giao thông qua đời để lại 2 đứa con. Mới 30 tuổi, nên việc chị bước thêm bước nữa là chuyện hết sức bình thường. Những tưởng cuộc sống gia đình sẽ yên ấm, bình yên và hạnh phúc, nhưng nỗi vất vả vẫn không buông tha chị khi người chồng thứ hai cũng sớm ra đi vì bệnh lao giai đoạn cuối. Chị lại rơi vào cảnh mẹ góa, con côi.
Hiện tại, cuộc sống của 4 mẹ con, ngoài đồng lương công nhân của chị (dưới 1,5 triệu đồng/tháng), cả nhà chỉ còn biết trông chờ vào số cá chị bắt được sau mỗi đêm thả lưới. Chị Dung tâm sự: “Nhờ sống ven sông nên còn kiếm được con cá để ăn, để bán, có thêm ít tiền lo cho 2 đứa lớn đi học. Không chồng là khổ vậy đó”.
Chiều xuống, ngư dân Bảy Trọng tiếp tục thả ghe tự trôi theo con nước lớn để tiết kiệm xăng. Bỗng ông Bảy Trọng đưa tay chỉ cho chúng tôi thấy một ngư dân trẻ đang ngồi ủ rũ trên bờ, rồi nói: “Chú có thấy người ngồi trên bờ kia không? Đó là thằng Dị, nhà ở rạch Bà Long (ấp Tam Hòa, xã Hiệp Hòa) làm nghề chài lưới. Nó vừa bị trộm mất ghe và lưới nên buồn và thường ra mép sông nhìn nước lên, nước xuống và chờ đợi phép màu… Bị tật nguyền nhưng nó giỏi lắm, quanh năm đánh lưới cá nuôi mẹ già. Nay, nghèo còn mắc cái eo này nữa, thiệt tội nghiệp!”.
Vừa thả ghe theo con nước, ông Bảy Trọng cùng với mấy người bạn kể cho chúng tôi nghe rất nhiều câu chuyện dở khóc, dở cười về nghề chài lưới trên sông nước. Ông Bảy Trọng kể về mình: “Một dạo, khi tôi thả lưới ven bờ sông, sát vách một nhà giàu. Bị chủ nhà đuổi, tôi chưa kịp cuốn lưới thì họ lấy súng ra bắn thủng ghe, vỡ bình ắc quy”. Mấy người bạn của ông thì nhắc lại chuyện Bảy Trọng từng thả tay lưới trúng được cả tạ cá, thấy mà ham. Rồi chuyện đêm đêm nằm chờ cá mắc lưới, ông thấy người ta hút cát lậu, làm sạt lở bờ sông mà tức anh ách...
Gia đình anh Trần Văn Long mưu sinh ven sông Long Bình Tân
Theo ông Bảy Trọng, người làm nghề chài lưới, cào hến, xúc trùn, vớt phế liệu... dưới sông Đồng Nai ở làng bè Tân Mai, Long Bình Tân và ven các sông, rạch ở khu vực này có gần một ngàn người. “Càng ngày càng khó bắt được nhiều cá. Bởi lưới cũ rách, ghe thì nhỏ không đi xa được nên chỉ bắt được cá nhỏ, đủ sống qua ngày là may mắn rồi. Còn muốn đánh bắt xa tận rừng Sác (huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai), hay ở Thủ Đức, Bình Chánh, Nhà Bè (TPHCM) phải có vốn đầu tư ghe lớn”, anh Sáu Bỉnh nói. Ngồi bên cạnh, anh Trần Văn Long, sống ở ven sông Long Bình Tân, chia sẻ: “Đánh bắt xa cần phải trang bị ghe, lưới đàng hoàng. Cả gia đình cũng phải theo ghe lênh đênh mưu sinh trên sông nước. Vì thế con cái phải bỏ học. Còn gửi tụi nhỏ ở lại trên bờ, nhờ hàng xóm nuôi ăn để đến trường thì không lo đủ tiền trang trải”.
Một cuộc đời, một ước mơ
“Mỗi một cuộc đời ai cũng đều có ước mơ. Ước mơ ấy đôi lúc chỉ là việc đơn sơ như “trúng đậm” sản vật dưới sông hay xa hơn là sự đổi đời màu nhiệm đến từ điều bất ngờ nào đó. Cư dân làng bè nơi đây cũng vậy, ai cũng mong vào một sự đổi thay”, ông Bảy Trọng tâm tư. Và những ước mơ ấy vẫn không thôi khắc khoải sau những ngày lao động vất vả kiếm cơm. Khi gánh nặng của công cuộc mưu sinh tạm thời lắng lại vào đêm khuya, thì những ước mơ bình dị lại có dịp trỗi dậy. Nó khiến những người may mắn như chúng tôi được lắng nghe, sẻ chia và cảm thấy nghẹn lòng.
Xếp gọn lại mấy bộ đồng phục học sinh đã ngả màu vàng úa theo thời gian, chị Nguyễn Thị Kim Thoa, quê Bến Tre, tâm sự: “Làm cha mẹ mà không tròn bổn phận với con cái mình cũng thấy buồn lắm. Gia đình tôi sống trên ghe, neo đậu ở các bến sông nên việc đăng ký tạm trú, tạm vắng để cho các cháu đi học cũng khá khó khăn. Nhìn tụi nhỏ suốt ngày lầm lũi trên ghe, sáng lội sông cào hến, vớt trùn chỉ; chiều về lại mò cua bắt cá mà thấy đắng lòng. Cả hai đứa đều phải bỏ học từ năm ngoái vì không đủ tiền đóng học phí. Mơ ước lớn nhất của tôi lúc này là muốn thấy tụi nhỏ được tiếp tục học hành để sau này có thể thoát khỏi kiếp nghèo mưu sinh lênh đênh trên sông nước”.
Chia sẻ với tôi, em Huỳnh Thị Mỹ Hoa (con anh Long) cho biết đã nghỉ học hơn năm nay, từ hồi gia đình còn mưu sinh trên sông Hậu. Lúc mới lên đây em có theo học tiếp lớp 6 tại lớp học tình thương của một thầy giáo già ở phường Tân Mai. Nhưng từ khi ông giáo bị bệnh nặng, không thể đứng lớp thì lớp học của những đứa trẻ lênh đênh trên sông nước như Hoa cũng tạm thời gián đoạn. Một năm qua, công việc hàng ngày của em là theo cha mẹ ra những khúc sông bùn dơ, nước bẩn đãi trùn. Ngày qua ngày, ước mơ được trở thành cô giáo của em cũng dần lụi tắt theo những tháng ngày cực nhọc mưu sinh. Vất vả, cực nhọc là thế, nhưng khi có điều kiện tiếp cận với những gì thuộc về sách vở em đều rất háo hức. Mỹ Hoa cho biết: “Em rất thích đọc truyện ngắn của các nhà văn Nguyễn Đông Thức, Nguyễn Ngọc Tư. Tiền cha mẹ cho gần như em đều dành dụm để mua những tập truyện ngắn về đọc lúc rảnh rỗi. Với em, những tập truyện ấy như mở ra cho em cả một thế giới của những hoài bão và ước mơ”. Đọc những dòng nhật ký Mỹ Hoa viết ra trong những lúc buồn, chúng tôi cảm nhận được phần nào khát khao của cô bé về một tương lai không vương vấn mùi bùn. Một tương lai mà ở đó em sẽ trở thành cô giáo thướt tha trong tà áo dài, đứng trên bục giảng để truyền đạt kiến thức cho những đứa trẻ có hoàn cảnh nghèo như em.
Chợt nhớ tới lời thơ của một cậu sinh viên nghèo, quê ở Quảng Nam, mà tôi từng có dịp trò chuyện, có đoạn rằng: “Ta níu giữ ước mơ từ vạt nắng. Để mai này hạt nắng hóa hồn thơ. Ta níu giữ đời ta bằng khát vọng. Để mai này nụ cười… thỏa ước mơ”, chúng tôi mới hiểu vì sao dù phải đối mặt với những khó khăn, vất vả của cuộc sống, nhưng những ước mơ đẹp đẽ về một tương lai đổi khác vẫn không thôi bỏng cháy trong những trái tim mỗi con người.
NGUYỄN TIẾN