Mặc dù các hãng xe có thương hiệu chưa công bố bán vé trước, nhưng hầu hết hành khách đi quen đã đăng ký đặt cọc chờ ngày lấy vé. Chính vì thế, đến ngày bán vé nhiều hãng đã thông báo hết vé, tạo cơn sốt vé “ảo”. Trong khi đó, vé xe trong bến vẫn còn nhiều nhưng hành khách lại chê vì xe kém chất lượng.
Vé “thương hiệu” chưa bán đã... hết
Ngày 3-12, Công ty Vận tải hành khách Mai Linh bán vé xe tết từ ngày 15 đến 20 tháng Chạp cho hành khách đã đăng ký mua vé qua điện thoại trước đó. Anh Nguyễn Hải, sinh viên Trường Đại học Hồng Bàng, cho biết để có được tấm vé này, anh đã đặt trước hơn nửa tháng, hôm nay đến ngày xuất vé, nhân viên đã gọi điện thoại đến lấy. Nhiều hành khách đến quầy bán vé tại Bến xe miền Đông cũng không mua được vé vì chưa đăng ký qua điện thoại.
Nhân viên quầy bán vé xe Mai Linh, cho biết hiện tại các tuyến từ TPHCM đi Hà Nội (từ ngày 24 đến 26 tháng Chạp); TPHCM - Đà Nẵng (từ ngày 23 đến 29 tháng Chạp); TPHCM - Quảng Ngãi (từ ngày 17 đến 29 tháng Chạp) đã hết vé. Chị Nguyễn Thị Ngọc Mai, sinh viên năm 2 của Trường Đại học Nông Lâm, chia sẻ: “Em đã đặt vé, ngày 16 tháng Chạp thi xong là về liền, em không dám chờ xe như mọi năm phải chen lấn để mua được vé xe rất vất vả”.
Năm nay, ngoài các phòng vé tại bến xe, hệ thống đại lý, Mai Linh còn tổ chức bán vé xe tết qua các số điện thoại tổng đài: 39393939, 1080 hoặc website: online.click1.bus.com. Hành khách có thể mua vé thanh toán trực tuyến. Trong khi đó, các doanh nghiệp vận tải có thương hiệu như Chín Nghĩa, Hoàng Long, Phương Trang, Trần Tâm… mặc dù chưa công bố kế hoạch bán vé trước nhưng hầu như khách quen đã đăng ký mua vé xe tết.
Theo đại diện Bến xe miền Đông, hiện có khoảng 60/215 doanh nghiệp vận tải hoạt động tại bến đã bán vé xe tết. Như vậy, còn đến 155 doanh nghiệp vận tải chưa đăng ký bán vé xe tết. Trong những ngày cao điểm, Bến xe miền Đông sẽ tăng cường 120 xe buýt dự phòng vào hoạt động, cũng như điều chuyển xe ở những tuyến ít khách sang tuyến đông khách để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc Bến xe miền Đông khẳng định có đủ xe cho hành khách đi trong dịp tết, hành khách nên vào bến mua vé.
Giá vé tăng từ 20% - 60%
Ông Nguyễn Ngọc Thừa, Giám đốc Bến xe miền Đông, cho biết, đã có kế hoạch phục vụ hành khách dịp Tết Nguyên đán 2014. Cụ thể, thời gian phục vụ tết là 20 ngày: từ ngày 21-1-2014 đến hết ngày 9-2-2014 (nhằm ngày 21 tháng Chạp năm Quý Tỵ đến hết mùng 10 tháng Giêng năm Giáp Ngọ). Riêng các tuyến đi khu vực miền Bắc, thời gian bán vé sớm hơn 5 ngày.
Dự báo, lượng khách đi xe trong dịp Tết Nguyên đán 2014 tập trung chủ yếu vào các ngày từ 24 đến 28 tháng Chạp. Các tuyến có lượng hành khách tăng cao gồm tuyến từ TPHCM đi các tỉnh miền Bắc và miền Trung.
Để bù cho chi phí xe chạy chiều rỗng, giá vé xe năm nay tăng từ 20% đến 60%, tùy thuộc vào ngày đi và tuyến đi. Lượng khách tập trung chủ yếu vào các ngày từ 24 đến 28 tháng Chạp (đây cũng là thời điểm giá vé tăng cao nhất với mức 60%). Theo Bến xe miền Đông, sở dĩ các doanh nghiệp vận tải trên tăng giá vé là nhằm bù đắp lại thời gian trước đó họ đã hạ giá vé xuống dưới giá thành để cạnh tranh với các doanh nghiệp vận tải khác cùng hoạt động trên tuyến đường.
Sở Tài chính TPHCM cũng đã có văn bản yêu cầu các hiệp hội taxi, vận tải hàng hóa và hành khách cùng các công ty quản lý kinh doanh vận tải thực hiện nghiêm quy định về kê khai giá cước, không tăng giá cước nhằm bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán 2014.
Mặc dù quy định của cơ quan chức năng TPHCM khống chế mức tăng giá vé xe tết của các đơn vị có hoạt động, kinh doanh vận tải không được quá 60% so với ngày thường, nhiều hãng lữ hành vẫn tăng giá vé xe từ 100% đến 200%.
Ông Thượng Thanh Hải, cho rằng, bến xe chỉ kiểm soát được giá vé của các quầy trong bến còn bên ngoài thì không thể. Trong khi đó, các đơn vị thường lấy danh nghĩa xe chạy hợp đồng nhưng thực chất bán vé chạy tuyến cố định, lấy giá vé rất cao.
| |
QUỐC HÙNG - QUANG KHOA