Sự bế tắc của các liên đoàn thể thao

Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã chính thức công bố việc lùi tổ chức đại hội khóa 7 đến tháng 10 thay vì ngày 5-6 theo dự kiến hòng kiện toàn lại công tác chuẩn bị sau sự cố kiểm phiếu nhầm gây phản ứng từ dư luận. Thật ra, trước đây thời điểm để tổ chức đại hội là tháng 10-2013 nhưng sau thất bại của đội tuyển quốc gia tại AFF Cup 2012 nên VFF tiến hành đại hội sớm hơn. Nay không được, coi như trở lại với lịch trình cũ.

Sự cố này khiến một lần nữa những người hâm mộ bóng đá Việt Nam thêm chán ngán cách làm việc của VFF. Được xem là liên đoàn thể thao tiên tiến nhất, phát triển nhất, vậy mà dù đã ấn định thời gian tổ chức trong vòng 6 tháng vẫn không thể chuẩn bị cho chỉn chu. Đến thời điểm này, ngoài sự cố kiểm phiếu bầu khiến dư luận nghi ngờ về tính trung thực, hồ sơ pháp lý cá nhân của các ứng viên còn chưa được phê duyệt thì chẳng hiểu suốt 6 tháng qua VFF đã làm gì? Còn nhớ rằng, sau AFF Cup 2012, dư luận bức xúc đề nghị VFF phải tiến hành cải tổ ngay để còn kịp điều hành nền bóng đá đang ở thời điểm “dầu sôi lửa bỏng”.

Thế nhưng, ai nóng ruột thì mặc kệ, VFF vẫn cứ… tà tà để bây giờ, cứ ngồi cho hết nhiệm kỳ trong tình trạng uy tín và năng lực điều hành dường như không tồn tại. Phải chăng, suốt năm 2013 này, VFF không cần làm việc và cũng chẳng cần phải chịu bất kỳ trách nhiệm gì sao trong bối cảnh chất lượng của nền bóng đá sa sút nghiêm trọng?

Tất nhiên, không chỉ có bóng đá, các liên đoàn thể thao khác cũng đang bế tắc… triền miên. Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam đã hoãn đại hội đến 2 năm rồi mà đến nay vẫn chưa thể nào gút được nhân sự để tiến hành. Tương tự là trường hợp của Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam, sau 2 năm trì hoãn, cũng đã tổ chức đại hội nhưng 90% nhân sự cũ vẫn ngồi lại, bất chấp hiệu quả làm việc gây bức xúc trong giới. Hoặc trường hợp của Liên đoàn Điền kinh Việt Nam mới đây đã bị Tổng cục TDTT yêu cầu kiểm điểm sau sự cố không cử VĐV tham gia giải châu Á dẫn đến bị phạt, mất uy tín và thể diện quốc gia. Lý do không cử VĐV đi vì “tiền phạt ít hơn tiền đưa VĐV tham gia”?!

Không khó để nhận thấy, những liên đoàn thể thao đang bế tắc đều đang quản lý những môn có tính phổ biến rộng nhất Việt Nam và từng có thời gian phát triển rầm rộ theo phương thức xã hội hóa, “ăn nên làm ra” từ tài chính đến thành tích. Không phát triển hơn nữa thì thôi, đằng này các liên đoàn đầu tàu nói trên lại đang có nguy cơ quay lại điểm xuất phát, tức là ngang với các môn thể thao được nhà nước “bao cấp”. Tính chất xã hội bị triệt tiêu, dần phụ thuộc vào cơ quan quản lý nhà nước, trở thành một gánh nặng không đáng có của xã hội.

Thông qua ví dụ cụ thể của VFF thì biết. Dù là một tổ chức xã hội nghề nghiệp nhưng các liên đoàn thể thao vẫn “tràn ngập” các quan chức từ ngành dọc sang làm kiêm nhiệm. Không thu hút được thêm nguồn lực xã hội tham gia, điều này còn khiến hoạt động thêm trì trệ, kém hiệu quả do cách làm nặng tính quan liêu, tư duy theo kiểu vo tròn, sợ trách nhiệm và phong cách làm việc “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về” chỉ “ngồi mát ăn bát vàng”. Vì lẽ đó, khi gặp thời điểm khó khăn như hiện nay, bộ máy của các liên đoàn bộc lộ rõ sự bất lực, thụ động làm mất uy tín của tổ chức.

Trên thực tế, cái khó nhất của các liên đoàn thể thao chính là nhân sự từ ngoài xã hội tham gia hầu như không có. Đấy là nguyên nhân của sự bế tắc hiện nay.

VIỆT QUANG

Tin cùng chuyên mục