Sổ tay
Từ ngày 1-5, thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng chính thức có hiệu lực, tăng từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng/lít và dầu tăng từ 500 đồng lên 1.500 đồng/lít theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua hồi trung tuần tháng 3.
Xung quanh việc tăng thuế BVMT lần này, Chính phủ cũng như Bộ Tài chính dẫn ra lý lẽ trấn an rằng, sẽ không ảnh hưởng nhiều đến giá bán lẻ xăng, dầu trong nước và doanh nghiệp, người dân vẫn được hưởng lợi khi giá xăng dầu thế giới giảm. Vì việc tăng thuế theo phương án nêu trên chỉ nhằm “bù đắp một phần giảm thu ngân sách” do cắt giảm mức thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế và điều chỉnh mức thuế ưu đãi-MFN hiện hành bằng mức thuế ATIGA nhằm tránh mức thuế khác nhau đối với cùng một sản phẩm.
Ngoài ra, việc tăng thuế nhằm tạo thêm chênh lệch giữa giá xăng E5 và xăng khoáng, từ đó góp phần khuyến khích sử dụng xăng sinh học.
Không đồng tình với quan điểm này, giới chuyên gia kinh tế cho rằng, việc tăng thuế BVMT sẽ khiến chi phí đội lên, dẫn đến người tiêu dùng phải mất thêm tiền do giá tăng. Chưa kể, việc tăng giá này không đúng với nguyên tắc quản lý tài chính: Đúng mục đích, đúng chế độ, khoản nào vào khoản đấy! Theo ước tính, lượng xăng dầu tiêu thụ nội địa đạt khoảng 16,4 triệu tấn, do đó thuế BVMT tăng thêm lần này sẽ làm tăng khoảng 22.000 tỷ đồng. Biện pháp tăng thu từ người dân để “bù thu ngân sách” sẽ làm giảm chi tiêu của người dân đi 22.000 tỷ đồng, giảm GDP khoảng 66.000 tỷ đồng. Kể cả, khi thuế nhập khẩu giảm về 20% theo cam kết cũng sẽ tác động không nhỏ tới giá xăng.
Bởi lẽ, với cơ cấu tính giá xăng dầu hiện nay (gồm thuế suất thuế nhập khẩu đang là 35%, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt là 10%; GTGT là 10%, thuế BVMT là 1.000 đồng/lít) thì tổng các loại phí, thuế mà mỗi người dân phải chịu khi mua một lít xăng vào khoảng 7.888 đồng/lít. Khi thuế BVMT đối với mặt hàng xăng tăng lên 3.000 đồng, tổng mức thuế, phí người tiêu dùng sẽ phải chịu tương đương gần 10.000 đồng/lít.
Tóm lại, việc tăng thuế BVMT đối với xăng dầu chắc chắn tác động vào giá bán lẻ. Điều này vô hình trung cản trở doanh nghiệp vực dậy và phát triển. Hơn nữa, tăng giá xăng, dầu sẽ dẫn đến tăng giá nhiều sản phẩm trong nền kinh tế. Đây là điều không tốt trong nền kinh tế thị trường do giá cả không thay đổi theo quan hệ cung cầu mà do thuế tăng.
Trên thực tế, thời gian gần đây, việc giảm giá xăng, dầu liên tục đã tạo ra sự phấn khởi cho người dân, doanh nghiệp. Cụ thể, trong quý 1, GDP cả nước đã tăng trưởng cao trở lại, còn cộng đồng doanh nghiệp yên tâm mở rộng đầu tư sản xuất, kinh doanh. Trên thị trường hàng hóa dồi dào, ổn định khiến sức mua của người tiêu dùng tăng lên. Qua đây cho thấy, nếu việc điều hành giá, đặc biệt là những mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu, điện… luôn ổn định sẽ tạo lòng tin kích thích sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Từ đó, góp phần gia tăng nguồn thu ngân sách; thay vì tăng thuế nhưng nền kinh tế ngưng trệ dẫn đến thiệt hại không thể kể hết.
Do đó, nhiệm vụ của Nhà nước là bằng mọi cách khoan sức dân để tạo ra nhiều của cải, thu nhập cao với mức giá càng thấp càng tốt. Và khi thu nhập của người dân gia tăng, nhà nước có thể tăng thu dưới góc độ thuế thu nhập và các loại thuế khác như thuế GTGT, tiêu thụ đặc biệt…, thay vì cứ chăm chăm tăng thuế cá biệt mặt hàng nào đó, gây xáo trộn trong xã hội.
Trở lại với “bản chất” của việc tăng thuế BVMT, như lời Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng từng nhấn mạnh tại buổi họp lấy ý kiến về biểu thuế BVMT mới đây: “Thu thuế BVMT đối với xăng, dầu là để bảo vệ môi trường nên không được dùng để bù, chi vào các khoản khác. Môi trường đang như thế này, phải tập trung bảo vệ môi trường, cả ở trung ương, địa phương, chứ cũng không thể thu hết về trung ương để bù cho giảm thuế nhập khẩu”. Có như vậy, người dân mới sẵn sàng góp sức giải quyết khó khăn cùng nhà nước.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước cũng cần đưa ra được lộ trình thu và kế hoạch cụ thể trong việc giảm thiểu tác động của môi trường như thế nào, cần có kế hoạch cụ thể, minh bạch. Bởi người dân luôn mong mỏi đồng tiền đóng thuế của mình phải thật sự sử dụng đúng mục đích, không được nhập nhèm, dàn trải và lãng phí.
Lạc Phong