Sử dụng hiệu quả vốn ODA

Hôm qua 9-6, phát biểu khai mạc Hội nghị nhóm các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) giữa kỳ ở Kiên Giang, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã có lời chúc mừng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc Việt Nam đã tham gia nhóm MICs (các quốc gia có thu nhập trung bình) trước thời hạn đề ra. Tuy nhiên, bà Victoria Kwakwa cũng lưu ý, Việt Nam vẫn phải đối diện với rất nhiều thách thức, như vấn đề về nghèo đói ở khu vực dân tộc thiểu số, chất lượng phổ cập giáo dục và dịch vụ y tế, cơ hội sử dụng nước sạch và vệ sinh, những thách thức do biến đổi khí hậu, công tác chống tham nhũng…

Đó là cách nhìn từ phía đối tác tài trợ, còn về phía Việt Nam, chúng ta có thể thấy một thách thức không nhỏ khi trở thành nước có thu nhập trung bình là nguồn vốn ODA sẽ được chuyển sang hình thức kém ưu đãi hơn. Trên thực tế, từ cuối năm 2009, WB đã cho Việt Nam vay một khoản trị giá 500 triệu USD hỗ trợ cải cách đầu tư công, từ nguồn IBRD của Ngân hàng Tái thiết và Phát triển (thuộc nhóm WB) với các điều kiện vay sát với thị trường.

Sự khác biệt là: nếu phí tín dụng từ nguồn hỗ trợ phát triển ưu đãi trước đây (IDA) là 0,75%/năm thì khoản vay IBRD đưa ra các phương án khác nhau với lãi suất Libor 6 tháng cộng lãi suất biên thay đổi hoặc lãi suất biên cố định. Như vậy so với IDA, nguồn IBRD là nguồn vốn vay đắt hơn và người vay phải tự chịu rủi ro.

Trong giai đoạn đầu khi nước ta mới vào nhóm thu nhập trung bình, các nhà tài trợ vẫn áp dụng song song cả tín dụng ưu đãi và kém ưu đãi, nhưng yêu cầu về sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA đã trở nên cấp bách. Theo kế hoạch phát triển từ nay đến năm 2015 và 2020, nước ta cần nguồn vốn rất lớn để phát triển cơ sở hạ tầng. Những dự án lớn như điện hạt nhân, đường sắt cao tốc Hà Nội - TPHCM, đường bộ cao tốc Bắc - Nam cần nguồn vốn đến hàng trăm tỷ USD. Muốn phát triển phải vay vốn đầu tư nhưng nợ quốc gia tăng nhanh cũng đang là mối lo lắng của nhiều người. Vì thế, điều quan trọng trong vay vốn ODA, nhất là loại có điều kiện kém ưu đãi, ta phải sử dụng có hiệu quả, trả được nợ.

Hiện nay, các đối tác lớn như WB, ADB, IMF, Nhật Bản đều không quan ngại về khả năng trả nợ của Việt Nam nhưng bản thân chúng ta chưa thể hài lòng về điều đó. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tiến độ giải ngân các dự án ODA vẫn còn khá chậm đang là một trở ngại đáng kể. Theo đánh giá của các nhà tài trợ, tiến độ chung của các dự án ODA tại Việt Nam thường chậm hơn 3 năm so với kế hoạch được thống nhất khi đàm phán và chậm hơn tiến độ trung bình của các nước trong khu vực. Đơn cử, đối với các dự án của Việt Nam sử dụng vốn của WB, trong tháng 3-2010, việc giải ngân chỉ đạt 16% trong khi tỷ lệ giải ngân trung bình của khu vực là 23%. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư; năng lực tổ chức, quản lý ODA ở cấp địa phương còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, việc hài hòa hóa thủ tục giữa Việt Nam và các nhà tài trợ cũng chưa được suôn sẻ.  

Việc các nhà tài trợ tiếp tục đặt niềm tin vào Việt Nam khi đưa ra cam kết ODA cao hơn những năm trước đã giải tỏa mối lo về nguồn vốn. Tuy nhiên, để hấp thụ hiệu quả nguồn vốn này là một áp lực không nhỏ, đòi hỏi các cơ quan tiếp nhận ODA của nước ta nâng cao tính chủ động hơn nữa. Về cơ chế chung, để khơi thông nguồn vốn ODA, cần tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện khung thể chế về ODA phù hợp với điều kiện mới, trong đó cần thiết lập cơ chế phù hợp để có thể linh hoạt sử dụng nguồn vốn IBRD. Thủ tục hành chính cần tinh giản hơn nữa, tăng trách nhiệm của đơn vị sử dụng. Bởi lẽ, bảo đảm an toàn nợ quốc gia không chỉ là yêu cầu của ngày hôm nay mà còn là trách nhiệm đối với thế hệ mai sau - những người sẽ trả các khoản nợ này.

Bảo Minh

Tin cùng chuyên mục