Bộ Công thương vừa phối hợp với Sở Công thương TP.HCM tổ chức hội thảo “Hiện trạng sử dụng năng lượng và tiềm năng giảm chi phí năng lượng trong các ngành sản xuất xi măng, thép và dệt nhuộm”.
Tại buổi hội thảo, các chuyên gia đã nhận định, việc sử dụng năng lượng trong các ngành sản xuất xi măng, thép và dệt nhuộm còn chiếm tỉ lệ cao. Do đó, cần phải có giải pháp phù hợp để hạn chế tình trạng này.
Theo báo cáo, hàng năm ngành thép tiêu thụ khoảng 6% tổng năng lượng tiêu thụ của ngành công nghiệp Việt Nam. Tỉ lệ điện năng chiếm tỉ trọng lớn nhất ở hầu hết các nhà máy. Bên cạnh điện năng, các nhà máy thép còn tiêu thụ nhiên liệu cũng rất lớn, các loại nhiên liệu được tiêu thụ như than đá, dầu DO, khí thiên nhiên… tổng năng lượng tiêu thụ hàng năm là hơn 187,2 ngàn TOE, phát thải 687,4 ngàn tấn CO2/năm. Đặc biệt, suất tiêu thụ năng lượng trong cán thép của các nhà máy dao động khá nhiều, khoảng 30%.
Trong khi đó, đối với ngành dệt nhuộm, tính đến cuối năm 2009, ngành dệt nhuộm hiện có hơn 1.500 nhà máy trên khắp cả nước, trong đó hơn 70 nhà máy thuộc loại lớn và gần 130 nhà máy loại vừa. Theo điều tra của Bộ Khoa học Công nghệ, toàn ngành dệt nhuộm đã sử dụng gần 31 ngàn TOE trong năm 2005 trong đó chủ yếu là điện và dầu F.O... và phát thải gần 122 ngàn tấn CO2. Trong đó, suất tiêu thụ năng lượng theo hệ thống phụ trợ - sợi chiếm tỉ trọng cao nhất.
Đối với ngành sản xuất xi măng, có khoảng 90 công ty, đơn vị tham gia trực tiếp sản xuất và phục vụ sản xuất. Ngành xi măng đóng góp một phần không nhỏ vào tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam, trung bình chiếm 10%-12% GDP. Tổng cộng năng lượng tiêu thụ hàng năm được quy đổi của 10 nhà máy này hơn 1,32 triệu TOE, phát thải gần 6 triệu tấn CO2/năm.Tổng tiêu thụ năng lượng và quy mô của các nhà máy có sự chênh lệnh không đáng kể, từ 92.000 đến 219.000 TOE/năm.
Than chiếm tỉ trọng lớn nhất ở tất cả các nhà máy, chiếm từ 69,3%-82,6% tổng tiêu thụ năng lượng, than được sử dụng làm nhiên liệu cung cấp cho lò nung clinker. Bên cạnh than thì điện năng là nguồn năng lượng quan trọng thứ hai tại các nhà máy chiếm từ 15,4%-20% tổng tiêu thụ năng lượng.
Ông Phương Hoàng Kim, Vụ trưởng vụ khoa học C ông nghệ và Hiệu quả năng lượng, Bộ Công thương cho biết, năng lượng là một ngành then chốt của nền kinh tế, là nguồn lực bảo đảm phát triển kinh tế cũng như đáp ứng các nhiệm vụ an ninh, quốc phòng và những nhu cầu rất đa dạng của cuộc sống xã hội.
Tuy nhiên, việc sử dụng năng lượng của chúng ta còn rất lãng phí, trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, nhiều cơ sở sử dụng năng lượng có công nghệ lạc hậu, mức tiêu hao năng lượng cao, quy trình quản lý sử dụng năng lượng chưa được cải tiến theo hướng tối ưu hóa, đồng bộ.
Trong thời gian qua, Bộ Công thương đã phối hợp với các bộ, cơ quan Chính phủ chuẩn bị soạn thảo và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các nghị định, quyết định cụ thể để thực thi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Để thực hiện được mục tiêu này, không chỉ có sự quyết tâm, vào cuộc của Chính phủ mà nó còn đòi hỏi sự quyết tâm vào cuộc của cả nền kinh tế, của mỗi cán bộ quản lý năng lượng và ngay cả trong nhận thức và hành động của mỗi cá nhân trong toàn xã hội.
HÀ VĂN