Sử dụng thuốc điều trị viêm mũi dị ứng

Hiện nay chưa có thuốc nào trị dứt được bệnh viêm mũi dị ứng vì thuốc không ngăn chặn được sự tổng hợp của histamin là một trong những tác nhân gây viêm mũi dị ứng. Các thuốc thường dùng chỉ ức chế sự phóng thích histamin hoặc ngăn cản quá trình gây viêm, vì vậy thường phải dùng thuốc dài ngày để giải quyết triệu chứng chứ chưa giải quyết được nguyên nhân.

Viêm mũi dị ứng là bệnh dị ứng mãn tính ở đường hô hấp, gây khó chịu cho người bệnh với nhiều triệu chứng chính như hắt hơi, nghẹt mũi, ngứa, kích ứng vùng mũi, ngứa mắt, chảy nước mắt. Người bị viêm mũi dị ứng thường bị giảm khả năng tập trung, từ đó làm giảm năng suất lao động cũng như hiệu quả công việc, thêm vào đó giấc ngủ không được tròn giấc, giao tiếp không thoải mái, nói khác đi họ thật sự bị giảm một phần chất lượng của cuộc sống. Ngoài ra, viêm mũi dị ứng còn liên quan đến các bệnh lý khác như hen suyễn, viêm xoang mũi, viêm kết mạc mắt dị ứng, viêm tai giữa.

Các dược phẩm trị viêm mũi dị ứng ngoài tác dụng giúp giải quyết được các triệu chứng còn có khả năng ngăn ngừa được các biến chứng. Trước đây trong trị liệu thường sử dụng các thuốc uống kháng histamin thế hệ thứ nhất khá phổ biến như chlorpheniramin nhưng thuốc lại có tác dụng buồn ngủ, gây bất tiện cho những người cần sự tỉnh táo như phải lái xe, vận hành máy móc, tính toán thống kê… Gần đây, trong điều trị có các dược phẩm kháng histamin thế hệ thứ hai trị viêm mũi dị ứng có ưu điểm không gây buồn ngủ, thường dùng các thuốc chứa hoạt chất loratadine, fexofenadine.

Hiện nay các thuốc kháng histamin thế hệ thứ ba như desloratadin dạng uống chính là dạng chuyển hóa của loratadine có thêm các ưu điểm hơn so với các hoạt chất trước đây về ái lực chọn lọc cao trên các thụ thể H1, làm ức chế  các phản ứng gây viêm dị ứng, được hấp thu vào máu nhanh để tạo hiệu quả cao hơn, đồng thời ngăn chặn được tình trạng nghẹt mũi trong ngày, ngoài ra thuốc ít gây tương tác với các thuốc khác hoặc không ảnh hưởng đến bữa ăn.

Bên cạnh đó, các hình thức sử dụng khác như thuốc xịt vào mũi (nasal spray, aerosol) thường có chứa hoạt chất nhóm corticoid cũng có thể được dùng phối hợp như là thuốc chống sung huyết tại chỗ để giúp tránh tình trạng nghẹt mũi. Ngoài ra tùy tình trạng bệnh lý, bác sĩ có thể sử dụng các thuốc ở dạng uống, tiêm chích để giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể hoặc tăng cường hệ miễn dịch.

Để việc sử dụng thuốc được hợp lý cũng như tăng hiệu quả điều trị, trước hoặc trong khi dùng các liệu pháp trị viêm mũi dị ứng, cần phải lưu ý đến các yếu tố ngoại cảnh như tránh tiếp xúc với các nguyên nhân gây dị ứng, thay đổi môi trường sống, di chuyển chỗ  ở, lưu ý vật dụng sử dụng thường ngày như chăn mền, chiếu gối… Đối với các trẻ sơ sinh hoặc trẻ em, các vật dụng đồ chơi mà trẻ thường tiếp xúc cũng đã được các nhà sản xuất nghiên cứu, kiểm tra chất lượng nguyên vật liệu để đảm bảo sự an toàn về tính dị ứng, thường có hàng chữ “sản phẩm không gây dị ứng - non-allergic”.

PGS.TS Trương Văn Tuấn
(Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM)

Tin cùng chuyên mục