Với nhiều điểm mạnh hơn so với vật liệu truyền thống như bảo vệ môi trường, cách âm, cách nhiệt, thi công nhanh, chống cháy… việc sản xuất và sử dụng vật liệu không nung thay thế gạch đất sét nung truyền thống sẽ là xu hướng tất yếu.
Giảm giá thành, bền công trình
Gần chục năm trước, vật liệu không nung (VLKN) còn là khái niệm mơ hồ trong giới chủ đầu tư cũng như giới kiến trúc sư thiết kế công trình, thì nay, sau thời gian nỗ lực vượt khó, chinh phục người tiêu dùng, VLKN đã có chỗ đứng trong nhóm vật liệu. VLKN có 3 chủng loại chính gồm: gạch xi măng cốt liệu (còn gọi gạch block); gạch bê tông khí chưng áp AAC và gạch bê tông bọt, tuy khác nhau về thành phần nguyên liệu cũng như cách thức sản xuất, nhưng các loại sản phẩm này đều có chung ưu điểm như tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, giảm giá thành từ 6% - 8%, giảm chi phí kết cấu nền móng, đẩy nhanh tiến độ xây dựng…
Sản xuất gạch không nung tại quận Thủ Đức, TPHCM Ảnh: THÀNH TRÍ
Theo Viện Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng, với mục tiêu cắt giảm tỷ lệ hàng năm mức tăng phát thải khí nhà kính bằng cách giảm dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, đất màu để làm gạch thông qua việc tăng cường sản xuất, mua bán và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam. Trong giai đoạn 2010-2015, việc đầu tư các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng phát triển rất mạnh mẽ, đặc biệt là vật liệu xây không nung. Tổng công suất thiết kế của các nhà máy vật liệu đã vượt nhu cầu tiêu thụ trong nước. Sản lượng vật liệu xây dựng được sản xuất và tiêu thụ năm 2010 đạt khoảng 23,51 tỷ viên đạt quy chuẩn, năm 2015 đạt gần 23.000 tỷ viên. Như vậy, với sản lượng trên thì hàng năm chúng ta tiết kiệm được khoảng 8,5 triệu m3 đất (tương đương 412ha đất khai thác ở độ sâu 2m), 825.000 tấn than và giảm thải ra môi trường 3,1 triệu tấn khí CO2.
Theo thạc sĩ Nguyễn Văn Đoàn, Trưởng phòng kế hoạch kỹ thuật Viện Vật liệu xây dựng, cho biết, những con số và chuyển biến bước đầu về nhận thức là kết quả 5 năm thực hiện Chương trình Phát triển VLKN. Từ đó, VLKN dần thay thế gạch đất sét nung là một chủ trương đúng đắn. Hầu hết các địa phương đã nhận thức được mục đích, ý nghĩa của Chương trình Phát triển vật liệu xây dựng không nung, các cấp chính quyền của các địa phương chủ động hơn, quyết liệt hơn trong việc xóa bỏ các lò gạch thủ công, thủ công cải tiến và lò vòng sản xuất gạch đất sét nung; tăng cường chỉ đạo khuyến khích phát triển sản xuất và sử dụng VLKN. Đặc biệt tại một số địa phương đã xóa bỏ hoàn toàn lò gạch thủ công như Bắc Ninh, Hải Dương, TPHCM, Đồng Nai. Mặt khác, các chủ đầu tư, nhà thầu, các nhà tư vấn… đã ý thức được trách nhiệm của mình trong việc nghiên cứu, tìm hiểu thấu đáo để tăng cường sử dụng gạch không nung, hạn chế sử dụng gạch đất sét nung.
Xu hướng của tương lai
Các chuyên gia dự báo, nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng ở nước ta vào các năm 2015, 2020 tương ứng là 24 và 33 tỷ viên. Để sản xuất ra 1 tỷ viên gạch đất sét nung, chúng ta phải tiêu tốn 1,5 triệu m3 đất sét (tương đương 75ha đất khai thác ở độ sâu 2m), 150.000 tấn than và thải ra môi trường 0,57 triệu tấn CO2. Như vậy, đến năm 2020, mỗi năm chúng ta phải tiêu tốn 50 triệu m3 đất sét (tương đương 2.500ha đất khai thác ở độ sâu 2m), 5 triệu tấn than và thải ra môi trường 19 triệu tấn CO2 gây ô nhiễm môi trường và hiệu ứng nhà kính, ảnh hưởng đến diện tích đất canh tác.
Theo một số ý kiến, qua 5 năm thực hiện Chương trình 567 - Đề án phát triển VLKN, cũng đã bộc lộ một số hạn chế. Cụ thể như thói quen từ phía người sản xuất gạch nung, thói quen từ phía người sử dụng gạch nung, thậm chí thói quen từ các cấp quản lý; nhận thức của các nhà đầu tư, tư vấn thiết kế, nhà thầu, người tiêu dùng về VLKN còn chưa đầy đủ, chưa hiểu biết nhiều về sản phẩm VLKN nói chung và bê tông khí nói riêng. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư sản xuất VLKN của chúng ta còn thiếu kinh nghiệm, nguồn vốn còn hạn chế, nên một số doanh nghiệp chỉ mua các dây chuyền công nghệ với trình độ trung bình, thiếu đồng bộ; công tác chuyển giao công nghệ, kỹ thuật sản xuất và tiếp thu công nghệ chưa tốt; đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật chưa được đào tạo chu đáo; các nhà máy phải vừa sản xuất vừa điều chỉnh, khắc phục các mặt yếu để ổn định sản xuất. Một số nhà máy do hiểu biết về các tính năng kỹ thuật của sản phẩm chưa đầy đủ nên công tác bảo quản sản phẩm khi lưu kho và vận chuyển chưa đúng đã ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm khi đưa vào công trình.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Đoàn, cho biết thêm, để dự án phát triển VLKN được triển khai đồng bộ hơn nữa, chúng ta cần phải đẩy mạnh các giải pháp như hỗ trợ chính sách đối với việc phát triển công nghệ VLKN; xây dựng năng lực kỹ thuật để ứng dụng, vận hành sản xuất và sử dụng các sản phẩm VLKN; hỗ trợ tài chính bền vững cho việc ứng dụng công nghệ sản xuất VLKN. Ngoài ra, công tác tuyên truyền về phát triển VLKN cũng đóng vai trò hết sức quan trọng. Tuyên truyền để các nhà quản lý, chính quyền, đặc biệt là chính quyền đô thị, các nhà tư vấn, chủ đầu tư, doanh nghiệp xây dựng và mọi người dân khi có liên quan đến xây dựng cần được phổ biến ưu điểm và ưu đãi đối với sản xuất và sử dụng VLKN, để từng bước thay đổi thói quen sử dụng gạch đất sét nung trong quá trình xây dựng tại Việt Nam. Đồng thời thấy được những tác động tiêu cực của việc sản xuất và sử dụng vật liệu nung không theo quy hoạch, để tập trung mọi năng lực phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung, góp phần phát triển ngành công nghiệp vật liệu xây dựng nước ta hiện đại, bền vững.
MINH HẢI