Cảnh sát giao thông quăng lưới bắt xe đua, nữ sinh đánh và lột đồ bạn học, ô tô phóng ngược chiều trên đường cao tốc, gần đây nhất là các vụ cháy xe gắn máy… phần lớn những hình ảnh trên đều xuất hiện trước tiên trên các trang mạng xã hội, sau đó báo chí khai thác thêm và có những vụ việc trở thành nổi cộm thu hút sự quan tâm của nhiều người. Đó là một trong những tiện ích dễ thấy nhất mà internet mang lại cho người dùng. Và khi tiện ích ngày càng được khai thác với rất nhiều dịch vụ được mang đến thì cũng xuất hiện nhiều vấn đề gây tranh cãi, mà người ta hay gọi là mặt trái.
Con số thống kê cho thấy trong khoảng 10 năm trở lại, số người sử dụng internet ở Việt Nam đã tăng đáng kể. Nếu như năm 2003 chỉ có 4% người dân sử dụng internet trên cả nước thì đến nay con số này đã trên 31%. Tỷ lệ này đã đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có tốc độ phát triển internet nhanh trên thế giới và đứng đầu ASEAN về số lượng người dùng.
Cũng theo thống kê, phần lớn người sử dụng internet ở Việt Nam là để tra cứu, tìm kiếm thông tin, giải trí và đặc biệt là tham gia các trang mạng xã hội. Với sự xuất hiện và phát triển chóng mặt của mạng xã hội thì việc kết nối cá nhân thông qua internet được thực hiện hoàn hảo đến nỗi hiện nay mạng xã hội đã trở thành mạng lưới báo chí, truyền hình toàn cầu.
Và cứ như vậy, các dịch vụ giá trị gia tăng trên nền tảng internet tiếp tục được cập nhật hàng ngày hàng giờ để thỏa mãn nhu cầu không giới hạn của cư dân mạng. Ở khía cạnh này, internet và những dịch vụ giá trị gia tăng mà nó mang lại đã trở thành một thị trường toàn cầu. Mà đã là thị trường thì tính cạnh tranh và lợi nhuận mang lại luôn đặt lên hàng đầu.
Thế nhưng, khi bàn về mặt trái, trước nay người ta hay nói về những tác động tiêu cực của thông tin với quá nhiều tin tức, hình ảnh phản cảm, bạo lực, trái thuần phong mỹ tục, cổ súy lối sống lệch lạc… xuất hiện trên mạng. Rõ ràng trong thời đại internet được ví như “đang tồn tại trong không khí” này thì mỗi người tự trang bị cho mình một thái độ và khả năng tiếp cận thông tin thông minh là điều quan trọng nhất. Nhưng đã đến lúc không vì quá chú trọng đến khía cạnh giáo dục, vận động, định hướng mà quên đi vai trò quản lý nhà nước và tính minh bạch của thị trường này.
Theo thống kê của trang Alexa, luôn đứng đầu trong tốp 10 trang mạng và nhà cung cấp dịch vụ về số lượng người dùng ở Việt Nam là Google, Yahoo!, YouTube và Facebook, còn lại là một vài trang trong nước như zing.vn, vnexpress... Thống kê trên chỉ ra rằng, hơn 50% các website đứng đầu trong tốp 10 thuộc về các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài. Nhưng dù chiếm thị phần cực lớn ở Việt Nam (theo một điều tra riêng, chỉ 3 website nước ngoài thuộc tốp 10 nêu trên đã chiếm 60% thị phần quảng cáo trực tuyến trong nước), nhưng các trang này rất ít bị quản lý bởi những điều khoản bắt buộc nào. Mặt khác, mạng xã hội hiện đã trở thành hệ thống báo chí toàn cầu, truyền bá văn hóa, đồng thời được thực hiện theo mô hình web thời gian thực thì nó cũng cung cấp hình thức liên lạc trực tiếp và tức thời mà trước đây chỉ có điện thoại làm được. Vì vậy, nhất thiết chính các trang mạng và hệ thống cung cấp dịch vụ này cũng phải được quản lý như các sản phẩm sách báo, văn hóa, viễn thông khác.
Nhiều người cho rằng internet là vấn đề toàn cầu, nên thật khó kiểm soát. Tuy nhiên, theo các chuyên gia công nghệ cũng như các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến trong nước, việc kiểm soát và thiết lập một sân chơi bình đẳng là không khó. Một nhà cung cấp công cụ tìm kiếm trực tuyến trong nước than rằng khi dịch vụ của ông xuất hiện các từ tra cứu liên quan đến sex thì bị xử phạt rất nặng, trong khi các công cụ tìm kiếm nổi tiếng của nước ngoài tại Việt Nam thì… vô tư. Chỉ với một lát cắt thực tế trên cho thấy sự bất hợp lý và thiếu minh bạch trong quản lý và cạnh tranh trên thị trường mang tính toàn cầu này. Nếu không kịp thời quan tâm và chấn chỉnh thì sự bất hợp lý này sẽ còn dẫn đến nhiều vấn đề khác lớn hơn, liên quan đến chủ quyền internet.
Hoàng Mai