Sửa Luật Phòng chống tham nhũng: Phải đủ sức răn đe

* Tham nhũng là chống lại nhân dânNgày 9-11, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi. Nhiều đại biểu đều cho rằng, tham nhũng có thể dẫn đến sự sụp đổ của chế độ, nhà nước. Với thực tế hiện nay, để chống tham nhũng có hiệu quả cần coi tội phạm tham nhũng như tội phản quốc, chống lại nhân dân thì mới có thể đem lại hiệu quả trong công tác này. Đa số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành việc cấp bách sửa luật (có thể rút ngắn ngay trong một kỳ họp QH) để góp phần ngăn chặn tệ nạn tham nhũng đang nhức nhối hiện nay.
Sửa Luật Phòng chống tham nhũng: Phải đủ sức răn đe

* Tham nhũng là chống lại nhân dân

Ngày 9-11, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi. Nhiều đại biểu đều cho rằng, tham nhũng có thể dẫn đến sự sụp đổ của chế độ, nhà nước. Với thực tế hiện nay, để chống tham nhũng có hiệu quả cần coi tội phạm tham nhũng như tội phản quốc, chống lại nhân dân thì mới có thể đem lại hiệu quả trong công tác này. Đa số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành việc cấp bách sửa luật (có thể rút ngắn ngay trong một kỳ họp QH) để góp phần ngăn chặn tệ nạn tham nhũng đang nhức nhối hiện nay.

  • Sửa nhiều hay sửa ít?

Về phạm vi sửa luật lần này, rất nhiều ý kiến khác nhau. ĐB Đặng Đình Luyến (Khánh Hòa) cho rằng, sửa Luật PCTN là cần thiết, vì là đòi hỏi bức bách hiện nay. Tuy nhiên, do Chính phủ chưa tổng kết Luật PCTN, một số vấn đề vẫn còn chưa thống nhất. Vì thế, QH lần này chỉ nên quyết định sửa đổi một số điều bức bách nhằm thể chế hóa Nghị quyết TƯ 5, còn lại cần nghiên cứu nhiều hơn.

ĐB Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa - Vũng Tàu) nói, sau 6 năm thực hiện Luật PCTN, chúng ta chưa đạt được mục tiêu đề ra. “Không cần sửa đổi bất cứ luật nào nếu giám sát tốt, cán bộ tốt, người đứng đầu gương mẫu. Cử tri kỳ vọng nhiều vào sửa Luật PCTN nhưng thời gian ngắn, nội dung sửa rộng, ý kiến rất phân tán nên không yên tâm nếu thông qua luật. Ví dụ như kiểm soát tài sản không hiệu quả vì chúng ta vẫn thanh toán chủ yếu bằng tiền mặt. Tham nhũng rộng khắp thì chuyển đổi vị trí công tác đối với người có dấu hiệu tham nhũng chỉ là mở ra cơ hội tham nhũng khác. Trách nhiệm người đứng đầu cũng chưa rõ. Vai trò của báo chí chưa được làm rõ. “Tôi đề nghị lần sửa luật này chỉ nên dừng ở nội dung về Ban chỉ đạo PCTN, còn những vấn đề khác cần được nghiên cứu thêm”, ĐB Hiến đề xuất.

ĐB Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận) ủng hộ cần thiết phải thể chế hóa Nghị quyết TƯ 5 về Ban chỉ đạo TƯ về PCTN, nhưng những nội dung sửa đổi khác không có gì đột phá. Đơn cử chưa có cơ chế xử lý đối với vấn đề kê khai tài sản. “Hãy nghiên cứu kỹ đi rồi sửa. Chưa nên ban hành trong kỳ họp lần này” - ông Cương nói và cho biết cơ chế xử lý hành vi tham nhũng chưa đủ sức răn đe vì thế tham nhũng chưa được đẩy lùi. Đề nghị cứ đuổi việc cán bộ tham nhũng.

  • Nên có cơ quan PCTN độc lập?

ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng, Ban chỉ đạo TƯ về PCTN được chuyển về bên Đảng thay vì bố trí ở Chính phủ, do Thủ tướng đứng đầu như vừa qua là hợp lý. “Những đối tượng nguy cơ tham nhũng cao nhất nằm chính trong ban chỉ đạo nên phải thay đổi” - ông Thuyền lập luận. Khá nhiều ĐBQH đề nghị nên có cơ quan PCTN trực thuộc QH, không cần làm nhiều, mỗi năm chỉ làm 2 - 3 vụ đến nơi đến chốn là có sức răn đe. ĐB Nguyễn Thế Tuy (Lạng Sơn) cho rằng, tham nhũng là nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ. Nguyên nhân là do công tác quản lý cán bộ còn nhiều sơ hở, việc xử lý tội phạm tham nhũng chưa đủ sức răn đe.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) phát biểu tại hội trường. Ảnh: MINH ĐIỀN

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) phát biểu tại hội trường. Ảnh: MINH ĐIỀN


Tham nhũng là chống lại nhân dân

Trước tình trạng tham nhũng vẫn tràn lan, phức tạp dù Luật PCTN đã được thực thi từ 6 năm qua, nhiều ĐB bức xúc cho rằng, cần phải xử lý một cách nghiêm khắc với tội này, thậm chí nên coi như tội phản quốc. ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) phân tích, tình trạng tham nhũng không giảm, dẫn đến việc sửa luật hiện nay là do pháp luật không nghiêm và đề nghị phải coi tham nhũng là phản quốc, chống lại nhân dân. Như vậy mới đem lại hiệu quả trong công tác này.

“Tôi đề nghị cần có tổ chức PCTN độc lập thuộc QH. Tội phạm tham nhũng phải chịu hình phạt cao nhất, chức vụ càng to càng xử nặng. Tham nhũng trong các lĩnh vực nhạy cảm như tiền từ thiện, tu bổ di tích... cần tăng mức xử. Ngoài ra, cần xử lý thật nghiêm trách nhiệm người đứng đầu. Tất cả nội dung này phải thể hiện điều đó trong luật để thể hiện quyết tâm PCTN” - ĐB Tuy nói.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) đề nghị thành lập Ủy ban quốc gia về PCTN trực thuộc QH. Đây là cơ quan PCTN tối cao của đất nước, có quy chế đặc biệt, chịu trách nhiệm trước QH, không thuộc quyền chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ QH, ủy ban có bộ phận điều tra riêng. Nhân sự của ủy ban này do QH bầu. Đề nghị bầu Tổng Bí thư làm chủ tịch ủy ban này.
Việc Đảng, QH trực tiếp lãnh đạo công tác PCTN là chính danh, hợp pháp. Ủy ban này sẽ điều tra nếu thấy có dấu hiệu tham nhũng, sau đó nếu có dấu hiệu hình sự thì chuyển sang cơ quan điều tra, tòa án. Điều tra của ủy ban không thay thế công tác điều tra hình sự.
Mô hình này phù hợp với Hiến pháp (QH thành lập ra cơ quan này). Tổng Bí thư đứng đầu, có thể chỉ đạo, phối hợp công tác giữa Đảng và QH. Không cần Ban PCTN riêng của Đảng hay QH mà là nhất thể hóa. Nó cũng phù hợp với yêu cầu PCTN hiện nay là Đảng, Nhà nước cùng PCTN, phù hợp với nguyện vọng của cử tri.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Minh Điền

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Minh Điền

  • Tịch thu tài sản cố tình che giấu?

Về kê khai tài sản, hiện có 2 luồng ý kiến: Đồng ý như dự thảo (tất cả các cán bộ, công chức, đảng viên phải kê khai tài sản), hoặc cho rằng chỉ những vị trí có chức vụ, quyền hạn mới phải kê khai tài sản. ĐB Đặng Đình Luyến (Khánh Hòa) nói đối tượng cán bộ công chức là đảng viên nhưng không nắm vị trí lãnh đạo; bác sĩ, chuyên viên chính... thì không cần phải kê khai tài sản, thu nhập.

Đại biểu Đặng Đình Luyến (Khánh Hòa) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Minh Điền

Đại biểu Đặng Đình Luyến (Khánh Hòa) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Minh Điền

ĐB Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận) cho rằng, không cần mở rộng đối tượng kê khai. Nhưng với các đối tượng phải kê khai cũng đồng tình, cần mở rộng đối tượng là con đã thành niên, bố mẹ, anh chị em ruột nhằm ngăn việc chuyển tài sản sang người thân để tránh kê khai đầy đủ. Nếu việc kê khai không trung thực thì cần xử lý hành chính, hình sự tùy mức độ của hành vi đó. ĐB Nguyễn Văn Chiến (Bắc Ninh) cũng cho rằng, không nên yêu cầu tất cả cán bộ, công chức, đảng viên phải kê khai tài sản, rất hình thức, không hiệu quả.

Theo tờ trình của Chính phủ, trước mắt, việc công khai kê khai thu nhập chỉ nên thực hiện ở tại cơ quan làm việc chứ chưa thực hiện tại nơi cư trú. Tuy nhiên, theo thảo luận tại hội trường hôm qua, đa số ý kiến cho rằng phải thực hiện kê khai tại nơi cư trú để người dân phát huy được vai trò giám sát, răn đe các hành vi tham nhũng.

ĐB Mã Điền Cư (Quảng Ngãi) cho rằng, vừa qua, việc phát hiện tham nhũng không phải ở nơi làm việc mà từ nhân dân, báo chí. Do vậy, đề nghị công khai, thu nhập tại nơi công tác và cư trú là cơ sở pháp lý để nhân dân giám sát và có quy định chặt chẽ, chống tiêu cực.

Theo ĐB Lê Thị Yến (Phú Thọ), cần có chế tài bắt buộc kê khai trung thực và nếu người kê khai không giải trình được thì có các biện pháp nghiêm khắc như tịch thu tài sản cố tình che giấu tài sản hoặc xử lý hình sự. Nếu làm được điều này sẽ hạn chế được việc kê khai có tính hình thức như hiện nay.

ĐB Hồ Trọng Ngũ (Vĩnh Long) cũng cho rằng, sửa luật phải bảo đảm phòng là chính. “Để PCTN, phải có cơ chế kiểm soát được tài chính, thu nhập cá nhân, muốn thế phải chuyển sang xã hội thanh toán bằng thẻ. PCTN phải dồn hết sức lực vào đó bằng việc xây dựng cơ chế giám sát. Phải xây dựng bằng được mã số của người dân, nếu mọi giao dịch không còn bằng tiền mặt thì nguy cơ tham nhũng sẽ giảm” - ĐB Ngũ nói.

PHAN THẢO - NGỌC QUANG

Không có chuyện “mặc cả” bằng phiếu tín nhiệm

Ngày 9-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Đây là một trong những vấn đề được cử tri và người dân hết sức quan tâm. Phóng viên Báo SGGP đã ghi nhận với đại diện cơ quan soạn thảo đề án và đại biểu Quốc hội (ĐBQH) xung quanh vấn đề này.

  • Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương: Cần sớm thực hiện

Qua tập hợp ý kiến ĐBQH, nhất là tại phiên thảo luận tổ vừa rồi, chúng tôi thấy đề án đã nhận được sự đồng thuận khá cao, thể hiện mong muốn sớm thực hiện những quy định đã có trong Hiến pháp từ rất lâu mà chưa làm được. Chỉ còn một số ý kiến đề nghị làm rõ thêm các tiêu chuẩn định lượng hoặc điều chỉnh phạm vi lấy phiếu. Cũng có nhiều ý kiến đề nghị phiếu tín nhiệm không nên có mục “Không có ý kiến”, vì cho rằng đã làm ĐBQH thì phải có trách nhiệm tìm hiểu, xem xét, cân nhắc rất kỹ để đánh giá đúng các đồng chí cán bộ được đánh giá tín nhiệm.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, phiếu tín nhiệm sẽ để 3 mức: tín nhiệm cao/trung bình/thấp. Một số ý kiến cho rằng việc bỏ phiếu tín nhiệm (thực chất là bất tín nhiệm) là rắc rối, không cần thiết vì lấy phiếu tín nhiệm thấp đã là bất tín nhiệm rồi, nhưng chúng tôi cho rằng đây là công việc cần được tiến hành thận trọng, dựa vào căn cứ pháp lý chắc chắn, muốn làm tắt cũng không thể được. Vì thế, vẫn giữ 2 bước như dự thảo đề án đã trình.

Vừa rồi có dư luận đặt vấn đề e ngại sẽ có việc “mặc cả” bằng phiếu tín nhiệm với nhân sự giữ các chức danh được QH và HĐND bầu, nhưng tôi nghĩ sẽ khó có chuyện đó. Đã làm ĐBQH là phải đáp ứng những tiêu chuẩn của ĐBQH. Không thể có chuyện vì lý do cảm tính nào đó hay vì lợi ích cục bộ của địa phương mình mà lại bỏ phiếu tín nhiệm thấp cho bộ trưởng, trưởng ngành.

  • ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TPHCM): Hình thành văn hóa từ chức

Tôi thấy cần sử dụng cả 2 cơ chế lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm để đánh giá nhằm bảo đảm tính linh hoạt khi cần thiết. Quy trình như nêu trong đề án là chặt chẽ, thận trọng, phù hợp với quan điểm của Đảng và Bác Hồ: xây là chính. Hơn nữa, mục đích của việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là để tăng cường ý thức trách nhiệm của những người giữ chức vụ cao trong Chính phủ hoặc tại địa phương, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nên cũng cần phải qua từng bước để họ có thời gian điều chỉnh hoạt động của mình ngày một tốt hơn.

Một điểm mới là lần này nghị quyết có quy định người có tỷ lệ tín nhiệm thấp có thể từ chức. Điều này sẽ mở đường cho những người cảm thấy không còn xứng đáng có thể tự nguyện rút lui mà không cần chờ QH, HĐND phải tiến hành đủ các bước. Đó cũng là cách hình thành “văn hóa từ chức” vốn còn chưa có trong đời sống chính trị nước ta lâu nay. Về sự công bằng trong lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm, hãy tin ở các đại biểu.

Với trách nhiệm của mình trước nhân dân, đại biểu sẽ giám sát các hoạt động của những người giữ các chức vụ mà mình đã bầu hoặc phê chuẩn. Chúng tôi hiểu rằng lấy phiếu đánh giá một người, mà sự đánh giá đó có thể ảnh hưởng đến sinh mệnh chính trị của người đó và ảnh hưởng đến sự lãnh đạo điều hành của đất nước, của địa phương thì các đại biểu sẽ rất thận trọng và có trách nhiệm.

ANH THƯ thực hiện

Tin cùng chuyên mục