Sức bật và tầm nhìn

Nhiều ngày nay, những ai quan tâm đến bóng đá Việt Nam đều thắc mắc không biết việc tuyển chọn HLV trưởng thay thế ông Calisto dựa trên tiêu chí nào khi nhiều khả năng HLV đến từ Đức sẽ được chọn. Nghĩa là bỏ qua các yêu cầu am hiểu bóng đá Việt Nam cũng như kinh nghiệm tại khu vực Đông Nam Á.

Từ trước đến nay, để nâng cao thành tích môn nào, thường chọn các chuyên gia đến từ những quốc gia mạnh về môn ấy. Bóng chuyền, bóng bàn từ Trung Quốc; cầu lông từ Indonesia; điền kinh thì chọn các chuyên gia của Đông Âu hay khối Liên Xô cũ. Cách làm này có chi phí thấp và chất lượng phù hợp với thể thao Việt Nam. Riêng với môn bóng đá, đến nay vẫn cứ xét theo dạng hồ sơ xin việc chứ không đóng khung một dạng trường phái nào phù hợp bởi chính bóng đá Việt Nam cũng chưa hề đúc kết đâu là lối chơi đặc trưng của chúng ta. Vì thế, 15 năm qua, mới phải tiếp nhận hàng loạt tư duy chiến thuật từ Brazil, Anh, Pháp, Đức rồi Bồ Đào Nha, Áo… Không biết mình đang ở đâu, làm sao biết cách tạo ra sức bật và xây dựng một tầm nhìn?

Bóng đá thì vậy, các môn thể thao khác cũng gặp những vấn đề tương tự. Khi cả thế giới đang nhộn nhịp với hàng chục, hàng trăm giải thi đấu chuyên nghiệp mỗi năm thì thể thao Việt Nam vẫn chỉ chú trọng đầu tư khi có tổ chức SEA Games. Năm 2010 vừa qua (có Asiad 16), dù đang có những nhân tố đặc biệt nhưng các VĐV môn điền kinh chỉ tham dự tối đa 2 giải quốc tế. Ở môn cầu lông, ngoài trường hợp đặc biệt của Tiến Minh, không còn tay vợt nào được tạo điều kiện (hoặc tự vận động) để tham gia hàng chục giải lớn nhỏ của làng cầu lông chuyên nghiệp thế giới hàng năm.

Theo dự kiến của các nhà chuyên môn, năm 2011, Việt Nam khó có nhiều thành tích nổi bật tại các giải tầm châu Á và số lượng VĐV đạt chuẩn dự Olympic London 2012 sẽ còn ít hơn Bắc Kinh 2008. Nguyên nhân, thiếu lực lượng kế thừa, trình độ các VĐV giậm chân tại chỗ do không được cọ xát và đặc biệt là mức độ đầu tư vẫn tiếp tục dàn trải, cào bằng khi vẫn dựa trên tiêu chí thành tích tại SEA Games để phân bổ ngân sách.

Nếu lấy thành tích top 3 SEA Games để đánh giá thì đã tròn 10 năm (từ 2001), thể thao Việt Nam vượt lên đẳng cấp khu vực. 10 năm, một quãng thời gian rất dài trong đời một VĐV nhưng sau 10 năm, chúng ta vẫn cứ nhắm đến thành tích tại SEA Games để làm thước đo. 10 năm qua, những môn thể thao trên thế giới ngày càng chuyên nghiệp, số lượng các giải đấu có tiền thưởng lớn đã tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba nhưng tần suất tham gia của các VĐV Việt Nam chỉ dừng ở mức độ khiêm tốn. Đến nay, bóng đá Việt Nam vẫn chưa “xuất khẩu” cầu thủ; Tiến Minh, Nguyễn Hoàng Thiên (quần vợt) chỉ là những “cánh én” đơn độc. Chỉ có môn cờ vua với Lê Quang Liêm và Bảo Trâm bắt đầu thi đấu chuyên nghiệp tại Đức, Trung Quốc. Quanh đi quẩn lại, vẫn chỉ đợi 2 năm một lần, lại tập trung đầu tư ngân sách nhà nước cho mục tiêu SEA Games trong khi Thái Lan, Singapore hay Indonesia không còn quan tâm nữa và đặt mục tiêu xa hơn.

Phải chăng những nhà hoạch định thể thao Việt Nam vẫn còn loay hoay chưa xác định mình đang đứng ở đâu nên không thể tìm ra tầm nhìn cho sự phát triển trong tương lai?

Tâm Việt

Tin cùng chuyên mục