Sức cảm hóa của đức độ Hồ Chí Minh

Bậc danh nhân “tam lập”
Sức cảm hóa của đức độ Hồ Chí Minh

Bậc danh nhân “tam lập”

Minh triết phương Đông từ xưa đã nói đến “tam lập”: lập đức, lập công và lập ngôn. Những người “lập” được một trong ba thứ ấy thì danh tiếng còn lại mãi với thời gian. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Khổng Tử, Đức Chúa Jesus… là những người “lập đức” vĩ đại; tên tuổi các vị hơn hai ngàn năm trôi qua vẫn trường tồn. Những người “lập công” to lớn như Mikhail Kutuzov ở Nga hay Trần Hưng Đạo ở Việt Nam cũng lưu danh muôn thuở. Bên cạnh họ là những người có biệt tài “lập ngôn”, như các nhà hiền triết, nhà văn, nhà thơ kiệt xuất: Lão Tử, Trang Tử, Lý Bạch, Đỗ Phủ, Alexander Pushkin, Lev Tolstoy, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du...  Trong “tam lập”, thì “lập đức” được đặt cao hơn “lập công” và “lập ngôn”. Ngày nay, nhìn lại thế kỷ 20, ta thấy rõ, có những người “lập công” to lớn ở những đất nước khổng lồ trên thế giới, nhưng do đạo đức chưa thật cao quý, tâm hồn chưa thật sáng trong, cho nên khi nắp áo quan vừa đậy lại thì đã rộ lên ngay những lời phê phán chua cay, đả kích gay gắt, làm mờ đi cả quá khứ “lập công” lừng lẫy!

Trong lịch sử Việt Nam hiện đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người “lập công” vĩ đại nhất. Và Người cũng là người “lập ngôn”. Chỉ cần ngắn gọn chín chữ, Người đã nói lên một chân lý của thời đại: Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Người cũng là tác giả những câu thơ chữ Hán cô đúc của Ngục trung nhật ký: Nhân hữu ưu sầu, ưu điểm đại/ Lung khai trúc soản, xuất chân long (Viện Văn học dịch là: Người biết lo âu, ưu điểm lớn/ Tháo then nhà ngục, ắt rồng bay). Hay những vần thơ tiếng Việt dễ hiểu giữa núi rừng kháng chiến: Tiếng suối trong như tiếng hát xa/ Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa/ Cảnh khuya như vẽ, người chưa ngủ/ Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà… Tuy nhiên, cao hơn hết, Người là một tấm gương đạo đức sáng ngời, một mẫu mực tuyệt vời về lòng nhân ái, khoan dung.

Chính vì vậy, cuộc đời và sự nghiệp của Người có sức cảm hóa lớn đối với giới trí thức nước ta.

Trăm thế kỷ trong tên Người: Ái Quốc!

Trong một tập hồi ký, Giáo sư Hồ Đắc Di, nguyên Giám đốc Đại học Y Hà Nội, viết: Dạo đó, vào khoảng năm 1920, tôi thường hay lui tới trụ sở Hội Sinh viên An Nam tại 15 phố Sommerard, khu Latin, Paris. Một sáng chủ nhật, tôi đi với anh bạn Dương Văn Giáo, người Nam Kỳ, luật sư tập sự. Chúng tôi đến trụ sở Hội để gặp gỡ bạn bè. Trụ sở có hai phòng: phòng ngoài để sách, báo cho sinh viên xem; phòng trong bày bàn ghế tiếp khách. Nhìn vào phòng trong, tôi thấy có ba người đang ngồi nói chuyện. Một người nhiều tuổi, để râu. Một người béo, lùn. Và một người trẻ tuổi, xanh xao, dong dỏng cao.

- Cậu có biết ba người kia là ai không? - Anh Giáo hỏi tôi.

- Biết một. Người để râu là cụ Phan Chu Trinh - Tôi nói.

- Người béo, lùn là luật sư Phan Văn Trường - anh Giáo tiếp lời - Còn người trẻ, gầy là ông Nguyễn Ái Quốc đấy!

Ba tiếng “Nguyễn Ái Quốc” khiến tôi bàng hoàng xúc động! Thì ra con người mà tôi hằng nghe bạn bè nói tới, con người đã cất cao tiếng nói đanh thép đòi các quyền chính đáng cho dân tộc Việt Nam tại Hội nghị Hòa bình Versailles năm 1919 - một việc làm gan dạ phi thường, khiến bất cứ người Việt Nam nào có chút lòng yêu nước cũng phải cảm thấy khâm phục, tự hào - con người ấy hiện đang ngồi trước mắt tôi kia!

Hồ Đắc là một danh gia vọng tộc ở cố đô Huế. Người cha của anh sinh viên Hồ Đắc Di là cụ Khánh Mỹ Quận công Hồ Đắc Trung, Thượng thư Bộ Học, kết hôn với bà Công nữ Á Nam. Người anh ruột là ông Hồ Đắc Khải, Thượng thư Bộ Hộ. Xuất thân từ một gia đình trâm anh thế phiệt như thế, GS Hồ Đắc Di thật khó lòng đến với cách mạng nếu như không được tấm gương “tận trung với nước” của nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc cảm hóa.

“Trong những ngày đầu cách mạng - GS Hồ Đắc Di kể lại - chính quyền ta phải đương đầu với muôn vàn khó khăn. Hết quân Tưởng đến quân Pháp kéo vào. Tình hình nhiều lúc tưởng chừng nghìn cân treo sợi tóc! Trong phút hiểm nghèo của vận mệnh dân tộc, tôi không khỏi lo âu. Nhưng rồi tôi được nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh nói trong một cuộc mít tinh trước Nhà hát thành phố, sau ngày ký Hiệp định sơ bộ: “Hồ Chí Minh này không bao giờ bán nước!”. Thật cảm động đến rơi nước mắt! Câu nói đó âm vang mãi trong lòng tôi. Tôi nghĩ, dân tộc ta chắc chắn còn phải trải qua muôn nỗi gian nguy, trắc trở, nhưng đi theo con đường của Chủ tịch Hồ Chí Minh là đi theo nghĩa lớn, là đi đến thành công”.

Bác Hồ không phải cảm hóa giới trí thức nước ta bằng những pho sách dày, những buổi diễn thuyết hùng biện, mà là bằng đức độ hy sinh cao cả và tấm lòng thành thực chân tình - một sự cảm hóa “vô ngôn”.

Trong những năm tháng kháng chiến gian nan giữa rừng xanh Việt Bắc, GS Hồ Đắc Di ghi lại: Chúng ta tìm đâu ra niềm tin và lòng hy vọng để tiếp tục sống và chiến đấu nếu không phải là từ sự suy ngẫm đầy cảm kích về Con Người ấy - con người có số phận phi thường đã hoàn toàn xả thân vì nước trong gần nửa thế kỷ qua, con người hôm nay đang cầm đũa chỉ huy giàn nhạc giao hưởng của chúng ta.

Trân trọng di sản văn hóa phương Đông

GS Nguyễn Xiển, nguyên Tổng Thư ký Đảng Xã hội Việt Nam, kể lại trong một thiên hồi ký: Ít hôm sau Cách mạng Tháng Tám, các ông Trần Đăng Ninh và Phan Tư Nghĩa đến vận động tôi ra làm việc cho Chính phủ mới. Tôi đến trước cửa Bắc bộ phủ thì gặp cụ Nguyễn Văn Tố. Cụ tươi cười bảo tôi: “Xin chúc mừng ngài! Ngài và tôi là hai trí thức Hà Nội đầu tiên được mời vào Chính phủ. Tôi đã nhận Bộ Cứu tế - Xã hội. Đề nghị ngài cũng nên nhận Bộ Giao thông - Công chính.” Sau đó, tôi vào gặp ông Võ Nguyên Giáp. Ông Giáp cũng đề nghị với tôi đúng như vậy. Nhưng tôi từ chối vì chỉ muốn làm chuyên môn và đề cử các kỹ sư Trần Đăng Khoa, Đặng Phúc Thông…”.

Theo chúng tôi nghĩ, thật ra, còn một lý do nữa khiến GS Nguyễn Xiển từ chối: Ông sợ người đời cho là ông… xu thời!

Hôm sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh đích thân tiếp chuyện ông. Nghe ông trình bày về sự do dự của mình, Chủ tịch ôn tồn nói:

- Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách. Huống chi ngài là người học cao. Ngài không làm thì ai làm!

- Nhưng, thưa Cụ, tôi không quen làm quản lý.

- Thì có ai quen đâu! Vì sự nghiệp chung mà người ta gắng sức cả thôi!

Lòng chân thành của Bác đã cảm hóa ông. Bác đề nghị ông đảm đương trọng trách Chủ tịch Ủy ban Hành chính Bắc bộ kiêm Giám đốc Nha Khí tượng. Ông không dám phụ lòng tin của Bác.

Là Chủ tịch Bắc bộ, phải lo ngay việc chống lụt, ông liền mời các kỹ sư công chính và các nhà thầu khoán ra làm việc cho cách mạng. Lúc đó là làm không lương. Ông đề đạt lên Chủ tịch Hồ Chí Minh kế hoạch sử dụng cả thầu khoán và thợ đấu. Tuy lúc bấy giờ bị một số nhà mác-xít trẻ tuổi phê phán là “phần tử bóc lột”, nhưng thầu khoán vừa quen việc, lại vừa có tiền ứng trước - điều này quan trọng lắm, khi ngân khố Nhà nước rỗng không! Nghe ông trình bày, Bác Hồ cười hiền hậu: “Thầu khoán giúp dân chống lụt là yêu nước”.

Tấm lòng bao dung của Bác khiến cho ông tin tưởng.

Ngay sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, GS Nguyễn Xiển đề nghị Chính phủ cử một đoàn đại biểu đến bái yết các vị tiên thánh, tiên hiền ở Văn Miếu như Khổng Tử, Mạnh Tử, Chu Văn An… Mặc dù điều này bị một vài nhà mác-xít trẻ tuổi bài xích là “phong kiến lỗi thời”, nhưng Bác Hồ lại hết sức tán thành. Bác liền cử ngay cụ Huỳnh Thúc Kháng dẫn đầu đoàn; trong đoàn có các ông Nguyễn Xiển, Trần Đăng Khoa.

Vào dịp giỗ Tổ Hùng Vương năm 1946, Ủy ban Hành chính tỉnh Phú Thọ đề nghị Chính phủ cử một đoàn đại biểu lên dự Ngày hội Đền Hùng đầu tiên sau cách mạng. Lần này cũng vậy, Bác cử cụ Huỳnh Thúc Kháng cùng các ông Nguyễn Xiển, Trần Đăng Khoa.

“Hồi ấy, các cơ sở Quốc dân đảng hoạt động mạnh ở Phú Thọ - GS Nguyễn Xiển kể - Đoàn đi như thế là hết sức mạo hiểm! Nhưng nhờ có Cụ Huỳnh, nên bọn họ không dám manh động. Tiếc rằng Chính phủ hồi ấy không sẵn máy ảnh, máy quay phim để ghi lại những hoạt động tưởng chừng bình thường nhưng hết sức có ý nghĩa ấy”.

Đời giản dị đượm một màu hiền triết

Không chỉ các nhà khoa học, mà cả các nghệ sĩ cũng “tâm phục, khẩu phục” Cụ Hồ. Nhà thơ Xuân Diệu đã vẽ chân dung Người bằng những nét bút ngôn từ tinh tường, chính xác: Cụ Hồ ấy là Việt Nam sinh đẻ/ Nên nghìn xưa còn lại vẻ nhà nho/ Trải thế gian qua biết mấy địa đồ/ Môi bất hủ vẫn nụ cười nước Việt/ Vẫn vầng trán non cao, vẫn mắt ngời nước biếc/ Vẫn chòm râu hòa nhã của phương Đông…

Thi sĩ lãng mạn thời Thơ Mới, người đã từng viết những câu thơ “rất Tây” như “Hôm nay lạnh mặt trời đi ngủ sớm”, nay cảm phục trước vẻ giản dị thuần khiết Việt Nam của Cụ Hồ: Dân sinh ra nên nói tựa dân đồng/ Lời chuyện vãn lại nôm na tục ngữ/ Áo màu xám vẫn giữ tro vạn thuở/ Của nương dâu, bãi đậu hoặc vườn ngô/ Sống rau dưa, giày mũ vải thô sơ/ Đời giản dị đượm một màu hiền triết…

Quả vậy, chính Bác Hồ đã nói lên lối sống mộc mạc của Người: Tự cung thanh đạm tinh thần sảng/ Tố sự thung dung nhật nguyệt trường. Xuân Thủy dịch là: Sống quen thanh đạm nhẹ người/ Việc làm tháng rộng ngày dài ung dung…

HÀM CHÂU

Tin cùng chuyên mục