Sức cạnh tranh kém do đâu?

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa đưa ra bản báo cáo với nhiều phân tích mới về ngành kho vận Việt Nam, bao gồm cả vận tải thủy nội địa và vận tải ven biển. Trong đó nêu rõ hai ngành này có thể tạo động lực tăng trưởng cho Việt Nam. Báo cáo này cho thấy dịch vụ kho vận Việt Nam đắt hơn so với các nước cùng nhóm trong khu vực như Trung Quốc, Malaysia và Thái Lan. Ước tính các công ty vận tải biển Việt Nam mỗi năm mất thêm 100 triệu USD do thủ tục thông quan chậm trễ dẫn đến hàng bị lưu kho lâu hơn; con số này dự tính sẽ tăng lên 180 triệu USD vào năm 2020.

Có nhiều yếu tố làm tăng chi phí như quy định rườm rà, áp dụng không nhất quán, mất cân đối cung - cầu về hạ tầng cơ sở... Tuy nhiên, theo bà Victoria Kwawa, Giám đốc WB tại Việt Nam, những nhược điểm này hoàn toàn có thể khắc phục nếu Chính phủ tiến hành một số biện pháp như giảm thiểu các quy trình hải quan dựa trên giấy tờ, thông quan kỹ thuật xuất, nhập khẩu và xây dựng “hành lang kho vận đa phương thức” để đảm bảo cơ sở hạ tầng phù hợp cho việc vận chuyển hàng container bằng xe tải và sà lan ít bị chậm trễ vì thủ tục nhất. Các biện pháp khác gồm có mở cửa thị trường dịch vụ kho vận và tạo cân đối cung - cầu bền vững hơn trong ngành vận tải đường bộ.

Câu chuyện của WB đề cập trên không phải mới, nhưng một lần nữa nó cảnh báo sự trì trệ, phát triển không đồng bộ của hạ tầng, chính là một trong những rào cản lớn nhất đối với sự phát triển, cũng như sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Đại hội Đảng lần thứ XI đã xác định 3 trọng tâm, việc lớn cần tập trung giải quyết: một là cơ sở hạ tầng; hai là chất lượng nguồn nhân lực và thứ ba là thể chế. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, muốn đi vào giai đoạn tăng trưởng cao hơn nữa thì không thể chấp nhận những bất cập, yếu kém của kết cấu hạ tầng như hiện nay.

Ví dụ về hệ thống cảng biển, so với Singapore, chi phí cho một đơn vị hàng hóa tại cảng Hải Phòng và các cảng ở miền Nam trung bình là cao gấp đôi. Ở miền Trung thì còn cao hơn nữa. Chưa nói đến hệ thống giao thông nối liền các cảng biển của chúng ta còn rất kém, trong khi ở các nước rất tốt và thuận lợi.

Một vấn đề khác, đó là sức cạnh tranh quốc tế của các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu. Điều này, theo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, không phải do hội nhập và toàn cầu hóa mang đến mà do chính nội lực, thực lực của chúng ta quyết định. Không phải vì gia nhập WTO mà doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh kém, mà do chính sự chủ quan, yếu kém trong quản lý, điều hành của chúng ta. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: “Không chỉ là doanh nghiệp mà còn do chính chúng tôi, những người điều hành, lãnh đạo đất nước. Phải tự thấy mình kém, không tạo ra được môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp”.

Chính vì vậy, việc hoàn thiện thể chế nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa được xem là hết sức quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Nếu làm việc này chậm thì sẽ tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh bất lợi và kéo theo là sức cạnh tranh của cả nền kinh tế, của các doanh nghiệp Việt Nam kém đi so với các nước. Khi tham gia WTO vào năm 2007, nhiều người đã lo sợ sức mạnh của những nền kinh tế lớn sẽ chèn ép, đè bẹp nền kinh tế Việt Nam.

Thế nhưng, nhìn lại những năm qua, sau khi vào WTO, nền kinh tế Việt Nam có điều kiện phát triển về mọi mặt và còn mở rộng thị trường. Sau WTO, giờ Việt Nam tiếp tục tham gia Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Về độ mở của TPP thì những nước tham gia đều muốn tự do hóa thương mại mạnh hơn nữa, nhưng số lượng thành viên tham gia thì lại ít hơn.

Điều quan trọng là chúng ta sẽ rút kinh nghiệm từ WTO để có sự chuẩn bị tốt hơn, nhất là việc củng cố thực lực của đất nước, tranh thủ tối đa thời gian để làm tốt việc chuẩn bị này. Mỗi doanh nghiệp, mỗi địa phương, mỗi bộ ngành và cả đất nước phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng trong quá trình hội nhập này để giành được thắng lợi khi chúng ta tham gia TPP nói riêng, cũng như nâng cao sự phát triển và sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam nói chung.

TRẦN LƯU

Tin cùng chuyên mục