
Các tác giả của bộ phim Breach (Lỗ hổng) có lẽ đã không thể ngờ về một thành công nhanh chóng như vậy sau lần công chiếu đầu tiên tại nước Mỹ vào tháng 2 vừa qua. Dù không có bất cứ một chiến dịch quảng cáo rầm rộ nào, Breach đã nhanh chóng leo lên hàng thứ ba của top những bộ phim thành công nhất chỉ trong vài tuần đầu tiên.
- Điều khó hiểu ngoài đời...

Yếu tố chính thu hút khán giả rất đơn giản – đây là bộ phim về cựu nhân viên Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) Robert Hanssen, người trong suốt 20 năm liền đã trao cho tình báo Xô Viết và sau đó là nước Nga nhiều thông tin đặc biệt quan trọng, và cho tới giờ vẫn được đánh giá là “nỗi nhục nhã ở tầm cỡ quốc gia” của các cơ quan mật vụ Mỹ.
Robert Hassen bị bắt trước khi Breach được công chiếu 6 năm và phải nhận bản án chung thân vì tội hoạt động gián điệp. Với những hậu quả nghiêm trọng mà Hassen gây ra, không có gì đáng ngạc nhiên khi ông được bố trí “nghỉ ngơi” tại nhà tù liên bang Supermax (Colorado), là nơi giam giữ những tội phạm nguy hiểm nhất của nước Mỹ. Các chuyên gia phân tích của mật vụ Mỹ cho tới giờ vẫn không thể hiểu được động cơ hoạt động gián điệp của Robert Hanssen. Chính anh ta là người đầu tiên đề xuất làm việc cho Moscow, sau đó hầu như không chi tiêu gì từ số tiền kiếm được do bán tài liệu (gần 1,5 triệu USD). Hanssen còn quyên góp không ít tiền cho các hoạt động từ thiện, không thanh toán khoản tiền nợ mua nhà trước đó, thậm chí luôn đi làm với một bộ áo vest duy nhất màu xám.
- ...là lực hút của phim!
Những câu hỏi chưa có lời giải đáp này có lẽ cũng là một phần đóng góp cho sự thành công đạo diễn Billy Ray. Sau khi công chiếu lần đầu vào ngày 16-2-2007, Breach (với chi phí 37 triệu USD) đã nhanh chóng thu được tới 33 triệu USD chỉ riêng tại Mỹ. Theo tôn chỉ của đạo diễn Billy Ray, tất cả các nhân vật trong Breach đều có nguyên mẫu trên thực tế. Eric O’Neill (diễn viên Ryan Phillippe) được cử tới làm việc tại FBI với vai trò đầu tiên là trợ lý cho chuyên gia phân tích kỳ cựu và có uy tín cao Robert Hanssen (diễn viên Chris Cooper). Nhân viên trẻ tuổi này ban đầu đã rất hạnh phúc, trước khi nhanh chóng biết được sếp trực tiếp của mình bị nghi ngờ hợp tác với KGB. Nhiệm vụ của Eric giờ đây là phải tìm hiểu rõ sự thực – đó cũng chính là tiền đề cho các bước ngoặt tiếp theo của bộ phim. Đạo diễn Billy Ray giải thích về động cơ tham gia bộ phim: “Tôi thích làm việc với những câu chuyện có liên quan tới sự lừa dối”. Theo Billy, nhân vật Hanssen thu hút sự quan tâm của ông bởi đây là “một con người với những mâu thuẫn khác thường”.
Nhân vật thực Eric O’Neill ngoài đời chính là người khởi xướng cho ý tưởng sản xuất ra Breach và được các chỉ huy cũ của mình nhiệt tình ủng hộ. Cựu nhân viên FBI này đã rất nhiệt tình tiếp xúc với các ngôi sao Hollywood, cố vấn cho họ rất nhiều trong thời gian quay phim. O’Neill còn mang đến tận phim trường chiếc bút máy mà Hanssen trước đó đã tặng mình để làm kỷ niệm. |
NHƯ QUỲNH (tổng hợp)