Sức lan tỏa của một chương trình

Trong nền kinh tế thị trường, giá cả hàng hóa hình thành và hoạt động theo các quy luật khách quan, trong đó quy luật giá trị và quy luật cung cầu chi phối trực tiếp và mạnh mẽ nhất. Những năm trước đây, ở TPHCM nói riêng và thị trường cả nước nói chung, giá cả hàng hóa - đặc biệt là những hàng hóa tiêu dùng thiết yếu - như con ngựa bất kham, biến động khôn lường. Thường có những cơn sốt giá, nhất là vào những dịp trước và sau tết cổ truyền, gây khó khăn cho đời sống xã hội cũng như công tác quản lý kinh tế nhà nước.

Năm 2002, lần đầu tiên UBND TPHCM đưa ra chương trình bình ổn giá, đặt dưới sự chỉ đạo của Tổ Công tác bình ổn thị trường do một phó chủ tịch UBND TPHCM làm tổ trưởng - với quỹ bình ổn 45 tỷ đồng, nhưng cũng chưa xác định được mặt hàng bình ổn cụ thể.

Năm 2003, TP tiếp tục nâng quỹ bình ổn giá lên 80 tỷ đồng. Tiền này chuyển cho một số doanh nghiệp phân phối bán buôn và bán lẻ lớn làm vốn để dự trữ hàng hóa, góp phần bình ổn giá một số mặt hàng, chủ yếu là lương thực thực phẩm tươi sống, cho một số siêu thị lớn của TP trong dịp Tết Nguyên đán. Năm 2004, vốn của quỹ bình ổn đã tăng lên 214 tỷ đồng và bắt đầu xác định bình ổn giá những mặt hàng cụ thể. Tuy nhiên, phải đến năm 2006, chương trình bình ổn giá mới lan rộng từ các siêu thị ra nhiều doanh nghiệp (sản xuất, phân phối lưu thông…) trên nhiều mặt hàng.

Đến năm 2010, chương trình bình ổn giá được thực hiện từ bình ổn thời vụ sang bình ổn quanh năm và ngoài 8 mặt hàng (gạo - nếp, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến và rau củ) lần đầu tiên thực hiện bình ổn mặt hàng phục vụ mùa tựu trường (trang phục, sách vở học sinh…).

Ban đầu, để tham gia chương trình bình ổn giá, ban chỉ đạo chương trình của TP - căn cứ vào năng lực và uy tín của từng doanh nghiệp - chỉ định cụ thể các doanh nghiệp tham gia và đảm bảo bao tiêu sản phẩm của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, từ quỹ bình ổn giá, các doanh nghiệp tham gia được vay một số vốn với lãi suất 0% và hoàn vốn sau một thời gian nhất định.

Tuy nhiên, càng về sau, từ uy tín của chương trình và sự hấp dẫn của thị trường hàng bình ổn giá, các doanh nghiệp phải đăng ký và phải được xét duyệt trên cơ sở những tiêu chuẩn và điều kiện do UBND TPHCM đưa ra. Về phía doanh nghiệp, khi tham gia chương trình, họ hoàn toàn yên tâm đầu tư nguyên nhiên liệu, dây chuyền sản xuất… bởi vì thị trường “đầu ra” đã được đảm bảo. Do đó, rất nhiều doanh nghiệp đã tự nguyện tham gia chương trình mà không đòi hỏi về vốn vay và các điều kiện khác.

Tuy nhiên, việc tham gia ngày một đông đảo của các doanh nghiệp đặt ra vấn đề vai trò của người chỉ huy, tổ chức phân công sản xuất và thị trường tiêu thụ trên phạm vi lớn trong thời gian dài để tránh thừa hoặc thiếu hàng hóa cục bộ theo nhu cầu của xã hội. Để chuẩn bị cho chương trình bình ổn giá Tết Quý Tỵ 2013, các sở ngành chức năng của TPHCM phối hợp với doanh nghiệp dự trữ nguyên liệu cho sản xuất và nguồn hàng từ nhiều tháng trước, hình thành các kênh phân phối từ trung tâm đô thị đến các vùng sâu vùng xa (Cần Giờ, Nhà Bè, Củ Chi…) và các tỉnh lân cận, tạo nên việc bình ổn thị trường chung, góp phần vào một cái tết an lành, vui tươi của TP...

Xuất phát từ chủ trương bình ổn giá một vài mặt hàng thiết yếu, sau mở rộng ra nhiều mặt hàng. Từ việc bình ổn giá trong một thời điểm nhạy cảm là tết cổ truyền, sau mở rộng ra cả năm. Từ mong muốn ổn định giá một số hàng hóa, sau trở thành chức năng dẫn dắt giá cả thị trường...

Chưa hết, từ mô hình bình ổn giá thị trường này, đến nay đã có 43 tỉnh thành nỗ lực thực hiện theo. Điều đó khẳng định sức sống và lan tỏa của một chủ trương đúng, một cách làm hay mà chính quyền và các ban ngành của TPHCM đã thực hiện hơn mười năm qua.

Phan Lộc

Tin cùng chuyên mục