Sau 3 năm hoạt động, Công ty TNHH Parkson Hà Nội (do Parkson “mẹ” nắm 70% vốn góp) đột ngột cho ngừng hoạt động Trung tâm thương mại (TTTM) Parkson Landmark Keangnam tại Hà Nội, đồng thời yêu cầu các đơn vị kinh doanh chuyển hết đồ đạc ra khỏi trung tâm.
Lý giải cho quyết định đột ngột này, trong thông báo của Công ty TNHH Parkson Hà Nội có một vài dòng vắn tắt: “Kể từ khi mở cửa năm 2011, hoạt động kinh doanh của Parkson Landmark chưa một ngày đạt được doanh thu theo như kế hoạch đề ra của chúng tôi. Chúng tôi cũng nhận thấy các quầy hàng của quý đối tác cũng đang phải chịu những khoản lỗ lớn”...
Như vậy, động thái ngưng kinh doanh ngay trong những ngày đầu năm 2015 tại TTTM Parkson Landmark đã khiến nhiều người bất ngờ nhưng quyết định cắt lỗ mạnh tay này là cần thiết. Theo báo cáo tài chính của doanh nghiệp (DN) này, Việt Nam là nơi có mức suy giảm trầm trọng nhất của Parkson. Lợi nhuận tại Việt Nam rơi từ 4 triệu ringgit năm 2013 xuống mức lỗ 10 triệu ringgit năm 2014 (khoản lỗ này đã tính gộp với kết quả kinh doanh của Parkson Myanmar mới khai trương từ tháng 5-2013).
Sự sụt giảm kinh doanh có thể thấy rõ bằng cách nhìn cảm quan và so sánh lượng khách đến mua sắm tại các TTTM của Parkson đặt tại TPHCM. Điển hình, tại Parkson Cantavil, kể từ khi khai trương đến nay luôn rơi vào tình trạng vắng khách. Nhiều gian hàng hiệu buộc phải giảm giá bán đến 70% nhưng vẫn không kéo được sức mua. Ngay cả Parkson Saigontourist, tọa lạc trên con đường đẹp nhất TPHCM cũng không có được lượng khách đông đúc như TTTM Vincom nằm đối diện.
Parkson là TTTM nước ngoài đầu tiên có mặt tại Việt Nam kể từ tháng 6-2005. Tính đến nay, sau 9 năm kinh doanh tại Việt Nam, Parkson hiện có 9 TTTM, trong đó 6 TTTM tại TPHCM, 2 đặt tại Hà Nội và 1 tại Hải Phòng, với hàng trăm nhãn hàng toàn cầu phân khúc trung và cao cấp và nhiều thương hiệu hàng đầu được sản xuất tại Việt Nam. Việc Parkson đóng cửa cũng đồng nghĩa với việc không phải DN nào đầu tư vào Việt Nam cũng thành công. Dạo quanh một vòng các TTTM mới như Robinson (đặt tại Crescent Mall) cũng đang trong tình trạng rất vắng khách; nhiều cửa hàng tiện lợi của một số tập đoàn nước ngoài kinh doanh không thành công; hoặc như Lotte đến thời điểm này cũng không đạt được kế hoạch phát triển số lượng các TTTM tại Việt Nam vì nhiều lý do...
Trên thực tế, cuộc đua trong lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam vào thời điểm này đang nghiêng về phía DN trong nước nhờ lợi thế “hiểu lòng dân”. Chỉ tính riêng năm 2014, Saigon Co.op đã đưa vào hoạt động 6 siêu thị mới, nâng tổng số lên 74 siêu thị Co.opMart, 1 đại siêu thị Co.opXtra, 1 trung tâm thương mại Sense City, 87 Co.op Food, hơn 200 cửa hàng Co.op và kênh bán hàng qua truyền hình HTV Co.op. Kế đến là Công ty Đông Hưng - chủ đầu tư chuỗi siêu thị AeonCitimart có 26 siêu thị; Công ty An Phong có 6 TTTM Maximark; Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn có 2 siêu thị và khoảng 50 cửa hàng Satra Food; Công ty Nhất Nam với chuỗi siêu thị Fivimart; Tổng Công ty Thương mại Hà Nội có khá nhiều siêu thị và các cửa hàng Hapro. Gần đây, Tập đoàn Vingroup đã chính thức gia nhập thị trường bán lẻ với thương hiệu VinMart+ vốn có nhiều lợi thế về tài chính, mặt bằng đẹp, có thể sẽ làm thay đổi diện mạo thị trường bán lẻ trong thời gian tới… Đó là chưa kể hàng loạt các DN sản xuất đã và đang tập trung phát triển khá tốt chuỗi cửa hàng tiện lợi để phân phối hàng do chính mình sản xuất và nhiều mặt hàng thiết yếu khác.
Sự gia nhập của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài là xu thế tất yếu. Song nói như một chuyên gia, cho dù DN nước ngoài có mạnh cỡ nào thì khi vào Việt Nam cũng sẽ do người Việt Nam tham gia quản lý, người tiêu dùng có quyền quyết định mua hàng gì và ở siêu thị nào. Cuộc chơi mới ở bước dạo đầu. Chúng ta lo và cảnh báo trước sự đầu tư mạnh mẽ của DN nước ngoài là cần thiết nhưng đừng cực đoan trong so sánh giữa DN nội - ngoại, cũng đừng vội kết luận hàng nội đang bị lép vế trước hàng ngoại. Tuy nhiên, để thắng được DN ngoại, tự thân các DN Việt Nam cần nghiêm túc nhìn lại mình, còn người tiêu dùng cũng nên ưu ái hơn cho các siêu thị và sản phẩm trong nước. Điều quan trọng hơn cả, các DN hiện đang đang rất cần những chính sách khôn ngoan và linh hoạt. Các chính sách này phải đủ sức là “người dẫn đường” cho DN phát triển. Thế giới đang bước vào giai đoạn mới, nếu chúng ta có sự đồng lòng chắc chắn sẽ loại bỏ được nguy cơ hàng loạt các DN phải phá sản bởi “sức nóng” từ cạnh tranh, mở cửa thị trường.
HẢI HÀ