Tiết trời trở lạnh chính là lúc gia tăng các nguy cơ về sức khỏe, đặc biệt là bệnh ở người cao tuổi, mà căn bệnh được nói đến nhiều nhất hiện nay chính là tai biến mạch máu não, hay còn gọi là đột quỵ não. Theo số liệu được Hội phòng chống tai biến mạch máu não mới công bố ngày 30-10-2013 tại TP Hồ Chí Minh, mỗi năm cả nước có hơn 200.000 ca đột quỵ, trong đó hơn 50% tử vong.
Để dự phòng “kẻ giết người thầm lặng” này có thể áp dụng nhiều phương pháp như thực hiện chế độ sinh hoạt hợp lý, tập dưỡng sinh, dùng các loại thuốc hoặc thảo dược… Trong đông y có một vị thuốc có công dụng đặc biệt thích hợp với điều trị và dự phòng đột quỵ, đó là Ngưu hoàng. Hiệu quả của Ngưu hoàng đã được y học cổ truyền chứng thực trong cả một quá trình nên hiện nay tại các nước châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng có khá nhiều sản phẩm chứa thành phần này chủ trị các vấn đề liên quan đến đột quỵ.
Bản chất của Ngưu hoàng chính là sỏi mật của các loài trâu bò. Trong y học Trung Quốc, Ngưu hoàng ban đầu thường được sử dụng để chữa trị các loại bệnh về răng miệng.
Có một giai thoại thú vị về vị thần y trong lịch sử Trung Quốc là Biển Thước (491 - 310 tr.CN) và Ngưu hoàng. Tương truyền rằng người hàng xóm của Biển Thước đã có một vài lần bị đột quỵ. Thời đó, người ta thường dùng một vị thuốc là Thanh Mông thạch để điều trị bệnh này. Một lần ông hàng xóm ngả con bò bệnh của nhà thì thu được một viên Ngưu hoàng, bèn sai con trai đem sang biếu vị thần y. Đúng lúc đó, ông lại lên cơn tai biến. Biển Thước ngay lập tức đi sang thăm khám và bảo anh con trai kia lấy viên Thanh Mông thạch để bào chế thuốc. Trong lúc vội vã, chàng trai trẻ đã lấy nhầm viên Ngưu hoàng vừa mang sang. Vị thần y cũng không có thời gian kiểm tra kỹ, lập tức nghiền nhỏ làm thuốc cứu người. Kết quả là ông hàng xóm mau chóng tỉnh lại, hồi phục dần.
Ngưu Hoàng
Đến khi về nhà, Biển Thước mới phát hiện ra sự nhầm lẫn rất may mắn này. Kể từ đó ông bắt đầu sử dụng Ngưu hoàng cho các trường hợp đột quỵ và đưa vào những bài thuốc của mình. Vị thần y kết luận “Do Ngưu hoàng được ngâm trong túi mật của con bò trong một thời gian dài, vì vậy tính hàn của nó có thể thấu tới tim và gan của người bệnh, có thể lọc tim, thông các mạch, điều hòa gan và chữa bại liệt”.
Sau này, các sách y học cổ truyền Trung Quốc đều có ghi chép về Ngưu hoàng với công năng hỗ trợ điều trị đột quỵ. Sách Bản thảo tùng tân viết Ngưu hoàng có tác dụng “thanh tâm giải độc, lợi đàm lương kinh, thông khiếu tịch tà”, diễn giải ra là có tác dụng khai thông những vùng não bị tắc mạch, qua đó giải quyết tình trạng thiếu máu vào não gây tai biến. Sách Bản Kinh viết Ngưu hoàng “chủ kinh nhàn hạ nhiệt, nhiệt thịnh kinh hoảng”, nghĩa là vị thuốc có tác dụng điều trị người bị kinh hoảng, mê sảng do nhiệt gây ra. Y học hiện đại cũng đã thử nghiệm và chứng minh được tác dụng của Ngưu hoàng trong trường hợp hạ sốt, chống co giật.
Số lượng sản phẩm thuốc hoặc thực phẩm chức năng chứa Ngưu hoàng tại thị trường Việt Nam có thể lên đến vài ba chục. Ngoài một số ít sản phẩm được Bộ Y tế xác nhận chất lượng và cho phép nhập khẩu chính thức, còn đa số đều là những sản phẩm “xách tay” từ Trung Quốc, Hồng Kông, Hàn Quốc, Triều Tiên… Điều đáng nói là những sản phẩm này đều được định giá khá cao, và trên nhãn mác hoàn toàn không có chỉ dẫn tiếng Việt. Mọi thông tin đều do người bán đưa ra. Để mua được sản phẩm đảm bảo chất lượng, hãy là người tiêu dùng thông minh và lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc, có chỉ dẫn tiếng Việt, sản phẩm được Bộ Y tế xác nhận chất lượng và cho phép nhập khẩu chính thức.
|