Nền kinh tế nước ta đã có sự phát triển mạnh trong khoảng mười năm trở lại đây khi mức tăng trưởng bình quân đạt 7,2%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 1.000 USD/năm và kể từ năm 2008, Việt Nam đã thoát ra khỏi các nước nghèo, gia nhập vào nhóm nước có thu nhập trung bình. Trong bối cảnh chung của nền kinh tế, TP Hồ Chí Minh là nơi có sự phát triển nhanh nhất và đóng góp khoảng 30% GDP hàng năm của cả nước.
Tuy nhiên, sự phát triển ấy đang gặp những trở ngại rất lớn, cả khách quan và chủ quan: Khủng hoảng kinh tế thế giới tác động trực tiếp đến mọi lĩnh vực của nền kinh tế trong nước. Tỷ giá đồng nội tệ và ngoại tệ thay đổi; giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng cao khiến giá thành sản xuất và dịch vụ liên tục tăng lên; lạm phát cao.
Trong khi đó, một số chủ trương lớn của Chính phủ như Nghị quyết 11/CP chưa được thực hiện triệt để, chưa mang lại hiệu quả như mong muốn; cuộc chạy đua về lãi suất ngân hàng không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp vay vốn mà còn làm cho diễn biến của nền kinh tế thêm phức tạp… Những trở ngại đó đã làm cho tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế có xu hướng chậm lại, thu nhập thực tế của người lao động giảm xuống; đặc biệt là cơ cấu một số ngành kinh tế không còn phù hợp với sự phát triển.
Trước tình hình đó, việc tái cấu trúc nền kinh tế để tạo ra sự phát triển mới là một yêu cầu bức bách đối với tất cả các ngành, các tỉnh thành trong cả nước và TP Hồ Chí Minh phải là địa phương đi đầu thực hiện yêu cầu trên. Với ưu thế của mình, các ngành công nghiệp, dịch vụ của thành phố Hồ Chí Minh đã và đang có sự chuyển dịch đúng hướng: tăng dần tỷ trọng của các ngành công nghiệp trọng yếu, có hàm lượng chất xám và công nghệ kỹ thuật cao, giá trị gia tăng cao và công nghiệp sạch như cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, hóa chất, chế biến lương thực thực phẩm. Đồng thời, giảm dần tỷ trọng các ngành sử dụng nhiều tài nguyên và thâm dụng lao động giản đơn; thực hiện chuyển dịch các ngành này về các địa phương có lợi thế về nguồn nguyên liệu và lao động phổ thông; đẩy mạnh đầu tư phát triển theo chiều sâu, nâng cao chất lượng tăng trưởng, đồng thời cơ cấu sắp xếp lại các cơ sở sản xuất để giảm thiểu tác động đến môi trường.
Hệ thống ngân hàng có vai trò cực kỳ quan trọng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của toàn bộ nền kinh tế bởi hầu hết các giao dịch giữa các doanh nghiệp đều phải thông qua hệ thống này. TP Hồ Chí Minh cũng là một trung tâm tài chính của cả nước với hàng trăm ngân hàng. Song hiện nay, hệ thống ngân hàng có xu hướng phát triển về số lượng mà không chú trọng đến chất lượng giao dịch, nhất là tiềm ẩn yếu tố rủi ro cao. Do đó, cần phải cấu trúc lại, đặt yêu cầu an toàn lên hàng đầu.
Trong kim ngạch xuất khẩu, dệt may và da giày là hai ngành chủ lực của TP Hồ Chí Minh, chiếm tỷ trọng lớn nhất. Song giá trị gia tăng lại không cao do hơn 80% giá trị sản phẩm nằm trong nguyên phụ liệu phải nhập khẩu, và là ngành thâm dụng nhiều lao động nhất. Do đó, tái cấu trúc kinh tế đối với hai ngành phải theo hướng tập trung vào đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu trong nước; giảm bớt lao động phổ thông bằng cách thay đổi công nghệ mới, kỹ thuật cao. Đồng thời chuyển dịch dần các dây chuyền sản xuất từ TP Hồ Chí Minh về các địa phương hoặc các đô thị vệ tinh của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam…
Nếu thực hiện tái cấu trúc kinh tế đúng hướng, hợp quy luật sẽ tạo sức bật mới cho nền kinh tế nói chung và kinh tế TP Hồ Chí Minh nói riêng, góp phần quan trọng vượt qua thời kỳ khó khăn nhất của nền kinh tế. Đó cũng là mục tiêu mà Chính phủ đặt ra cho các ngành kinh tế và TP Hồ Chí Minh trong thời gian tới.
PHAN LỘC