Tái cấu trúc kinh tế – Những vấn đề cốt lõi

Khủng hoảng kinh tế thế giới trong những năm qua đã làm cho cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu ngày càng trở nên gay gắt, đòi hỏi các nước, không phân biệt trình độ phát triển phải tính toán lại chiến lược phát triển, cạnh tranh trong bối cảnh mới.

Nền kinh tế VN sau hơn 20 năm theo đuổi mô hình tăng trưởng theo chiều rộng trong bối cảnh cạnh tranh, hội nhập khác trước không thể không cấu trúc lại theo mô hình tăng trưởng khác, không thể đi theo con đường mòn cũ, cách làm cũ, cơ chế quản lý cũ. Do vậy, tái cấu trúc nền kinh tế có ý nghĩa cấp thiết trong cả trước mắt, trung hạn và dài hạn.

Trong phạm vi một bài viết này, xin đề cập đến một số vấn đề cốt lõi sau:

Vấn đề phân bổ nguồn lực, bao gồm tài nguyên, đất đai, các nguồn vốn trong nước và từ ngoài vào. Đây là bản chất, thực chất, cốt lõi của tái cấu trúc nền kinh tế, có ý nghĩa quyết định việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo mô hình tăng trưởng nào đó.

Việc chuyển dịch kinh tế trong kinh tế thị trường của các nước trên thế giới là một quá trình phát triển tiệm tiến được điều tiết bởi các quy luật kinh tế, nhất là quy luật cạnh tranh, lợi nhuận hay bình quân hóa lợi nhuận. Chính các quy luật kinh tế đã điều tiết và tạo nên quá trình hình thành cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế theo mô hình, định hướng nhất định. Chính sách nhà nước của các nền kinh tế thị trường không có tác dụng quyết định mà chỉ có thể can thiệp vào quá trình này với mức độ nhất định, thành công hay không thành công phụ thuộc vào tính đúng đắn, phù hợp các quy luật kinh tế và thực tiễn, được kinh tế thị trường chấp nhận.

Còn đối với kinh tế thị trường định hướng XHCN của chúng ta, việc phân bổ nguồn lực đôi khi vẫn còn tình trạng chủ quan, duy ý chí theo tư duy kế hoạch hóa, cơ chế xin - cho, thậm chí còn có thể bị chi phối bởi quan điểm, lợi ích cục bộ nhóm, ngành, địa phương như đã có trong thời gian qua. Do vậy, tư duy và chính sách phân bổ nguồn lực có ý nghĩa quyết định thành công hay không đối với việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tái cấu trúc nền kinh tế, thay đổi mô hình tăng trưởng trong các giai đoạn sắp tới. Ngược lại, nếu chúng ta vẫn giữ tư duy quan điểm, chính sách và cơ chế phân bổ nguồn lực như cũ, chắc chắn không bảo đảm tái cấu trúc nền kinh tế, thay đổi mô hình tăng trưởng thành công như chúng ta mong muốn.

Cải cách triệt để doanh nghiệp nhà nước (DNNN), nhất là các tập đoàn, tổng công ty 90, 91 trên các mặt: nhân sự lãnh đạo, quản trị DN và một vấn đề hết sức quan trọng đối với DNNN nói chung là, xem xét và thay đổi cơ bản tư duy và quan điểm về vai trò của loại hình này.

Thực tiễn phát triển kinh tế trong những năm qua đã chứng tỏ khá rõ ràng, đầy thuyết phục là khu vực DNNN đã sử dụng, khai thác và quản lý một bộ phận lớn nguồn tài nguyên, vốn xã hội kém hiệu quả, thậm chí còn làm thất thoát, lãng phí một bộ phận không nhỏ nguồn lực xã hội, làm suy yếu năng lực cạnh tranh, thế và lực của nền kinh tế nói chung. Nếu nền kinh tế VN trong các giai đoạn sắp tới không nâng cao được hiệu quả DNNN, nhất là với các tập đoàn, tổng công ty lớn thì sẽ giậm chân tại chỗ trong bẫy thu nhập trung bình, thu nhập thấp, không thể tiến lên được.

Vấn đề phân cấp và quản lý các nền kinh tế địa phương. Trong cơ hội tái cấu trúc nền kinh tế lần này, có lẽ nên xem xét lại phân cấp quản lý và quy hoạch các nền kinh tế địa phương. Như cách làm hiện nay, nền kinh tế VN không còn là một nền kinh tế quốc dân đúng nghĩa của nó. Mà đã bị xé thành 63 nền kinh tế địa phương và nền kinh tế của chính phủ trung ương.

Chính phủ phân cấp quản lý và quy hoạch cho 63 tỉnh, thành, phân bổ nguồn tài nguyên, ngân sách. Các tỉnh, thành được chủ động quy hoạch phát triển kinh tế trên địa bàn của mình theo tư duy, chính sách tăng trưởng, phát triển giống nhau, cũng hô hào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, công nghiệp hóa - hiện đại hóa… bất chấp lợi thế riêng có, lợi thế cạnh tranh của từng địa phương.

Địa phương nào cũng xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp, mặc dù lợi thế sẵn có, lợi thế cạnh tranh của mình chủ yếu ở lĩnh vực nông nghiệp, còn công nghiệp chỉ là con số không. Đã có thời, có phong trào làm nhà máy đường, nhưng không có mía, nhà máy xi măng, cảng biển, sân golf, sân bay gần nhau… hoàn toàn không theo một kế hoạch thống nhất, hợp lý của nhà nước trung ương, trong khi chúng ta có đầy đủ các bộ, ngành quản lý. Có lẽ, đã đến lúc nên xem xét lại kiểu phân cấp này.

Từ những phân tích trên, có thể nói, nếu không xử lý các vấn đề theo tư duy đổi mới mà vẫn chưa thoát khỏi con đường mòn cũ, cách làm cũ thì e rằng, việc tái cấu trúc nền kinh tế sẽ rơi vào tình trạng “bình mới, rượu cũ”, hoặc thậm chí là “bình cũ, rượu cũ”, không đạt được kết quả mong muốn.  

TS PHẠM MINH TRÍ

Tin cùng chuyên mục