Tái cấu trúc nguồn nhân lực

Đó là yêu cầu cấp bách đối với TPHCM - nơi đang đối mặt với áp lực thiếu lao động phổ thông lẫn lao động có nghề một cách trầm trọng. Đúng như nhận định của các chuyên gia cao cấp, thị trường lao động Việt Nam, thời kỳ hậu khủng hoảng đang bị bệnh lâm sàng - hết “sốt nóng” - mất việc làm lại chuyển sang “sốt lạnh” thừa việc làm. Thế nhưng, bình tâm nhìn lại, chúng ta thấy “cơn khát” thiếu lao động ở phân khúc trình độ thấp, thiếu trình độ không có gì mới. Dự báo nó sẽ trầm kha hơn nếu không có giải pháp điều chỉnh phù hợp.

Thực tế cho thấy, những ngành nghề gia công thâm dụng lao động (may, dệt, giày da, điện tử, chế biến thực phẩm, thủy hải sản…) đang mất dần lợi thế dễ tuyển dụng vì thu nhập thấp, cường độ lao động, điều kiện làm việc ở khu vực này ít được cải thiện. Chính vì thế dòng lao động nhập cư vào phương Nam, trong đó có TPHCM đang có dấu hiệu đổi chiều hoặc chuyển dịch sang những công việc khác có thu nhập cao hơn, thay vì làm công nhân.

Hệ lụy của vấn đề sử dụng nhân công giá rẻ, ngành nghề thâm dụng lao động này đã được cảnh báo từ nhiều năm trước. Thế nhưng, đến giờ này TPHCM chậm có giải pháp điều tiết - giảm dần việc tiếp nhận lao động phổ thông, không nghề và thay thế bằng nhân lực có chất lượng cao hơn.

Theo đánh giá mới nhất của Viện Kinh tế TPHCM, dự báo năm 2010, lao động không có chuyên môn kỹ thuật của TPHCM vẫn chiếm tỷ lệ 65,6%. Rõ ràng, việc cân nhắc chọn lựa, xét duyệt dự án đầu tư nước ngoài cũng như hoạch định chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để thu hút các dự án, ngành nghề, lĩnh vực công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn vẫn chưa được TP giải quyết đúng hướng. Điển hình như TP đã xác định đầu tư phát triển các ngành nghề mũi nhọn, công nghệ cao, trong đó ưu tiên nguồn vốn để xây dựng khu công nghệ cao. Thế nhưng, đến giờ này các dự án lớn thuộc nhóm ngành vi điện tử, cơ khí chính xác, tự động hóa… đi vào hoạt động đã vướng vào rào cản - thiếu trầm trọng lao động có trình độ cao, chuyên nghiệp, kỹ năng tinh xảo, giỏi ngoại ngữ. Cụ thể như Tập đoàn Intel cần tuyển khoảng 4.000 - 5.000 lao động nhưng đỏ mắt tìm không đủ ứng viên. Nhiều chủ tập đoàn nước ngoài khác cũng đứng ngồi không yên khi máy móc đã vận hành nhưng người chưa tuyển đủ…

Do thiếu chuẩn bị nguồn nhân lực thích ứng - bắt kịp nhịp độ phát triển kinh tế nhanh nên TPHCM tuy có tiềm năng về vốn nhân lực cũng bị động trước tình trạng thiếu lao động ở các lĩnh vực, nhất là lao động có nghề, chất lượng cao. Chính lỗ hổng này đang kềm hãm tốc độ phục hồi và tăng GDP của TP năng động bậc nhất cả nước. Vì thế để tạo đà bứt phá đi lên, TP cần có giải pháp phát triển thị trường lao động trước mắt cũng như lâu dài nhằm rút ngắn khoảng cách mất cân đối về chất lượng nhân lực. Nếu không sớm tái cấu trúc lực lượng lao động phù hợp với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của TP, nhất là lĩnh vực công nghệ cao thì mục tiêu xây dựng những thương hiệu sản phẩm mang tầm quốc gia, có giá trị gia tăng cao chậm trở thành hiện thực.

Khánh Hà

Tin cùng chuyên mục