Tái cơ cấu kinh tế 2016-2020: Hai chỉ tiêu quan trọng không đạt kế hoạch

Dự thảo Đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016- 2020 được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu báo cáo tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, sáng 7-10. Theo đó, có hai chỉ tiêu quan trọng không đạt kế hoạch là tăng trưởng GDP và tăng trưởng tổng kim ngạch xuất khẩu.
Tái cơ cấu kinh tế 2016-2020: Hai chỉ tiêu quan trọng không đạt kế hoạch

(SGGPO).- Dự thảo Đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016- 2020 được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu báo cáo tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, sáng 7-10. Theo đó, có hai chỉ tiêu quan trọng không đạt kế hoạch là tăng trưởng GDP và tăng trưởng tổng kim ngạch xuất khẩu.

Cân đối lớn được bảo đảm, nhưng tăng trưởng không đạt

Theo Báo cáo, trong những tháng qua, nền kinh tế nước ta đã tiếp tục đà phục hồi, tăng trưởng, quý sau cao hơn quý trước. Tính chung 9 tháng năm 2016, GDP ước tăng 5,93%, tuy thấp hơn cùng kỳ năm trước (6,63%), nhưng cao hơn nhiều so với tốc độ tăng 6 tháng đầu năm (5,52%). Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 tăng 3,14% so với tháng 12-2015 chủ yếu do tăng giá dịch vụ công. Dự báo lạm phát cả năm dưới mức 5% do Quốc hội đề ra.

Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ đã được điều hành chủ động, linh hoạt phối hợp với chính sách tài khóa hướng tới mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô để ổn định phát triển kinh tế - xã hội. Đáng lưu ý, Chính phủ đã kịp thời thực hiện các chính sách hỗ trợ, giải quyết các khó khăn cho người dân tại các vùng bị thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển...

Xuất khẩu dệt may trong 9 tháng năm 2016 không đạt mục tiêu tăng trưởng. Ảnh: MỸ HẠNH

Bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế nước ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn. Đó là chất lượng tăng trưởng thấp, vẫn mang nặng mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư theo chiều rộng với hai yếu tố vốn và lao động; tỷ trọng yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng GDP từ 36,2% năm 2015 giảm xuống 34,4% năm 2016. Chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch ảnh hưởng đến việc thực hiện các chỉ tiêu về tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước trên GDP sẽ cao hơn mức Quốc hội đề ra; nợ công và nợ Chính phủ nếu không có sự điều chỉnh cơ cấu nợ, đến cuối năm 2016 cũng có thể cao hơn mức đã dự kiến. Việc thực hiện các đột phá lớn và tái cơ cấu trong các ngành, lĩnh vực còn chậm…

Các ý kiến tại phiên họp nhất trí với nhiều nội dung trong Báo cáo và lưu ý, việc có hai chỉ tiêu không đạt kế hoạch là tốc độ tăng trưởng GDP (ước đạt 6,3 - 6,5% so với kế hoạch đề ra là 6,7%) và tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 6 -7% so với kế hoạch đề ra là 10%.

Hoạt động cải cách hành chính tuy đã có chuyển biến, nhưng qua khảo sát, mức độ phục vụ hành chính của các cơ quan công quyền vẫn còn chưa tốt…

Phân tích những nguyên nhân khiến cho khả năng tăng trưởng GDP năm 2016 không đạt chỉ tiêu như Quốc hội giao, đại biểu Lê Minh Chuẩn (Đoàn Quảng Ninh) kiến nghị đẩy mạnh tiến độ thị trường hóa giá các loại hàng hóa, dịch vụ công như y tế, giáo dục và các mặt hàng thiết yếu (điện, nước...). “Cần chấm dứt sử dụng các biện pháp kiểm soát giá mang tính hành chính, dẫn tới méo mó thị trường, gia tăng thâm hụt ngân sách cũng như giảm hiệu quả điều hành của các công cụ là chính sách tiền tệ và tài khóa. Kiểm soát tăng trưởng và chất lượng tín dụng, tránh việc duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong thời gian quá dài dẫn tới hình thành bong bóng tài sản”, ông Chuẩn bình luận.

Cẩn trọng với rủi ro tài chính 

Đánh giá quá trình thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2011 - 2015, với tái cơ cấu thị trường tài chính, Chính phủ cho biết, đã giám sát chặt chẽ và sắp xếp lại các tổ chức tín dụng cổ phần yếu kém, có nguy cơ đổ vỡ, triển khai xử lý nợ xấu, lành mạnh hóa bảng cân đối tài sản của các tổ chức tín dụng, tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra, bảo đảm an toàn hệ thống. Thị trường tài chính ổn định, an toàn, thanh khoản được đảm bảo. Đến cuối tháng 12-2015, hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung đạt tỷ lệ an toàn vốn 13% (mức tối thiểu theo quy định là 9%) và đáp ứng đầy đủ các tỷ lệ về khả năng chi trả và tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn theo quy định của pháp luật. Lãi suất cho vay trung bình giảm từ 17,9%/năm trong năm 2011 xuống còn 9,08% năm 2015, tăng trưởng tín dụng dần được cải thiện…

Tuy vậy, tiến độ tái cơ cấu hệ thống tài chính, mà trọng tâm là các tổ chức tín dụng, được nhìn nhận là còn nhiều vướng mắc. Cụ thể, sự thay đổi về cơ cấu thị trường diễn ra chậm chạp, vai trò của thị trường vốn chưa đủ lớn, nhiều yếu kém có tính hệ thống và dài hạn của các tổ chức tín dụng chưa được giải quyết cơ bản, đặc biệt là vấn đề nợ xấu, sở hữu chéo và quản trị ngân hàng nhiều rủi ro, chưa xử lý dứt điểm một số ngân hàng thương mại rất yếu kém, đã có dấu hiệu phá sản. Rủi ro toàn hệ thống và rủi ro của từng tổ chức tín dụng còn rất lớn, cơ quan xây dựng báo cáo nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, lãi suất cho vay trong thời gian từ năm 2012 đến nay có xu hướng giảm, nhưng vẫn ở mức cao so với lạm phát và mức lãi suất của nhóm nước ASEAN-4.

Lãi suất mức nào là hợp lý?

Vẫn theo Báo cáo của Chính phủ, mục tiêu đề ra là cắt giảm lãi suất cho vay trung bình xuống mức chênh lệch hợp lý (từ 2 - 3%) so với mức lạm phát và có tính cạnh tranh so với mức lãi suất cho vay trung bình tại các nước trong khu vực.

Tuy nhiên, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, mục tiêu này rất khó cho điều hành và không hợp lý vì chính sách tiền tệ là chính sách ngắn hạn, nó hoàn toàn phụ thuộc vào tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều chỉnh.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng, lãi suất cho vay phải dựa trên lãi suất đầu vào cộng với chi phí của hoạt động trung gian tài chính. “Nếu đề án đưa ra mục tiêu thấp hơn lạm phát 2- 3%, mà ở giai đoạn 2016 - 2020 mục tiêu những năm đầu lạm phát 4% sẽ đưa về 3% vào 2020, trừ đi thì lãi suất cho vay chỉ 1% thì có hợp lý hay không, chưa kể còn trừ đi chi phí trung gian thì lãi suất huy động sẽ là 0 hoặc là âm?”, bà Nguyễn Thị Hồng nêu vấn đề.

Vẫn theo Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, lãi suất của Việt Nam (đang ở mức 9-10% đối với vay dài hạn) không có khác biệt lớn so với các các nước trong khu vực, thấp như Singapore là 5,5%, cao như Myanmar là 13%...

Có thể đạt tăng trưởng tín dụng 18-20%

Trả lời một số ý kiến tại phiên họp liên quan đến hoạt động tín dụng, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, đến hết tháng 9 -2016 tín dụng đã tăng 11,7%, cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Theo thông lệ, ở quý cuối năm, tăng trưởng tín dụng hàng tháng vào khoảng 2%, như vậy nhiều khả năng đạt chỉ tiêu định hướng 18 đến 20%.

Tỷ lệ nợ xấu tính đến tháng 8-2016 là 2,66 %, việc xử lý nợ xấu qua VAMC gặp rất nhiều khó khăn, do bất cập từ hành lang pháp lý.

Riêng với tín dụng bất động sản, Ngân hàng Nhà nước kiên quyết đảm bảo tính hiệu quả và tăng cường kiểm soát rủi ro. Trên thực tế, tín dụng bất động sản vẫn tăng nhưng với tốc độ chậm hơn rất nhiều so với 2015 (đến ngày 31-8-2016 tăng  6,72% so với 13,06% của cùng kỳ 2015).

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục