Những vụ lùm xùm, tiêu cực của một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước thời gian qua thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân cả nước. Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, hầu hết người dân đều phải tất bật cuộc mưu sinh, nhiều người phải chạy ăn từng bữa cho gia đình, nên mối quan tâm này thật dễ hiểu. Mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng nếu tận mắt chứng kiến hình ảnh những nữ công nhân sau giờ tan ca chỉ dám mua mớ rau muống đã ngả màu và vài con cá giá rẻ để làm bữa cơm chiều cho gia đình, chắc chắn không ai không đau lòng khi hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn tỷ đồng ngân sách - thực chất là tiền thuế của dân đã bị ném vào những “canh bạc” mang mỹ từ “đầu tư” một cách vô lối để rồi mất vốn.
Ai cũng biết, đầu tư, kinh doanh bao giờ cũng có lúc lãi, lúc lỗ nhưng không ai có thể chấp nhận việc đem tiền của đổ vào những dự án thiếu khả thi, cầm chắc phần thua.
Câu chuyện tàu Hoa Sen cũ kỹ, lạc hậu được Tập đoàn Vinashin mua với giá gần 1.300 tỷ đồng, sau khi sơn phết, thực hiện được một số chuyến hải hành đã phải nằm bờ chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Dư luận cho rằng, hàng loạt dự án trị giá hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn tỷ đồng đang bị lãng phí nghiêm trọng, phải sớm được đưa ra ánh sáng. Đó là yêu cầu hoàn toàn chính đáng, nhất là trong bối cảnh Đảng ta đang triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) trên phạm vi cả nước. Phải sớm loại bỏ những “con sâu” khỏi hàng ngũ của Đảng và bắt chúng chịu sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật - là một trong những yêu cầu bức thiết từ thực tế cuộc sống!
Không ai mong chờ cuộc khủng hoảng kinh tế xảy ra và cũng ít người dự báo được sự tác động to lớn, kéo dài của nó suốt mấy năm qua. Nhưng cũng từ đây đã bộc lộ rõ khả năng thực của nhiều doanh nghiệp, nhất là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước vốn được mệnh danh là những “anh cả đỏ” lừng lẫy một thời. Không phủ nhận những đóng góp to lớn của nhiều doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước nhưng cũng cần thẳng thắn thừa nhận sự yếu kém, thiếu hiệu quả đang ngày càng gia tăng trong khu vực kinh tế này. Sự yếu kém này không chỉ cản trở sự phát triển của nền kinh tế mà về lâu dài sẽ gây ra nhiều hệ lụy khó lường và làm phát sinh những bất ổn trong xã hội.
Theo một thống kê đáng tin cậy, từ năm 2001 đến nay, trong khi tỷ trọng vốn đầu tư của các DNNN ngày càng tăng cao thì đóng góp cho tăng trưởng GDP của khu vực này lại giảm mạnh. Trong khi đó, tỷ trọng vốn đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân chỉ chiếm khoảng 50% so với khu vực kinh tế nhà nước nhưng đóng góp cho tăng trưởng chung lại tăng gần gấp 3 lần (giai đoạn 2006 - 2010). Mặt khác, tỷ lệ tạo việc làm mới thấp, hiệu quả đầu tư giảm là những dấu hiệu cho thấy phải cấp thiết tái cơ cấu toàn diện các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Thực tế đòi hỏi bên cạnh việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại và tái cấu trúc đầu tư công, việc tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cần sớm được triển khai trên diện rộng. Đây là việc không đơn giản, không dễ thực hiện trong một thời gian ngắn mà đòi hỏi phải quyết liệt, kiên trì, triển khai đồng bộ.
Theo các chuyên gia kinh tế, để phát huy vai trò DNNN hiệu quả, cần đặt vào môi trường kinh doanh bình đẳng, có sự cạnh tranh trong nước lẫn quốc tế; chấm dứt việc bảo hộ, xóa bỏ cơ chế độc quyền của các DNNN; tách chức năng sở hữu và quản lý hành chính, đồng thời tăng cường sự giám sát nhằm nâng cao tính minh bạch.
Đó là điều kiện cần nhưng chưa đủ trong quá trình tái cấu trúc DNNN nói riêng, nền kinh tế nói chung. Thực tế hiện nay phần lớn DNNN đều có bộ máy quản lý và nhân sự cồng kềnh, kém hiệu quả. Tình trạng ít người làm việc và làm việc thực sự, nhiều người rỗi việc; nạn cào bằng quyền lợi giữa người làm nhiều và người làm ít, giữa người làm và người không làm; việc không rõ trách nhiệm đối với những cán bộ quản lý vi phạm các quy định của nhà nước, gây thất thoát cho đơn vị… khá phổ biến ở nhiều DNNN. Điều này cần được đại phẫu để triệt tiêu căn bệnh “cha chung không ai khóc”!
Tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nên chú trọng khâu sàng lọc, đào tạo - tái đào tạo, phân công nhiệm vụ, sử dụng nhân sự hợp lý hơn để phát huy tiềm năng chất xám phục vụ công cuộc đổi mới.
Thực tế cho thấy, những tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới, thậm chí các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và các công ty tư nhân trong nước có trình độ quản trị tốt, bộ máy nhân sự thường tinh gọn, hiệu quả. Cùng với các giải pháp mang tính vĩ mô, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là động lực quan trọng để tăng khả năng cạnh tranh nền kinh tế và bộ máy quản trị thời hội nhập.
Tô Nguyễn