(SGGPO).- Chiều 25-11, Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an TPHCM đã có buổi gặp gỡ với báo chí thông tin về loại tội phạm giả danh công an để lừa đảo.
Các đối tượng trong đường dây giả danh công an để lừa đảo tại cơ quan điều tra
Thượng tá Cao Xuân Lợi, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) - Công an TPHCM thông tin: đây là loại tội phạm lừa đảo có tổ chức do người Đài Loan - Trung Quốc cầm đầu bằng thủ đoạn gọi điện thoại đến các thuê bao cố định, thông báo nợ cước điện thoại và sau đó giả danh các cơ quan pháp luật (công an, viện kiểm sát, tòa án) đe dọa người dân có liên quan trực tiếp đến các vụ án ma túy, mua bán vũ khí, mua bán trẻ em... rồi yêu cầu người bị hại chuyển tiền vào các tài khoản ATM để rút ra chiếm đoạt Trong năm 2014, đã có 70 bị can, trong đó có 15 người Đài Loan - Trung Quốc bị bắt giữ và khởi tố. TAND TPHCM cũng đưa ra xét xử và tuyên phạt nhiều bị cáo với mức án tù rất cao. Thế nhưng sau một năm im hơi lặng tiếng (từ tháng 10-2014 đến tháng 10-2015), nay loại tội phạm này đã xuất hiện trở lại.
Trước tình hình trên, Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an TPHCM tiếp tục đề nghị cá nhân, cơ quan, tổ chức, các ngân hàng tăng cường cảnh giác để không trở thành người bị hại hoặc tiếp tay cho các đường dây lừa đảo hoạt động. Cụ thể:
- Đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật Nhà nước Việt Nam (công an, viện kiểm sát, tòa án) khi tiếp xúc, làm việc với công dân đều thực hiện bằng Giấy mời hoặc Giấy triệu tập, không làm việc thông qua điện thoại nếu chưa có thỏa thuận trước trực tiếp với người được mời. Việc thu giữ, tạm giữ đồ vật, tài sản của các cá nhân, tổ chức liên quan các hành vi vi phạm pháp luật đều thực hiện bằng văn bản theo đúng quy định.
- Cảnh giác với các cuộc gọi điện thoại thông báo nợ cước điện thoại vào các thuê bao cố định (điện thoại bàn). Đó là phương thức, thủ đoạn lừa đảo của băng nhóm tội phạm quốc tế, hoạt động xuyên quốc gia, do người Đài Loan - Trung Quốc cầm đầu, điều hành, chỉ đạo từ nước ngoài.
- Tuyệt đối không cung cấp số điện thoại cá nhân, thông tin về nhân thân, lai lịch cá nhân cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào khi chưa biết họ là ai và sử dụng vào mục đích gì.
- Tuyệt đối không được mua bán, cho mượn Giấy CMND, tài khoản cá nhân, các loại thẻ tín dụng do ngân hàng cấp, phát hoặc chuyển, nộp tiền vào bất kỳ tài khoản cá nhân, tổ chức nào khi chưa biết rõ họ là ai.
- Nếu nghi vấn hoặc phát hiện các cá nhân, tổ chức nào tham gia hoạt động lừa đảo hoặc số tài khoản nào được yêu cầu chuyển nộp tiền không lý do chính đáng như nêu trên, hoặc nếu đã bàn giao tài khoản của mình cho người khác sử dụng thì yêu cầu người dân báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để ngăn chặn, truy bắt kịp thời. Cơ quan điều tra - Công an TPHCM phát hiện cá nhân nào che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm sẽ bị xem xét xử lý nghiêm minh trước pháp luật.
- Đề nghị các Chi nhánh và Phòng giao dịch của các ngân hàng quán triệt thủ đoạn phạm tội và nội dung cảnh giác nêu trên cho tất cả các nhân viên giao dịch để lưu ý nhắc nhở lại khách hàng rút chuyển toàn bộ số dư tài khoản hoặc nộp tiền vào tài khoản của người lạ không có lý do rõ ràng.
Trước khi giả danh cơ quan pháp luật để lừa đảo, các băng nhóm tội phạm đều gọi điện thoại đến các thuê bao cố định thông báo nợ cước điện thoại. Bà Vũ Thị Tuyết Anh - Phó Trưởng Phòng kỹ thuật nghiệp vụ của Trung tâm kinh doanh VNPT tại TPHCM nêu một số lưu ý cần thiết khi nhận thông báo qua điện thoại: "Các cuộc gọi từ Trung tâm kinh doanh VNPT tại TPHCM không yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân như số CMND, số tài khoản và đặc biệt là không yêu cầu khách hàng chuyển tiền vào một số tài khoản nào đó, ngay cả số tài khoản của Trung tâm kinh doanh VNPT tại TPHCM. Khi thấy nghi ngờ về thông tin cước dịch vụ từ các cuộc điện thoại gọi đến thông báo, khách hàng có thể tra cứu thông tin cước trên website http://ebill.hcmtelecom.vn/ hoặc gọi đến tổng đài chăm sóc khách hàng (08)800126 để kiểm tra cước".
ÁI CHÂN