Theo báo Yomiuri (Nhật Bản) số ra ngày 2-6, tại Đối thoại Shangri-La, Trung Quốc đã nỗ lực thể hiện hình ảnh là một quốc gia tôn trọng và nhất quán mục tiêu xây dựng hòa bình. Tuy nhiên, nỗ lực này vẫn không làm giảm được lo ngại của cộng đồng quốc tế về “mối đe dọa Trung Quốc” khi Bắc Kinh đang đẩy mạnh việc trang bị quân sự và thâu tóm hải dương.
Thái độ lập lờ
Báo này bình luận: Sự tham gia của Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) Thích Kiến Quốc với “diễn xuất” về một thái độ ôn hòa tại Shangri-La đã không làm những nước chịu sự uy hiếp mạnh nhất về quân sự của Trung Quốc tin tưởng, ngược lại còn thể hiện sự cảnh giác và thiếu tin tưởng trước thực tế và lời nói của đại diện Trung Quốc. Điều này nói lên giữa Trung Quốc và các nước láng giềng vẫn còn khoảng cách rất lớn.
Trong bài phát biểu của mình, tướng Thích Kiến Quốc nhấn mạnh về “giấc mơ Trung Quốc” - khẩu hiệu mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nêu ra - trong đó cho rằng đây không chỉ là giấc mơ của Bắc Kinh mà còn là giấc mơ của các nước châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời khẳng định tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đóng vai trò quan trọng đối với khu vực.
Phó Tổng Tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc cũng không quên khẳng định “Trung Quốc không có chủ trương gây căng thẳng và dùng vũ lực” và muốn thông qua đối thoại để giải quyết vấn đề. Đây được xem như màn phản biện tích cực của Bắc Kinh đối với những lo ngại về mối đe dọa từ Trung Quốc.
Sau phát biểu của tướng Thích Kiến Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin đã bày tỏ thái độ thất vọng khi trò chuyện với giới báo chí. Ông Gazmin cho rằng, những vấn đề đang xảy ra trên biển Đông sẽ khó có thể giải quyết khi Trung Quốc tỏ thái độ “lập lờ”. Ông Gazmin tỏ ra bi quan: “Họ nói quá nhiều thứ tốt đẹp trong lúc này, phương tiện hòa bình và mọi thứ tốt đẹp. Chúng tôi hy vọng những lời nói đó được biến thành hành động trong những diễn biến tại biển Đông”.
Nói một đàng, làm một nẻo
Tờ Toronto Sun, Canada, ngày 2-6 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng nước này, ông Peter MacKay, cho rằng Trung Quốc đang tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết khu vực biển Đông và các quốc gia, vùng lãnh thổ có liên quan đến tranh chấp lãnh hải này, các hành động của Trung Quốc đang đi ngược lại luật pháp quốc tế. Ông P.MacKay nói: “Tôi đã gặp một số người đồng cấp tại Singapore trong những ngày qua và họ gần như đồng thanh kêu gọi Trung Quốc phải tôn trọng thẩm quyền, chủ quyền của họ”.
Báo Yomiuri cũng phân tích rằng giữa lời nói và hành động của Trung Quốc có nhiều mâu thuẫn. Trên các diễn đàn quốc tế, Trung Quốc đều nhấn mạnh hai chữ “hòa bình” nhưng thực tế là giới quân sự Trung Quốc lại có những quan điểm khác trong vấn đề biển Đông.
Giáo sư Trương Chiêu Trung, Thiếu tướng thuộc Đại học Quốc phòng Trung Quốc, trong một bài thuyết giảng tại Bắc Kinh hồi tháng 5 vừa qua cho biết, Trung Quốc chỉ cần sử dụng 1 hạm đội tàu là có thể “thâu tóm toàn bộ các đảo ở biển Đông”. Trong một phát biểu khác, vị giáo sư này cũng cho biết các hạm đội Nam Hải, Bắc Hải, Đông Hải sẽ tiến hành các hoạt động huấn luyện quy mô lớn trên biển Đông. Điều này cho thấy Trung Quốc đang cố tình tăng thêm áp lực đối với các quốc gia liên quan.
Trong khi đó, Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản cho biết, sáng 3-6, 3 tàu hải giám và một tàu ngư chính Trung Quốc đã xuất hiện ở ngay bên ngoài các vùng lãnh hải của Nhật Bản, xung quanh quần đảo tranh chấp Senkaku (Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư) trên biển Hoa Đông. Đây là ngày thứ 7 liên tiếp tàu Trung Quốc bị phát hiện ở xung quanh quần đảo do Nhật Bản kiểm soát.
VIỆT ANH (tổng hợp)