Những vụ việc ở môn bóng đá gây xôn xao dư luận gần đây như vụ 2 cầu thủ đội U-21 đi quán bar trong thời gian đá giải, hay vụ 2 cầu thủ thường đá dự bị ở Bình Dương kiện CLB của mình để đòi đủ tiền bồi dưỡng, cho thấy vấn đề đạo đức trong bóng đá Việt Nam đã không chỉ nhức nhối với những hành vi thiếu văn hóa trên sân cỏ mà là sự tha hóa trong đời sống bóng đá, rất cần có một cuộc chấn hưng mạnh mẽ trước khi nghĩ đến chuyện phát triển trong tương lai.
Ví dụ việc 2 tuyển thủ quốc gia U-21 đi quán bar. Về mặt quản lý, họ đã nhận hình phạt khiển trách và sau đó cũng đã lập công giúp đội U-21 vô địch giải quốc tế. Nhưng về mặt đạo đức thì có quá nhiều chuyện không thể bỏ qua. Đầu tiên là thái độ coi thường kỷ luật tập thể khi sinh hoạt ngoài giờ, không tuân thủ nội quy. Kế đến, ý thức của họ quá kém khi mặc áo tuyển thủ quốc gia vào quán bar, gây phản cảm, hạ thấp giá trị ý nghĩa chiếc áo mà họ đang mặc. Trong khi đó, là các cầu thủ U-21 này đều đến từ các CLB chuyên nghiệp, đã và sẽ thi đấu chuyên nghiệp trong thời gian ngắn sắp đến. Nhưng ngay khi là một tuyển thủ quốc gia mà không có ý thức tôn trọng bản thân thì liệu có tin rằng họ sẽ thể hiện tính chuyên nghiệp trong màu áo CLB?
Từ đó mới thấy, những thông tin về một bộ phận không nhỏ cầu thủ Việt Nam, kể cả ngôi sao hoặc tuyển thủ quốc gia, thường xuyên đập đá (một chất ma túy tổng hợp), ăn chơi thâu đêm suốt sáng hay tham gia cá độ dẫn đến nợ nần đến mức bị CLB sa thải… không còn là chuyện nhỏ nữa. Bởi một khi họ sinh hoạt vô kỷ luật thì chắc chắn sẽ dẫn đến thái độ phi thể thao trên sân cỏ.
Điều đáng nói, những cầu thủ có hành vi xấu trên sân cỏ hoặc có lối sinh hoạt bừa bãi nói trên đa phần là những người chơi bóng giỏi, thu nhập cao. Không thể giải thích rằng “có tài - có tật” vì thực tế cho thấy, một cầu thủ có đạo đức chưa chắc đá bóng hay nhưng đã là ngôi sao sân cỏ thì dứt khoát phải có đạo đức. Nhất là trong bóng đá chuyên nghiệp, là một nghề nghiệp có thu nhập cao, cầu thủ càng có ý thức chuyên nghiệp, trình độ văn hóa cao thì chơi bóng càng giỏi, tuổi nghề càng cao.
Nói đi cũng phải nói lại, đạo đức cầu thủ bị suy thoái, văn hóa trên sân cỏ sa sút có phần lỗi rất lớn của các nhà quản lý. Bắt đầu từ việc đào tạo khi chỉ chú trọng dạy đá bóng mà lơ là việc dạy văn hóa. Đây là lý do mà bầu Đức kiên quyết “bắt” các cầu thủ của Học viện HA.GL phải hoàn tất chu kỳ học tập, tăng thêm thời gian tập huấn nước ngoài để khi họ thật sự bước chân vào thi đấu chuyên nghiệp đã hội đủ cả tài năng bóng đá lẫn đạo đức con người. Những nhà quản lý còn làm “hư” cầu thủ khi ký hợp đồng vô tội vạ, chỉ dựa trên tên tuổi, thay vì phải đánh giá toàn diện về đạo đức cũng như ý thức sinh hoạt xã hội của họ. Cũng có những CLB đặt tiêu chí tuyển người đầu tiên phải là đạo đức, ý thức đoàn kết nội bộ, nhưng đa số CLB lại hoàn toàn không đưa các tiêu chí về đạo đức vào hợp đồng. Thậm chí, trong quá trình thi đấu còn tìm cách giấu giếm, bao che các hành vi phản đạo đức của cầu thủ đội mình đến khi chịu không nổi thì sa thải, dẫn đến kiện cáo, nói xấu nhau.
Bóng đá Việt Nam vừa trải qua niềm vui mà đội U-19 với nòng cốt là các tuyển thủ của Học viện HA.GL mang lại thì đã vướng nỗi buồn từ đội U-21 quốc gia. Hai sự việc đó cho thấy, để có một nền bóng đá tử tế, phát triển trên nền tảng vững bền thì cái cần thiết phải chấn hưng đạo đức đi kèm với việc đào tạo và phát triển tài năng của cầu thủ Việt.
VIỆT QUANG