Vừa qua, nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng xảy ra, khiến dư luận bàng hoàng. Tài xế lái xe container đâm hàng loạt xe máy ở Long An làm nhiều người chết, rồi trước đó là vụ nữ tài xế BMW gây tai nạn ở ngã tư Hàng Xanh… khi đã nhậu nhẹt cho thấy ý thức chấp hành giao thông xuống cấp nghiêm trọng. Nguyên nhân vì sao, và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước ở đâu là vấn đề cần đặt ra.
Trước con số khổng lồ mỗi năm Việt Nam có đến 15.000 người chết vì TNGT, mà nhiều người cho rằng còn hơn cả chiến tranh, khiến việc ra đường của người dân trở thành nỗi ám ảnh. Thế nhưng, lẽ ra Quốc hội phải tăng chế tài xử phạt để răn đe, nhằm hạn chế TNGT thì lại nới rộng cửa với sai phạm. Cụ thể, theo quy định của Bộ luật Hình sự 2009, người vi phạm quy định về giao thông đường bộ gây thiệt hại sức khỏe người khác với tỷ lệ thương tật 31% bị xử lý hình sự, nhưng Bộ luật Hình sự mới năm 2015 lại tăng mức gây thiệt hại sức khỏe cho người khác lên 61% mới xử lý hình sự - gấp đôi so với quy định cũ. Theo nhiều chuyên gia, đây là một trong những lý do khiến ngày càng có nhiều người xem thường pháp luật, dẫn đến nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra.
Rồi việc thực thi pháp luật có nhiều… vấn đề, cũng khiến dư luận bức xúc trong thời gian qua. Mấy tháng trước, Công an thị xã Dĩ An - Bình Dương không khởi tố tài xế không có bằng lái xe đâm chết 2 người, khiến dư luận phẫn nộ. Dù luật quy định rõ, không có bằng lái thuộc khung hình phạt tăng nặng, nhưng Công an thị xã Dĩ An tự nhận định “dù không có bằng lái nhưng tài xế có khả năng lái xe” và không khởi tố hình sự đối với tài xế. Dư luận phẫn nộ thì công an tỉnh mới rút hồ sơ lên để khởi tố.
Một bất hợp lý nữa là nếu cán bộ khởi tố vụ án dẫn đến oan sai thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự và bị bồi thường thiệt hại, nhưng nếu không khởi tố bị can, gia đình nạn nhân có khiếu nại thì cán bộ có sai cũng chỉ bị xử lý hành chính theo quy trình nội bộ. Do vậy, cán bộ chọn phương án thà bỏ sót còn hơn bắt nhầm. Ngoài ra, công an còn có quyền rất lớn trong việc lập hồ sơ xử lý vụ việc, vì chứng cứ quan trọng nhất đối với án giao thông là sơ đồ hiện trường, nhưng sơ đồ là do công an tiến hành, gia đình nạn nhân không được tham gia, nên việc đúng - sai phụ thuộc vào hồ sơ, mà không thể kiểm chứng. Điều đó khiến dễ xảy ra tiêu cực.
Chuyên gia giao thông Phạm Sanh cho rằng, điều 65 của Luật Giao thông Đường bộ năm 2008 quy định về thời gian làm việc của người lái ô tô. Theo đó, tài xế đường dài không được lái quá 10 giờ trong một ngày và không được lái xe liên tục quá 4 giờ. Luật quy định là vậy, nhưng thực tế cho thấy, nhiều tài xế xe container, xe khách, xe đường dài, xe taxi vẫn làm việc xuyên đêm mà không bị xử lý kịp thời. Chính điều này đã dẫn đến không ít vụ tai nạn thương tâm xảy ra do tài xế chạy bất chấp thời gian. Điển hình là vụ tai nạn xe rước dâu ở Quảng Nam khiến 13 người tử vong do tài xế ngủ gật vì chạy xe liên tục nhiều giờ, nhiều ngày không được nghỉ ngơi.
Việc tài xế lái xe quá thời gian quy định gây tai nạn thảm khốc bị xử lý theo luật hình sự. Còn không gây ra tai nạn thì xử lý theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Theo đó, người lái ô tô chở khách điều khiển phương tiện quá 10 giờ trong một ngày và lái xe liên tục quá 4 giờ thì bị xử phạt ở mức từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng, đồng thời bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1-3 tháng. Quy định pháp luật rất chặt chẽ, tuy nhiên để phát hiện vi phạm (nếu không xảy ra tai nạn) không phải dễ dàng. Thực tế có nhiều nhà xe để tiết kiệm kinh phí nên chỉ thuê một lái xe. Ngoài ra, do sức ép cạnh tranh, thiếu lái xe, nhiều chủ xe chỉ có một lái xe chính, còn lại chủ xe và lái phụ. Hai đối tượng này lại không có bằng lái phù hợp và khi tài xế chính nghỉ ngơi, phụ lái hay chủ xe cầm lái thay càng gây thêm mối nguy hiểm. Theo Cục Cảnh sát Giao thông (C67), Bộ Công an, việc phát hiện những trường hợp vi phạm này rất khó khăn. Nhiều trường hợp sau khi TNGT xảy ra thì mới phát hiện được.
Tình trạng tài xế uống rượu bia rồi điều khiển xe là hành vi cực kỳ nguy hiểm, cần phải xử lý nghiêm. Luật Giao thông đường bộ đã có quy định chế tài rất rõ đối với hành vi điều khiển ô tô, xe máy sau khi đã uống rượu bia. Về việc này, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ - đường sắt CATP TPHCM cho biết, trong thời gian qua có nhiều vụ TNGT liên quan đến xe container, xe tải, ô tô gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Cũng theo thông tin từ đơn vị này, số người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn ngày càng gia tăng. Trong 10 tháng năm 2018, các đội trực thuộc của đơn vị đã xử lý 21.107 trường hợp vi phạm, so với cùng kỳ tăng hơn 2.000 trường hợp. Thực tế cho thấy tình trạng người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn kéo theo TNGT tăng cao.
Điều đáng nói là đội ngũ lái xe container, xe tải, xe khách chắc chắn có nhiều lái xe nghiện ma túy hay các chất kích thích khác mà điển hình là tài xế gây tai nạn ở Bến Lức, Long An qua kiểm tra đã xác định dương tính với ma túy. Những nguy cơ về tình trạng lái xe tải, xe container nghiện ma túy gây tai nạn hiển hiện rõ ràng như vậy, song hiện nay việc kiểm tra xử lý của CSGT được xem là rất khó khăn. CSGT chỉ kiểm tra với các trường hợp lái xe vi phạm tốc độ, rượu bia chứ chưa phối hợp kiểm tra, phát hiện được lái xe nghiện ma túy. Nguyên nhân là thiếu thốn về trang thiết bị cũng như sự phối hợp lỏng lẻo, chưa chặt chẽ của các cơ quan chức năng có liên quan với lực lượng CSGT hay thậm chí là thái độ chống đối của doanh nghiệp, các lái xe. Đa số vụ phát hiện lái xe nghiện ma túy là khi sự việc đã xảy ra rồi, có nghĩa là trong các vụ khám nghiệm TNGT.
Liệt kê hàng loạt bất cập như vậy để thấy rằng, trong tất cả các cơ quan, các bộ phận liên quan cần rà soát lại việc thực thi trách nhiệm của mình. Xem mình đã làm hết trách nhiệm chưa? Điều gì còn vướng thì kiến nghị điều chỉnh. “Phía trước tay lái là sự sống”, do vậy, các ban, ngành, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi cá nhân hãy làm hết sức mình vì sự sống của mọi người và trong nhiều trường hợp có thể là của chính mình và người thân của mình.