Trong thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ, nhân tố quan trọng trong phương châm chỉ đạo tác chiến chuyển từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc” được coi là “một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy” nhưng lại là một quyết đoán táo bạo, kịp thời biểu thị tài năng, bản lĩnh của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp.
Thay đổi tác chiến
Ngày 1-1-1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được Bộ Chính trị cử làm Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy chiến dịch. Ngày 5-1-1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Trưởng đoàn cố vấn Trung Quốc lên đường ra mặt trận. Sáng ngày 12-1, tại Tuần Giáo, khi nghe tướng Hoàng Văn Thái báo cáo tình hình và phương án tác chiến, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã sớm nhận thấy “ngay bây giờ đánh nhanh đã khó. Rồi đây hẳn càng khó” và tự xác định “cần tìm hiểu thêm tình hình”.
Chiều hôm đó đến Chỉ huy sở ở Thẩm Púa, Đại tướng hội ý Đảng ủy mặt trận và tất cả đều tán thành chủ trương “đánh nhanh thắng nhanh”, phấn khởi và tin tưởng rằng có thể giành thắng lợi trong vài ngày đêm. Tối hôm đó, Đại tướng lại gặp Trưởng đoàn cố vấn Vi Quốc Thanh. Cố vấn Vi tán đồng phương án đánh sớm, đánh nhanh do cán bộ tham mưu Việt Nam và cố vấn Trung Quốc nhất trí đề xuất. Đại tướng nêu lên một số băn khoăn, nhưng sau khi suy tính, Trưởng đoàn cố vấn Trung Quốc vẫn khẳng định: “Nếu không tranh thủ đánh sớm khi địch còn đứng chân chưa vững, để nay mai chúng tăng quân và củng cố công sự thì không đánh được, ta sẽ bỏ mất thời cơ”.
Tuy nhiên, với tư tưởng chỉ đạo của trung ương và kinh nghiệm dày dạn, sự nhạy bén của một Tổng tư lệnh, Đại tướng thấy rõ “phương án đánh nhanh thắng nhanh là quá mạo hiểm” và tự xác định trách nhiệm phải thay đổi cách đánh, thay đổi phương châm tác chiến của chiến dịch.
Một quyết đoán táo bạo, khó khăn
Tuy đã tự nhận thức một cách sâu sắc là phải thay đổi cách đánh, không thể đánh nhanh thắng nhanh, nhưng khó khăn lớn của Đại tướng là toàn thể Đảng ủy, Bộ Chỉ huy chiến dịch và Cố vấn Trung Quốc lại nhất trí với chủ trương đánh nhanh. Đây là trường hợp chân lý không thuộc về số đông và tình trạng cô đơn của một trí tuệ lớn sắc sảo hơn người. Hơn nữa đây lại là chiến tranh, Tổng tư lệnh có thể ra lệnh và dĩ nhiên toàn quân phải phục tùng. Nhưng nhận thức không thống nhất thì ý chí sẽ bị phân tán, không thể phát huy hết tinh thần chiến đấu của quân đội, không thể thực hiện sức mạnh của chiến tranh nhân dân, trong đó con người giữ vai trò quyết định.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khi giao nhiệm vụ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng nhấn mạnh “phải chắc thắng mới đánh” cũng đề ra yêu cầu phải giữ gìn sự thống nhất trong chỉ huy: “Tướng quân tại ngoại, giao cho chú toàn quyền. Có vấn đề gì khó khăn, bàn thống nhất trong Đảng ủy, thống nhất với cố vấn, cứ quyết định rồi báo cáo sau”. Phải làm sao chuyển hóa được nhận thức đó, phải có thời gian và thực tế để chứng minh phương án “đánh nhanh thắng nhanh” là mạo hiểm, không chắc thắng và có thể dẫn đến tổn thất lớn, thậm chí thất bại, để từ đó nhất trí thay đổi cách đánh. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thực hiện được chuyển biến đó một cách tài tình.
Trước hết, Đại tướng phải tạm thời chấp nhận phương án đã thống nhất trong Đảng ủy, Bộ Chỉ huy chiến dịch và cố vấn Trung Quốc. Ngày 14-1, ông triệu tập hội nghị cán bộ, phổ biến mệnh lệnh chiến đấu và dự kiến trận đánh sẽ diễn ra trong 2 ngày 3 đêm, giờ nổ súng là 17 giờ ngày 20-1-1954. Công việc chuẩn bị được triển khai rất khẩn trương trong tinh thần quyết tâm rất cao của quân đội. Đồng thời, ông chỉ thị cho cơ quan tham mưu theo dõi chặt chẽ tình hình địch và phân công các thành viên Bộ Chỉ huy đi kiểm tra đôn đốc các đơn vị triển khai công việc chuẩn bị, nhất là việc kéo pháo vào trận địa.
Theo báo cáo của Cục Quân báo, binh lực của địch đã được tăng cường thêm 1 tiểu đoàn, thêm nhiều xe tăng, pháo 105, 155 ly, các cứ điểm đang được xây dựng kiên cố, các công sự có hàng rào dây thép gai, bãi mìn dày đặc… Rõ ràng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã hình thành. Trong lúc đó công việc kéo pháo bằng tay của ta gặp nhiều khó khăn vì địa hình nhiều dốc cao, vực thẳm, lại bị máy bay và pháo địch bắn phá cản đường, trung bình mỗi giờ chỉ di chuyển được khoảng 150 - 200m. Bộ Chỉ huy huy động hai đại đoàn làm nhiệm vụ mở đường kéo pháo, dự kiến hoàn thành trong 3 đêm. Thế nhưng sau 7 đêm, đến ngày 19-1, pháo vẫn chưa vào vị trí. Thời gian nổ súng phải lùi lại 5 ngày, tức hoãn đến ngày 25-1-1954. Tuy nhiên trước đó, ngày 24-1, một chiến sĩ của ta bị bắt và phát hiện địch đã nắm được giờ nổ súng của ta nên Đại tướng quyết định lui giờ nổ súng vào 17 giờ ngày 26-1.
Sau nhiều ngày đêm suy tính, cân nhắc mọi mặt, nhất là đêm 25-1 không thể nào chợp mắt được, Đại tướng đi đến một quyết đoán táo bạo là phải kiên quyết thay đổi ngay cách đánh, phải chuyển từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc”. Vấn đề là làm sao để thực hiện được quyết đoán đó trên cơ sở tranh thủ được sự đồng tình của cố vấn Trung Quốc và thuyết phục được Đảng ủy và Bộ Chỉ huy chiến dịch.
Mờ sáng ngày 26-1, Đại tướng cùng người phiên dịch Hoàng Minh Phương gặp ông Vi Quốc Thanh. Đại tướng phân tích sự phát triển và thay đổi của địch và những khó khăn của quân đội ta, khẳng định “nếu đánh là thất bại”. Trên cơ sở đó, Đại tướng đề nghị ra lệnh hoãn cuộc tiến công chiều nay và chuẩn bị lại theo phương châm “đánh chắc tiến chắc”. Sau một lúc suy nghĩ, Trưởng đoàn cố vấn Trung Quốc đã đồng ý với đề xuất mới của Đại tướng và cuộc gặp gỡ chỉ diễn ra trong khoảng nửa giờ.
Ngay sau đó, Đại tướng triệu tập Đảng ủy mặt trận để thảo luận về chủ trương thay đổi phương án tác chiến. Cuộc thảo luận diễn ra không đơn giản, lúc đầu mọi người im lặng trong băn khoăn. Sau đó lần lượt phát biểu, mỗi người mỗi ý nhưng đều muốn quyết tâm đánh vì toàn quân đã ở tư thế sẵn sàng, không muốn lui quân, kéo pháo ra, chuẩn bị lại từ đầu theo phương châm mới. Cuộc họp phải dừng lại một lúc. Khi tiếp tục, Đại tướng đặt vấn đề yêu cầu cao nhất là đánh phải chắc thắng, nếu đánh như cũ có chắc thắng trăm phần trăm không?
Từ câu hỏi đó, mọi người mới tỉnh táo nhận ra còn nhiều khó khăn chưa thể khắc phục được và đi đến nhất trí với chủ trương mới, thay đổi cách đánh từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Đến trưa 26-1, sau khi tạo nên sự nhất trí với cố vấn Trung Quốc và Đảng ủy mặt trận, Đại tướng ra lệnh hoãn cuộc tiến công, các đơn vị lui về địa điểm tập kết và kéo pháo ra.
Công việc chuẩn bị cho chiến dịch được tổ chức lại theo phương châm chỉ đạo tác chiến mới gặp không ít khó khăn nhưng bảo đảm cho thắng lợi của một trận quyết chiến chiến lược. Ngày 7-5-1954 toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ với 21 tiểu đoàn phòng ngự trong một hệ thống của những trung tâm đề kháng và cứ điểm có công sự kiên cố được coi là mạnh nhất Đông Dương đã bị tiêu diệt.
Trong chỉ đạo chiến dịch, sự thay đổi phương châm chỉ đạo tác chiến là một nhân tố quyết định. Từ năm 1983, nhà sử học Pháp George Boudarel đã từng tham gia cuộc kháng chiến, nhận thấy hậu quả vô cùng nguy hiểm của phương châm đánh nhanh với bài báo “Tướng Giáp suýt thất bại ở Điện Biên Phủ”. Thay đổi phương châm đó là một quyết đoán táo bạo, kịp thời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông là người đã thấy ngay tính mạo hiểm, hậu quả nguy hại của lối đánh nhanh ngay từ đầu và kiên trì chủ trương phải đánh chắc thắng. Điều quan trọng nhất là bằng tất cả tài năng của mình, ông đã làm chuyển biến từ chủ trương đánh nhanh được sự nhất trí của Đảng ủy mặt trận và các cố vấn Trung Quốc sang chủ trương đúng đắn của ông.
Đây không phải là sự thay đổi áp đặt từ trên xuống bằng mệnh lệnh, cũng không phải sự tranh cãi trên lý lẽ mà là sự kiên nhẫn chờ đợi để hội đủ các căn cứ thực tế, đủ sức thuyết phục mọi người, tạo nên sự thay đổi về nhận thức, sự nhất trí tự nguyện trên một chủ trương mới. Đấy là một quyết đoán táo bạo, kịp thời, đúng lúc, biểu thị tài thao lược kiệt xuất, bản lĩnh và năng lực tổ chức tuyệt vời của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp.
GS-NGND PHAN HUY LÊ
Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam
Trao tặng chân dung ghép ảnh 103 nụ cười của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
(SGGP).- Ngày 5-5, Đồn biên phòng Roòn (Quảng Bình), đơn vị được giao nhiệm vụ bảo vệ khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Vũng Chùa - Đảo Yến, xã Quảng Đông, Quảng Trạch cho biết đã có gần 800.000 lượt người đến viếng mộ Đại tướng từ ngày an táng đến nay.
Tại cuộc triển lãm ngoài trời ở Vũng Chùa với chủ đề “Điện Biên Phủ - Thiên sử vàng chói lọi”, ông Vũ Quốc Khánh, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, đã trao tặng bức chân dung “103 nụ cười của Đại tướng Võ Nguyên Giáp” cho nhân dân Quảng Bình (ảnh). Bức ảnh được ghép từ hàng ngàn bức ảnh nhỏ với các chân dung khác nhau của Đại tướng qua những năm tháng hoạt động cách mạng.
MINH PHONG