* Nhà tôi có 5 người, tôi hưu trí, 3 con tôi là sinh viên, công chức đều có bảo hiểm y tế (BHYT), chỉ còn vợ tôi (59 tuổi) làm nội trợ là chưa có thẻ BHYT. Vợ tôi ra UBND phường Trung Mỹ Tây hỏi mua BHYT thì phường yêu cầu phải có bản chính thẻ BHYT của 4 người còn lại. Yêu cầu trên theo quy định nào? (ông Nguyễn Văn Tư, ngụ phường Trung Mỹ Tây, quận 12, TPHCM)
- Ông CAO VĂN SANG, Giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM: Người đại diện hộ gia đình chỉ cần kê khai tình trạng về BHYT của các thành viên trong hộ. Người dân không cần phải cung cấp thẻ BHYT của những người đã có thẻ, trừ trường hợp cần được giảm mức đóng. Vợ của ông là người duy nhất còn lại trong hộ chưa có thẻ BHYT (không có người thứ 2 để giảm mức đóng), nên không cần chứng minh bằng thẻ BHYT của những người khác.
Bảo hiểm xã hội TPHCM đã thường xuyên nhắc nhở Bảo hiểm xã hội cấp quận, huyện kiểm tra đại lý cấp phường, xã để ngăn chặn phát sinh thêm thủ tục. Dựa trên địa chỉ ông cung cấp, chúng tôi sẽ kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng trên ở phường này.
* Giá dịch vụ y tế tăng nhiều, vậy người có thẻ BHYT có phải tốn kém thêm các chi phí gì không? (hoanghuyen…@yahoo.com.vn)
- Đợt tăng giá dịch vụ y tế sắp tới là tăng thêm chi phí phụ cấp trực 24/24 giờ, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật và tiền lương cho người trực tiếp khám, chữa bệnh. Còn 3 yếu tố nữa (khấu hao tài sản cố định, tiền lương gián tiếp và chi phí đào tạo, nghiên cứu) chưa được tính đến. Do vậy nhà nước vẫn còn bao cấp một phần. Riêng các cơ sở y tế ngoài công lập không được bao cấp nên vẫn thu thêm những khoản này. Ngoài ra, một số kỹ thuật điều trị mới và thuốc hoặc vật tư y tế chưa được Bộ Y tế cập nhật vào danh mục nhưng bệnh viện sử dụng thì người bệnh vẫn phải trả thêm (nếu chấp nhận sử dụng). Tất nhiên phần đồng chi trả (tùy từng đối tượng), người bệnh vẫn phải trả như hiện nay.
* Tôi nghĩ BHYT là chuyện cá nhân, cho từng cá nhân, tại sao lại phải là BHYT theo hộ gia đình? Các bệnh viện thường chia khu khám dịch vụ và khám BHYT, giờ tất cả mọi người phải tham gia BHYT thì bệnh viện có khám dịch vụ không? (dangvantrang80…@gmail.com)
- Một trong các nguyên tắc chủ yếu của bảo hiểm (trong đó có BHYT) là nguyên tắc “số đông bù số ít”, cụ thể là thu ít tiền của nhiều người để chi nhiều tiền cho ít người. Muốn vậy, phải có sự san sẻ giữa những người tham gia BHYT. Nếu chỉ khi nào có bệnh mới tham gia (tình trạng này phổ biến khi áp dụng BHYT tự nguyện) thì không thể đảm bảo cân đối quỹ BHYT. Cụ thể, năm 2014, tại TPHCM, có 950.000 người tự nguyện tham gia BHYT (mức đóng 621.000 đồng/người/năm) thì TP đã bội chi 1.442 tỷ đồng. Nghĩa là bình quân mỗi người đã sử dụng quá phần đóng góp lên đến hơn 1,5 triệu đồng và nếu muốn tự cân đối thì mức thu phải trên 2 triệu đồng/người/năm (quá cao so với khả năng tự đóng của đa số người dân). Chính vì thế, chúng ta đã chuyển từ BHYT tự nguyện sang bây giờ là BHYT hộ gia đình. Sự san sẻ trước hết và không đâu bằng thực hiện ngay tại hộ gia đình, gia đình san sẻ trước, tiếp đó là xã hội.
Còn việc tổ chức khám dịch vụ là của ngành y tế, cơ quan BHXH không thể can thiệp. Tôi chia sẻ thêm thế này, giá viện phí thời gian tới sẽ tăng có lộ trình, theo hướng có tính đến tất cả chi phí tiền lương cho nhân viên ngành y tế. Lúc đó, ai có thẻ BHYT mới thấy được hết giá trị của thẻ để xài và cần có thẻ để xài. Khi toàn dân tham gia BHYT thì hình thức khám dịch vụ sẽ thu hẹp và chiếm tỷ lệ rất nhỏ.