Tai tiếng doping: Tuyển Nga sẽ bị chú ý đặc biệt

Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) cho biết họ sẽ để ý mọi động tĩnh của cầu thủ tuyển Nga trong quá trình diễn ra Euro để giám sát xem liệu có việc sử dụng chất cấm hay không.

Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) cho biết họ sẽ để ý mọi động tĩnh của cầu thủ tuyển Nga trong quá trình diễn ra Euro để giám sát xem liệu có việc sử dụng chất cấm hay không.

Hãng truyền thông ARD của Đức khẳng định rằng họ đang nắm trong tay các tư liệu chứng minh việc sử dụng doping của một số VĐV Nga được bảo vệ một cách có hệ thống. Bộ trưởng Thể thao nước này là Vitaly Mutko phải nhận cáo buộc đích danh.

Người phụ trách sản xuất chương trình của ARD nói với tờ Telegraph (Anh) rằng họ không nêu chính xác tên cầu thủ dính dáng đến scandal hoặc thông tin liệu anh ta có phải là thành viên tuyển Nga tham dự Euro hay không. Tuy vậy, đội bóng mà cầu thủ này đang thi đấu sẽ được công bố.

Điền kinh Nga đã bị cấm tham dự các giải đấu quốc tế từ tháng 11 năm ngoái sau khi một cuộc điều tra phơi bày bằng chứng về nạn sử dụng doping. Mới đây, hơn 20 VĐV điền kinh Nga lại tiếp tục không thể vượt qua cuộc kiểm tra chất cấm giám định mẫu thử B của họ còn lưu lại từ Olympic 2008 và 2012.

Cầu thủ Nga ăn mừng bàn thắng trong trận đấu tại vòng loại với Thụy Điển.

“Chúng tôi có nhận thức rõ về những gì đã xảy ra tại Nga và sẽ chú ý đặc biệt đến tuyển bóng đá nước này”, thep lời của Mar Vouillamoz - người đứng đầu cơ quan phòng chống chất cấm của Uefa. Ông khẳng định Uefa đang hợp tác chặt chẽ với Cơ quan phòng chống doping Anh quốc (UKAD) và UKAD sẽ lãnh trách nhiệm kiểm tra mẫu thử các thành viên tuyển Nga. Vouillamoz cũng khẳng định tất cả 24 đội tuyển đều sẽ phải trải qua 2 đến 3 cuộc kiểm tra chất cấm trong quá trình tham dự Euro.

Có thể vấn nạn doping trong bóng đá không nhức nhối như trong nhiều môn thể thao khác nhưng không hiếm các ví dụ gần đây về việc cầu thủ dính vào các scandal này. Tiền vệ Arijan Ademi của Dinamo Zagreb đã bị cấm thi đấu đến 4 năm do không thể vượt qua được cuộc kiểm tra chất cấm sau một trận đấu ở Uefa Champions League vào tháng 9-2015. Hay tuyển thủ Pháp Mamadou Sakho cũng phải nhận án cấm thi đấu tạm thời tháng cách đây khoảng 2 tháng ví dính líu đến doping.

Nhưng dù sao thì kể từ 2004 trở lại đây, duy nhất chân sút Ivica Olic của Croatia là trường hợp không thể vượt qua kiểm tra chất cấm tại Vòng chung kết bóng đá châu Âu. Tại giải đấu đó, Olic bị chấn thương và bác sĩ cho anh dùng thuốc giảm đau nhưng không ngờ có chứa thành phần không được phép sử dụng. Tuy vậy, tiền đạo này vẫn được cho phép tiếp tục thi đấu.

Lý giải về việc hiếm hoi các trường hợp dương tính với doping trong bóng đá,  Vouillamoz nói: “Tôi cũng không nắm được lý do đầy đủ nhưng những kết quả kiểm tra là tương đương với những môn thể thao đồng đội khác”.

Từ gần 1 tháng nay, Uefa đã tiến hành hơn 1.000 cuộc kiểm tra bao gồm các mẫu máu, nước tiểu và huyết thanh. Trước mỗi trận đấu tại Euro này, 2 cầu thủ ở mỗi đội tuyển sẽ được lựa chọn bất kỳ để tiến hành xác minh chất cấm.

Cơ quan quyền lực của bóng đá châu Âu đang hy vọng thời gian lưu trữ các mẫu thử sẽ được tăng từ 4 năm lên 10 năm và những cầu thủ bị phát hiện dùng doping trong quá khứ cũng vẫn có thể sẽ phải chịu hình phạt xác đáng.

VŨ ĐỨC

Tin cùng chuyên mục