Bộ NN-PTNT cho biết, từ ngày 1-1-2015 đã có quyết định chính thức tạm dừng nhập khẩu các loại trái cây từ Australia vào Việt Nam trong khi đây là một trong những nguồn nhập khẩu lớn của Việt Nam. Câu hỏi đặt ra là liệu thị trường trái cây có bị biến động?
Trước Tết Dương lịch khoảng một tuần, các phương tiện truyền thông đều cho biết dịch ruồi giấm Địa Trung Hải đã và đang bùng phát tại Australia trong khi đây là thị trường xuất khẩu trái cây vào Trung Quốc, Việt Nam và nhiều nước khác ở khu vực châu Á. Tuy ruồi giấm không có ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng, nhưng được coi là một trong những đối tượng dịch hại nguy hiểm cần phải kiểm soát chặt chẽ để không lây lan vào nội địa qua con đường trái cây nhập khẩu.
Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho biết, trước mối lo ngại như vậy, Cục Bảo vệ thực vật và Bộ NN-PTNT đã chính thức ra quyết định tạm dừng nhập khẩu các lô trái cây từ Australia mặc dù giữa cơ quan chức năng của Việt Nam và Australia đã có cuộc làm việc để bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất và nhập khẩu.
Thị trường trong nước sẽ không có biến động lớn về giá cả dù tạm dừng nhập trái cây từ Australia.
Theo người đứng đầu Cục Bảo vệ thực vật, hàng năm Việt Nam nhập khẩu một số lượng khá lớn các loại nho và cherry từ Australia. Nhất là trong những năm gần đây, nhu cầu tiêu dùng trái cây cao cấp tăng mạnh nên lượng trái cây nhập khẩu từ các nước châu Âu, châu Mỹ và Australia tăng khá mạnh. Do đó nhiều người lo lắng, việc cơ quan chức năng đột ngột ra lệnh dừng nhập khẩu có thể làm xáo trộn nguồn cung và lượng trái cây tiêu thụ trong nước.
Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên, từ ngày 1-1 đến nay, giá cả các loại trái cây vẫn ổn định như trước Tết Dương lịch, mặc dù nhu cầu vào dịp cuối năm thường tăng cao hơn bình thường.
Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển sản phẩm Việt, một trong những doanh nghiệp chuyên nhập khẩu trái cây tại khu vực phía Bắc, cho biết, việc tạm dừng nhập khẩu trái cây từ Australia kể từ ngày 1-1-2015 chưa có tác động lớn đối với các doanh nghiệp nhập khẩu. Trong các loại trái cây nhập khẩu từ Australia thì nho đứng đầu bảng về lượng nhập, nhưng hiện tại không phải vụ nho của Australia nên thời điểm này, hầu hết nho được nhập từ Mỹ, Chile…
Theo ông Thành, từ khoảng tháng 3 trở đi mới vào chính vụ nho Australia, hơn nữa, thông tin tạm dừng nhập khẩu trái cây từ Australia từ ngày 1-1-2015 các doanh nghiệp nhập khẩu cũng đã nắm được từ khá lâu nên đã có thời gian để chuẩn bị.
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, đại diện của nhiều công ty nhập khẩu trái cây khác cũng cho biết, đối với mặt hàng táo số lượng nhập cũng không đáng kể và phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu táo từ New Zealand, Mỹ, Canada.
Đứng ở góc độ cơ quan quản lý, ông Nguyễn Xuân Hồng vẫn khẳng định Việt Nam nhập khẩu không nhiều trái cây từ Australia, hơn nữa chỉ phục vụ cho một số lượng nhỏ người tiêu dùng có điều kiện nên sẽ không gây tác động nhiều.
Theo số liệu, xuất khẩu rau quả từ Australia sang Việt Nam năm 2014 đạt khoảng 40 triệu đôla Australia, trong đó nho chiếm đến 32 triệu đôla Australia. Sản lượng trái cây Việt Nam nhập khẩu từ Australia hiện chỉ chiếm khoảng 10% - 15% tổng lượng trái cây nhập khẩu, trong khi đó hoàn toàn có thể thay thế bằng các thị trường khác như New Zealand, Chile, Mỹ, Canada.
Trước lo ngại của người tiêu dùng về việc trái cây nhập khẩu sẽ tăng giá do tác động của việc tạm nhập, ông Nguyễn Xuân Hồng khẳng định: “Sẽ không ảnh hưởng nhiều đến thị trường trái cây của Việt Nam. Vào dịp Tết Nguyên đán, người Việt Nam thường dùng các loại trái cây truyền thống nhiều hơn là trái cây nhập khẩu”.
PHÚC HẬU