Tấm lòng của một người thầy thuốc

Tấm lòng của một người thầy thuốc

(SGGP-12G).- Một thầy thuốc nay đã 87 tuổi, tóc bạc phơ, miệng móm mém nhưng hằng ngày vẫn thức từ 3g sáng đến quá trưa để xông thuốc, bấm huyệt cho người bệnh. Ông bảo: “Tôi chữa bệnh cứu người để góp công tích đức cho cháu con. Nghề chữa bệnh gia truyền phải lấy sự lành của người bệnh làm trọng, chứ không coi tiền là quý”.

Bấm huyệt... miễn phí

Theo chân một người bệnh đau cột sống, vượt 40km, 4g sáng từ thành phố Vũng Tàu tôi đến nhà ông Lê Văn Yến, chuyên chữa bệnh đau cột sống, thần kinh tọa ở phường Kim Dinh, thị xã Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.. Ngôi nhà nhỏ ẩn mình dưới vườn xoài xanh mướt. Hơn chục chiếc xe máy dựng ngoài sân. Trong nhà, bố con ông Yến đang cần mẫn xông thuốc cho người bệnh. Mùi thuốc thơm thơm lan tỏa khắp sân vườn. Hơn chục người già trẻ đang ngồi chờ đến lượt mình xông thuốc.

Ông Yến đang bấm huyệt cho người bệnh

Ông Yến đang bấm huyệt cho người bệnh

Ông Yến tay cầm điếu thuốc (thuốc viên thành điếu) đã đốt sẵn hơ hơ dưới cột sống ngang thắt lưng người bệnh. Do lâu ngày bóp, bấm huyệt, xông, da tay ông sạm vàng vì khói thuốc xạ hương – một loại thuốc quý. Ông nói: “Làm nghề này phải coi nỗi đau của người bệnh là nỗi đau của bản thân mình. Nghề này không thể chữa nóng vội được, phải kiên trì nhẫn nại, chữa bệnh bằng cái tâm, làm phúc đức cho con cho cháu chứ không phải để lấy tiền. Tôi chỉ xin bà con chút đỉnh tiền thuốc, còn việc bấm huyệt, xoa bóp… tôi làm giúp bà con”.

Hằng ngày gia đình ông Yến xông thuốc chữa bệnh cho khoảng 25 lượt người từ  khắp nơi đổ về. Những người đến đây thường bị bệnh về cột sống như gai cột sống, thoát vị đĩa đệm, đau thần kinh tọa, tê bại chân tay, chèn ép dây thần kinh tủy sống… nhiều người đã đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác không khỏi, nghe mách đã tìm đến ông.

Anh Bảo hiện làm nghề xe ôm, tâm sự: “Quê tôi tận Tiền Giang lên kiếm sống ở TPHCM. Khi bị thần kinh tọa, tôi đã bỏ vê quê chữa trị ở bệnh viện tỉnh hơn năm trời mà chân tay càng teo tóp. Mọi công việc gia đình đều do vợ tôi gánh vác. Nghe có người mách có ông Yến chữa bệnh bại liệt, vợ tôi đưa tôi đến đây. Khi đến, tôi phải bò từ cửa vào nhà, hai đầu gối đau nhức không đi nổi. Tôi khóc, vợ tôi cũng khóc. Được thầy Yến bấm huyệt, xông thuốc 1 tháng trời với 3 thang thuốc hết 450.000đ, tôi đã hoàn toàn bình phục, đứng dậy đi thẳng như thời còn trai trẻ, trút được gánh nặng trong người. Giờ đây, tôi khỏe lại, làm ăn sinh sống ở Bà Rịa. Bây giờ, tôi chạy xe ôm ở thị xã Bà Rịa, ai có nhu cầu đến thầy Yến chữa bệnh, tôi cũng không lấy tiền xe”.

Anh Khải ở phường Kim Hải, thị xã Bà Rịa bị thoát vị đĩa đệm, đã mổ hết 15 triệu đồng tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM. Sau mổ, bệnh bớt nhưng 5 năm sau bệnh đau trở lại. “Chân tay tôi teo tóp bại liệt hoàn toàn, gia đình buông xuôi chỉ chờ ngày chết. Tôi đã tìm đến thầy Yến. Thoạt đầu tôi cũng chẳng hy vọng gì, nhưng được thầy Yến động viên, tôi thấy ấm lòng. Kiên trì xông thuốc, day huyệt hơn 3 tháng, tôi đã khỏi bệnh hoàn toàn”.

Tấm lòng thầy thuốc

Gia đình ông Yến từ Bình Định tới xã Kim Dinh (nay là phường Kim Dinh, thị xã Bà Rịa) mưu sinh từ sau ngày giải phóng Vũng Tàu - Côn Đảo năm 1975. Ông có 10 người con: 4 gái, 6 trai. 8 con của ông đã trưởng thành nhưng chỉ có 4 người theo nghề cha. Người con thứ tư của ông là anh Công (thường gọi là anh Tư) tâm sự: “Làm nghề xông thuốc phải ngồi liên tục trong nhà nhiều giờ liền nên không có thời gian giao lưu bạn bè. Mỗi lần xông 2 điếu thuốc hết một giờ đồng hồ và bấm huyệt hết 15 phút. 3 bố con dậy từ 3g sáng làm đến quá trưa cũng chỉ được 25 lượt người. Buổi chiều, cả nhà ra đồng làm lúa, trồng rau”.

Để kịp xông thuốc hết lượt cho người bệnh, bố con ông Yến phải dậy từ 3g sáng, vậy mà có bệnh nhân ở xa đã đến chờ trước cửa nhà ông. Họ đến xông thuốc sớm để còn về đi làm. Anh Hùng, con trai thứ 8 của ông Yến theo nghề cha được 3 năm nay, cho biết: “Viên thuốc thành điếu, đốt cháy một đầu, hơ dưới vùng đau cho lỗ chân lông giãn nở, khói thuốc theo lỗ chân lông hút vào trong, thẩm thấu lan tỏa làm thông kinh giãn mạch, người bệnh sẽ dần hồi phục chức năng vận động thần kinh”.

Ông Yến tâm sự: “Tôi lấy niềm vui của người bệnh khi chữa khỏi bệnh làm niềm vui cho mình. Mỗi lần chữa cho một người lành bệnh là cả nhà tôi vui. Có cả Việt kiều từ Mỹ trở về đây, lành bệnh họ cho tôi nhiều thứ, nhưng tôi chỉ lấy mỗi chiếc mũ làm kỷ niệm. Tôi muốn các con tôi hiểu rằng: Tấm lòng của thầy thuốc là đức là nhân, không để bị hoen ố bởi đồng tiền”.

Không một tấm biển quảng cáo hay mời chào đánh bóng, không một lời tự đại về tay nghề, nắng cũng như mưa, ngày cũng như đêm, cha con ông Yến như con ong chăm chỉ đem lại niềm vui cho bao người bệnh, làm đẹp cho đời bằng tấm lòng cao đẹp của người thầy thuốc.

Mai Thắng

Tin cùng chuyên mục