Tấm lòng của người phụ nữ xứ dừa

“Trong mỗi chúng ta, công việc xoa dịu nỗi đau da cam như ta đang vượt ngọn núi cao. Chúng ta phải chung sức, chung lòng mới xoa dịu được phần nào nỗi đau dai dẳng đó” - bà Lê Thị Thanh Vân thổ lộ.
Tấm lòng của người phụ nữ xứ dừa

“Trong mỗi chúng ta, công việc xoa dịu nỗi đau da cam như ta đang vượt ngọn núi cao. Chúng ta phải chung sức, chung lòng mới xoa dịu được phần nào nỗi đau dai dẳng đó” - bà Lê Thị Thanh Vân thổ lộ.

        Nỗi đau dai dẳng...

Khi còn làm Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh và Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bến Tre, ngoài công việc chung, bà Lê Thị Thanh Vân (Chín Thanh) dành nhiều thời gian, tâm sức lo cho các mảnh đời phụ nữ nghèo, trẻ em bất hạnh, các nạn nhân chất độc da cam tại tỉnh nhà. Bà Lê Thị Thanh Vân là người linh hoạt, chịu thương, chịu khó trước mọi việc.

Hãy hình dung về trước năm 1975 như sau: Vừa qua phà Rạch Miễu để đến Bến Tre, hình ảnh hủy diệt môi sinh từ chất độc da cam hiện ra rất rõ ngay nơi cửa ngõ của xứ dừa. Con đường tỉnh từ phà Rạch Miễu dẫn qua chiếc cầu sắt Ba Lai để vào tỉnh lỵ Kiến Hòa cũ (nay là TP BếnTre), hai bên đường là vườn dừa xác xơ, rụng đọt, đứng chơ vơ giữa đất trời! Tại những thảm rừng ngập nước ven biển Thạnh Phong (Thạnh Phú), Thới Thuận, Thừa Đức (Bình Đại)… lá phổi xanh của Bến Tre, nhiều nơi rừng đước, rừng mắm, rừng bần tan hoang, trơ trụi! Nay chiến tranh đã lùi xa, nhưng nỗi đau từ loại chất độc đioxin vẫn dai dẳng nơi đây!

Trẻ em nạn nhân chất độc da cam tại Trung tâm phục hồi chức năng (xã Phú Đức, Châu Thành, Bến Tre). Ảnh: HOÀNG HÀ

Trẻ em nạn nhân chất độc da cam tại Trung tâm phục hồi chức năng (xã Phú Đức, Châu Thành, Bến Tre). Ảnh: HOÀNG HÀ

Người ở Bến Tre bị nhiễm chất độc da cam là cán bộ kháng chiến, bộ đội, thanh niên xung phong và nhân dân sống trong vùng bị rải chất độc, một số là những người phục vụ trong quân đội, chính quyền chế độ Sài Gòn. Trong số đó nhiều người đã chết trong đau khổ hoặc sống trong tình trạng bệnh tật giày vò vì di chứng tàn khốc của chất độc da cam. Nhiều phụ nữ đã hưởng hạnh phúc làm mẹ, nhưng họ đã rơi vào đau khổ và tuyệt vọng khi sinh ra những đứa con bị dị dạng, dị tật. Càng thương tâm hơn, hầu hết các gia đình nạn nhân chất độc da cam đều có hoàn cảnh nghèo, cuộc sống rất khó khăn.

Theo thống kê của Ủy ban 10-8, nay là Ban chỉ đạo 33 của Chính phủ, Bến Tre đứng thứ 6 trong 22 tỉnh, thành tại Việt Nam bị ảnh hưởng chất độc hóa học màu da cam. So với các tỉnh tại ĐBSCL, Bến Tre đứng hàng cao nhất.
Bà Lê Thị Thanh Vân cho biết: “Khi nghỉ hưu ở Hội Chữ thập đỏ Bến Tre, chúng tôi vận động thành lập Hội Nạn nhân chất độc da cam/đioxin Bến Tre (gọi tắt là Hội) và tổ chức đại hội chính thức vào ngày 20-10-2006. Khi đó, tôi được các đại biểu tín nhiệm bầu làm chủ tịch Hội cho đến bây giờ. Công việc ban đầu với chồng chất nhiều nỗi lo, chúng tôi chia ra từng mảng, từng phần để làm. Buổi ban đầu đó, văn phòng Hội chỉ vài người, quỹ Hội cũng chưa gây dựng được nên lắm lúc phải bỏ tiền túi ra hoạt động…”.

        Như vượt ngọn núi cao

Với kỹ năng, kinh nghiệm lập dự án và thực hiện các dự án phát triển cộng đồng từ thời còn làm Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh, bà Vân có mối quan hệ rất rộng với các tổ chức từ thiện trên thế giới. Khi làm Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/đioxin Bến Tre, bà tiếp tục vận động và mở rộng vận động các hội đoàn, tổ chức từ thiện trên thế giới để lo cho các nạn nhân chất độc da cam, những mảnh đời bất hạnh tại tỉnh nhà. Những tổ chức, hội đoàn đó có thể kể ra như: Quỹ sáng kiến địa phương của Đại sứ quán Canada, Les Amis du Vietnam (Những người bạn của Việt Nam), Tổ chức hợp tác, phát triển Na Uy, Tổ chức Bánh mì cho thế giới (Brot)…; các tổ chức tôn giáo, các cá nhân, tổ chức từ thiện trong nước từng bước đã giúp Hội những dự án, chương trình hỗ trợ cho nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật, người nghèo tại Bến Tre như giúp vốn sản xuất, cất trường học, xây nhà tình nghĩa, tình thương, hỗ trợ xe lăn, giúp học bổng, chương trình hỗ trợ cho trên 1.000 hộ vốn chăn nuôi, buôn bán nhỏ và các nạn nhân chất độc da cam sinh kế…

Bà Lê Thị Thanh Vân cho biết: “Trong cuộc vận động các hội đoàn giúp đỡ cho các nạn nhân chất độc da cam, các vị chức sắc tôn giáo, đã rất nhiệt tình đóng góp rất lớn vì các vị này là cánh tay nối dài đến các tổ chức tôn giáo làm từ thiện trên thế giới”.

Sau 7 năm hoạt động, Hội đã vận động và thực hiện các dự án, chương trình từ các tổ chức trong nước và nước ngoài với trị giá trên 60 tỷ đồng, trong đó riêng năm 2012 trên 12 tỷ đồng. Hội đã vận động, hỗ trợ xây trên 200 ngôi nhà cho các nạn nhân chất độc da cam khó khăn về nhà ở với số tiền trên 8,7 tỷ đồng. Hỗ trợ học tập cho trên 8.600 lượt suất học bổng (trên 3 tỷ đồng) cho các học sinh, sinh viên nghèo, mồ côi, khuyết tật là con em nạn nhân chất độc da cam vượt khó. Và tổ chức nhiều chương trình tương thân tương ái đối với các nạn nhân chất độc da cam…

Bà Lê Thị Thanh Vân và cháu Xuân Quyên bị bệnh xương thủy tinh (xã Tân Thạch, Châu Thành, Bến Tre).

Bà Lê Thị Thanh Vân và cháu Xuân Quyên bị bệnh xương thủy tinh (xã Tân Thạch, Châu Thành, Bến Tre).

Ở tuổi 65 nhưng bà Lê Thị Thanh Vân vẫn thường xuyên đi công tác tại các huyện xa thành phố Bến Tre. Bà đi bằng xe buýt hoặc có người chở đi bằng xe gắn máy. Bà đến các xã thuộc vùng sâu, đời sống nhân dân còn khó khăn để lắng nghe và nhất là dõi theo các hộ mà Hội đã giúp vốn sản xuất. Như trường hợp của cô Hiệp tại xã Thạnh Trị (Bình Đại, Bến Tre), chồng bị tâm thần, con thì tay chân dị dạng, Hội đã giúp hộ này 15 triệu đồng để nuôi bốn con heo sinh sản (bao gồm tiền thức ăn nuôi tới lớn). Khi xuất chuồng, cô Hiệp bán 3 con được trên 14 triệu đồng. Sau đó, cô Hiệp để lại một con nái giống và cho cô Hiếu ở gần đó một con heo nhỏ và hiện con heo đó vừa đẻ, cô Hiếu rất mừng. Ngoài ra, Hội còn giúp cô Hiệp chiếc xe lăn để đi bán vé số, cải thiện đời sống gia đình. Gia đình cô Hiếu cũng thật thảm thương, gia đình có bốn người đều khuyết tật từ di chứng chất độc da cam. Hay trường hợp em Dương Hoài Nam ngụ xã Lương Hòa (Giồng Trôm, Bến Tre), nạn nhân chất độc da cam, sống đời sống thực vật, tay chân em thường bị co giựt, trong vô thức, tay em cứ đánh vào mặt đến mù mắt. Ban đầu, Nam được Hội giúp 15 triệu đồng để gia đình của em nuôi bốn con heo, rồi đàn heo dần phát triển, đã bán được nhiều lứa. Giờ đây, kinh tế, đời sống ở hộ em Dương Hoài Nam khá ổn định cũng từ đàn heo do Hội giúp.

Bà Lê Thị Thanh Vân tâm sự: “Từ đàn heo mà nhìn hộ của cô Hiệp, cô Hiếu, em Hoài Nam và hàng chục hộ khác nay thoát nghèo, đời sống bớt khắc khoải hơn trước, tôi rất cảm động và hạnh phúc với công việc của mình. Tôi còn sức thì còn ráng làm cho bà con…”.

HOÀNG HÀ

Tin cùng chuyên mục