Tấm lòng người nữ quản trang

Tấm lòng người nữ quản trang

Sinh ra và lớn lên tại Nghệ An nhưng từ hơn 20 năm nay chị Trần Thị Loan lại trở thành người quản trang tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An. Công việc hàng ngày của chị là lo hương khói, đèn hoa cho hơn 2.000 ngôi mộ liệt sĩ.

Chị Trần Thị Loan bên mộ liệt sĩ huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An.

Chị Trần Thị Loan bên mộ liệt sĩ huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An.

"Cha chồng tôi quê ở Mộc Hóa, là bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc. Chồng tôi là học sinh miền Nam học tập ngoài Bắc, chúng tôi quen nhau và kết duyên năm tôi mới ngoài 20 tuổi. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tôi theo chồng về quê hương Mộc Hóa sinh sống và xin làm quản trang ở Nghĩa trang Mộc Hóa này từ đó đến nay” - chị Loan tâm sự. Thấm thoắt đã hơn 20 năm gắn bó với Nghĩa trang Mộc Hóa, lúc nào chị Loan cũng yêu công việc của mình. Có người hỏi: “Nhà chị ở ngay trong nghĩa trang lạnh lẽo mà chị không sợ sao?”, chị chỉ cười đáp: “Có gì đâu mà sợ, chỉ thấy thương các anh bộ đội hy sinh từ khi còn đầu xanh tuổi trẻ nên cố gắng làm tất cả những gì có thể để bù đắp phần nào những hy sinh to lớn ấy”.

Nghĩa trang liệt sĩ Mộc Hóa có hơn 2.000 ngôi mộ, chị nhớ vanh vách tên tuổi, hoàn cảnh từng liệt sĩ. Từ nghĩa trang này, chị đã chứng kiến nhiều câu chuyện xúc động. Mỗi lần được góp phần xoa dịu nỗi đau cho người còn sống và sưởi ấm linh hồn cho người đã khuất, chị Loan cảm thấy trong mình dâng lên niềm hạnh phúc khó tả.

Công việc quản trang mới nhìn qua tưởng đơn giản nhưng chứng kiến một ngày làm việc của chị Loan mới thấy không phải vậy. Ngày nào chị cũng thắp nhang hai lần vào sáng sớm và sẩm tối cho từng liệt sĩ, sau đó quét sân, tưới cây, trồng và chăm sóc hoa… Vào những dịp lễ tết, chị còn phải lo tiếp khách từ khắp các tỉnh, thành trong cả nước về dâng hương, rồi tiếp đón những gia đình liệt sĩ đi tìm mộ người thân. Đồng lương dành cho người quản trang rất khiêm tốn nhưng chị cùng chồng cố bươn chải để lo cho các con ăn học nên người. Với chị, công việc quản trang là việc làm mang ý nghĩa thiêng liêng, đòi hỏi người quản trang phải có một tấm lòng thương yêu liệt sĩ sâu sắc mới có thể vượt qua mọi khó khăn để không bỏ cuộc. Những ngày vùng Đồng Tháp Mười bị lũ lụt, nhìn cảnh cả nghĩa trang chìm trong biển nước, chị Loan không cầm được nước mắt và càng thương liệt sĩ nhiều hơn. Ngay căn nhà lá đơn sơ của chị nằm lọt thỏm trong nghĩa trang cũng ngập gần đến nóc nhà, chị phải bắc cầu khỉ đi lại và kê ván lên cao để ở và “bám trụ”. Chị Loan bảo, dù khó khăn đến mấy chị cũng không “bỏ nghề” bởi đó là một phần đời đầy ý nghĩa của chị.

Mới đây chúng tôi nhận được tin vui: Nhà nước vừa đầu tư hàng trăm tỷ đồng để nâng cấp Nghĩa trang Mộc Hóa cao ráo hơn, còn gia đình chị đã được bố trí vào khu tái định cư. Trước niềm vui nhân đôi ấy, mong cho cuộc sống của chị và gia đình ngày càng ổn định hơn để công việc đền ơn đáp nghĩa ngày càng có sức lan tỏa rộng lớn.

Minh Ngọc

Tin cùng chuyên mục