Khẳng định vị thế hội nhập
Những ngày cuối cùng của năm cũ khép lại được đánh dấu bằng hàng loạt các dự án FDI có số vốn lớn được cấp phép, nâng nguồn vốn FDI cấp mới và tăng thêm đạt 22,76 tỷ USD, tăng 12,5% so với năm trước. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện không chỉ thu hút mạnh vốn đầu tư nước ngoài mà còn kích hoạt người dân, doanh nghiệp mạnh dạn bỏ vốn làm ăn. Một không khí sôi động, hào hứng trong cộng đồng doanh nghiệp, hứa hẹn năm 2016 nhiều khởi sắc.
Ngôi sao đang lên
Có thể nói những cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thể hiện qua các quy định mới của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và kết quả thực hiện Nghị quyết 19/NQ của Chính phủ về tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, kiên trì triển khai trong 2 năm qua, đã có tác dụng lan tỏa tích cực, nâng cao niềm tin, động viên tinh thần khởi nghiệp trong xã hội. Nhờ vậy, toàn cảnh bức tranh doanh nghiệp 2015 trở nên tươi sáng nhất trong vòng nhiều năm qua. Theo tổng hợp chưa đầy đủ, hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia năm 2015 đã ghi nhận 94.754 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 26,6% so với năm trước. Tổng vốn đăng ký cũng tăng mạnh, tăng 39,1% so với năm trước, đạt mức 601.519 tỷ đồng. Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân cũng tăng cao, đạt 6,3 tỷ đồng/doanh nghiệp, tăng 9,9% so với trước. Điều đặc biệt là số doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh vào những tháng cuối năm, với số lượng gần 50.000 doanh nghiệp.
Điều này lý giải tốc độ tăng trưởng GDP năm qua tăng đều, tăng mạnh sau từng quý và cả năm đạt mức 6,68%, là mức tăng cao nhất tính từ năm 2008; cao hơn con số báo cáo Quốc hội (6,5%) và cao hơn mục tiêu đề ra (6,3%). Đi ngược với chiều hướng tăng GDP, chỉ số giá tiêu dùng năm 2015 chỉ tăng 0,63%, là mức tăng thấp nhất trong vòng 14 năm qua. Điều đáng mừng là nền kinh tế không có biểu hiện giảm phát như nhiều người từng lo ngại. Tiêu dùng trong nước, sức mua xã hội và tổng cầu nền kinh tế đều gia tăng mạnh mẽ. Có thể nói Việt Nam đã quay lại quỹ đạo tăng trưởng cao với chất lượng nền kinh tế được cải thiện: tăng trưởng cao hơn, lạm phát thấp hơn, các cân đối lớn được giữ vững, mặc dù tác động khách quan không thuận…
Năm 2015 khép lại cũng đánh dấu nước ta đàm phán thành công nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, giúp Việt Nam mở rộng không gian kinh tế, tiếp tục cải cách theo cam kết, hoàn thiện thể chế để tăng sức hút đầu tư trong nước, nước ngoài với chất lượng cao hơn. Các FTA với Hàn Quốc, Liên minh châu Âu, Liên minh kinh tế Á - Âu, và đặc biệt là Hiệp định đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Việt Nam tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) từ 31-12-2015, thật sự là bước ngoặt mang tính đột phá, để kinh tế Việt Nam bước vào lộ trình hội nhập một cách toàn diện nhằm đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. Với không gian kinh tế mở rộng, ngày càng hoàn thiện, vào dịp cuối năm, trên các diễn đàn và giới truyền thông quốc tế, các chuyên gia đánh giá Việt Nam là ngôi sao đang lên, thôi thúc các doanh nghiệp đến Việt Nam tìm cơ hội làm ăn, tận dụng ưu thế, ưu đãi để biến thành lợi nhuận!
Vượt qua chính mình?
Trước những chuyển biến tích cực của kinh tế vĩ mô và vận hội mới của đất nước mở ra, những ngày cuối cùng của năm cũ, Thủ tướng Chính phủ đã họp trực tuyến với lãnh đạo 64 tỉnh thành và các bộ, ngành trung ương triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016. Một vấn đề được bàn luận, là liệu với kết quả đạt được, năm 2016 có thể đề ra mục tiêu tăng trưởng cao hơn, như có một số ý kiến đề xuất, là 7% (chỉ tiêu Quốc hội đề ra là 6,7%). Kết thúc các cuộc họp, ý kiến đề xuất không được kết luận. Bởi lẽ, ngoài những yếu tố thuận lợi, nguy cơ tiềm ẩn bất lợi vẫn hiển hiện: giá dầu rơi chưa có điểm dừng ảnh hưởng ngân sách quốc gia, bội chi ngân sách, nợ công cao; năng lực cạnh tranh và nguồn lực quốc gia hạn chế… Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu: “Hội nhập sâu rồi, cạnh tranh ngày càng gay gắt nhưng năng lực cạnh tranh ở cấp độ quốc gia, cạnh tranh cấp độ doanh nghiệp và cạnh tranh ở từng sản phẩm, dù có cải thiện, nhưng vẫn còn thấp”.
Lễ thượng cờ ASEAN tại Hà Nội Ảnh: LÃ ANH
Đây là vấn đề đáng lo ngại. Việc hội nhập kinh tế toàn cầu, dù FTA thế hệ mới hay thế hệ cũ, đều gắn liền với “từ khóa”: cơ hội và thách thức. Cơ hội không tự đến mà đòi hỏi chủ thể năng động tích cực tận dụng. Nếu không, sẽ biến thành thách thức và nguy cơ thua cuộc trên bàn cờ hội nhập là đương nhiên. Cũng chính vì điều này, năm qua, cả trên diễn đàn Quốc hội, các cuộc hội thảo, nhiều đại biểu và giới chuyên gia tỏ ra lo lắng, bức xúc, không thỏa mãn với các thành tích đạt được. Báo cáo chỉ số cạnh tranh toàn cầu năm 2015 - 2016 do WEF công bố, cho thấy chỉ số cạnh tranh về thể chế Việt Nam xếp thứ 93 trong số 140 nước được xếp hạng và đứng thứ 8 trong 10 nước ASEAN. Mặt khác, với cùng bậc xếp hạng năng lực cạnh tranh về thể chế (93 điểm) nhưng thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam chỉ bằng 1/3 các nước có cùng chỉ số.
Nhìn nhận thành quả sau 30 năm Đổi mới, giới chuyên gia nhận định: Đổi mới đã đưa nước ta thoát khỏi nghèo đói và trở thành nước có thu nhập trung bình thấp. Nhưng so với thời gian 30 năm, so với tiềm năng, kể cả những thời cơ thuận lợi bị bỏ lỡ, và so với các nước Đông Á, thì thành quả của ta còn hạn chế. Hiện nay, Việt Nam được xếp thứ 13 về quy mô dân số trên thế giới nhưng GDP xếp thứ 58, còn GDP tính trên đầu người thì ở vị trí 140. Với quy mô như vậy, Việt Nam chưa thể có một ảnh hưởng nhất định đến kinh tế thế giới. Về cơ cấu kinh tế, các chuyên gia phân tích chưa có sự chuyển dịch mạnh mẽ, chưa tạo đột phá trong đầu tư phát triển. Đến nay khu vực nông nghiệp vẫn chiếm phần lớn diện tích, 67,8% dân số và 69,9% lực lượng lao động vẫn trong tình cảnh chậm phát triển và đói nghèo, thì không thể nói là đất nước đang phát triển mạnh mẽ, càng không thể nói là nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Xét về tốc độ tăng trưởng năng suất lao động trung bình, giả sử Việt Nam và các nước trong khu vực duy trì liên tục tốc độ hiện tại, thì phải đến năm 2038, Việt Nam mới bắt kịp Philippines và đến 2069 mới bắt kịp Thái Lan!
“Cỏi trói” nút thắt tư duy
Trăn trở về tiến trình phát triển đất nước, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, chia sẻ: Nền kinh tế nước ta đang tụt hậu xa so với các nước về một số lĩnh vực. Đây không còn là nguy cơ, và đặt trong bối cảnh hội nhập, tình thế đang rất cấp bách, đòi hỏi những thay đổi nhanh và mạnh. Trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, ông Thiên cho rằng phải tạo được sự xoay chuyển trong 5 năm tới, là nâng cao năng lực quản trị của Nhà nước; xác định rõ lực lượng chủ thể của phát triển; cải thiện nguồn nhân lực và thiết kế hạ tầng tương thích với sự phát triển kinh tế thế giới.
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng cách duy nhất để tăng trưởng cao và bền vững là nâng cao hiệu quả đầu tư, hiệu quả sử dụng tài nguyên, nâng cao năng suất lao động bằng thay đổi thể chế, thiết lập hệ thống khuyến khích lành mạnh - hay ông còn gọi là tiến hành cải cách phiên bản 2 nền kinh tế. Nhìn về triển vọng hội nhập và thách thức, ông Cung cho rằng “tình thế không còn đường lùi, không có đường khác, nếu muốn thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước khác và đuổi kịp các nước tiên tiến trong khu vực”.
Nhìn nhận về những bất cập nền kinh tế nước ta, dự thảo Báo cáo Chính trị của BCH Trung ương Đảng khóa XI tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, chỉ rõ: “Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chậm được hoàn thiện, chưa có cơ chế đột phá để thúc đẩy phát triển; chất lượng nguồn nhân lực còn thấp; kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ, tiếp tục là những yếu tố cản trở sự phát triển”.
2016, nền kinh tế Việt Nam bước vào một giai đoạn phát triển mới. Giờ đây cải cách đã trở thành yêu cầu bắt buộc trước các cam kết hội nhập đang và sắp có hiệu lực, buộc Việt Nam phải lựa chọn mô hình phát triển đúng đắn và khả thi, nếu không đất nước sẽ tụt hậu xa hơn. Vậy phải bắt đầu từ đâu? Chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược cho rằng muốn chuyển đổi mô hình phát triển, đầu tiên phải từ đổi mới tư duy. “Nếu vẫn tư duy cũ thì không thể vẽ ra được mô hình mới. Trong nỗi lo tụt hậu thì tụt hậu về tư duy là đáng lo lắng nhất”.
| |
LÊ TIỀN TUYẾN