Tầm nhìn lập pháp

Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ tại kỳ họp này của Quốc hội (QH) vừa khép lại. Trao đổi với báo giới sau chất vấn, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đánh giá cao chất lượng ngày càng được cải thiện của các phiên chất vấn.

“Tiếc một điều là thời gian dành cho hoạt động này quá ít” - một ĐBQH kỳ cựu nhận xét. Rất nhiều ĐBQH chờ đợi để được trao đổi với người đứng đầu Chính phủ, nhưng Thủ tướng chỉ có thể trả lời 4 vị. Công tác lập pháp có thể tiết kiệm được nhiều thời gian nếu các văn bản quy phạm pháp luật được cải thiện, nâng cao chất lượng thì sẽ có nhiều thời gian hơn cho việc chất vấn, giải đáp các vấn đề mà người dân quan tâm. Ngay tại phiên thảo luận về sửa đổi Hiến pháp ngày 16-11, ĐB Trần Đình Nhã (Thừa Thiên - Huế) cho rằng, để Hiến pháp có tính ổn định, bền vững, tất cả mọi khả năng đều phải được tính đến. Không ai mong muốn chiến tranh, hiện tại đất nước cũng đang hòa bình nhưng Hiến pháp, pháp luật vẫn phải có những quy định đặc thù cho thời chiến. Quy định trồng lại rừng sau khi phá rừng làm thủy điện là một ví dụ khác. Lý do của việc không thực thi được ở đây là… không quy hoạch được quỹ đất để trồng rừng. 

Tầm nhìn dài hạn trong lập pháp là một trong những yêu cầu tiên quyết, tránh cho QH phải mất nhiều thời gian để xây dựng, ban hành luật, rồi sau đó không lâu lại tiếp tục mất rất nhiều thời gian nữa để sửa đổi, bổ sung luật! Đó là chưa kể những bản dự thảo dính lỗi kỹ thuật, kết cấu chưa chặt chẽ, ngôn ngữ chưa trong sáng, buộc các ĐBQH mất thời gian “nhặt sạn”. Không phải không có lý khi có ĐB đề nghị QH chỉ tập trung xây dựng Hiến pháp và các luật lớn, có tác động xã hội sâu rộng, còn lại nên ủy quyền cho Hội đồng lập pháp - với thành phần bao gồm Ủy ban Thường vụ QH mở rộng. Viện Nghiên cứu lập pháp hiện nay trực thuộc Ủy ban Thường vụ QH cần được nâng cấp lên trực thuộc QH và tăng cường năng lực để đảm đương chức trách giúp QH làm luật nhanh chóng, hiệu quả hơn. 

Việc tính toán chuẩn bị những điều kiện khả thi làm bước “chạy đà” cho thi hành cũng quan trọng không kém, tránh việc phải sửa chữa, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật. Tại phiên thảo luận của QH về công tác thi hành pháp luật lần này, nhiều ĐBQH đã thẳng thừng phê bình việc án tử hình bị tồn đọng nhiều năm nay không thi hành được vì thiếu thuốc độc. Chuẩn bị mãi, thảo luận gay go, QH mới quyết định thay đổi hình thức thi hành án sang tiêm thuốc độc. Vậy mà chỉ vì không tiên liệu được hết mọi khả năng nên quy phạm pháp luật đã bị vô hiệu hóa. 

Không nằm trong chương trình nghị sự của kỳ họp lần này nhưng câu chuyện xe không chính chủ cũng thu hút không ít sự chú ý của ĐBQH và cử tri cả nước. Có ĐBQH đã trả lời báo chí rất hình tượng rằng, thi hành pháp luật kiểu “đang chạy thắng gấp” này khiến bà con bị sốc là đúng. Nhưng sâu xa hơn, ở đây dường như nguyên tắc hợp lý của pháp luật chưa được chú trọng đúng mức. Thuế, phí đối với sang tên đổi chủ cao, cộng với thủ tục hành chính rườm rà khiến người dân ngại đi sang tên đổi chủ. Mức phạt cũng chưa thật hợp lý, dễ khiến người có lỗi tìm cách thông đồng với người xử phạt… “Sao không sử dụng nguyên tắc nghĩa vụ về tài sản ở đây” - một nhà nghiên cứu pháp luật nêu vấn đề. Khi trồng một cây bưởi, cây bưởi, quả bưởi là của bạn, nhưng nếu cây gãy đổ, làm hỏng tài sản của người khác, bạn cũng không thể trốn tránh trách nhiệm được.

Nói một cách khác, thiệt hại mà tài sản của một cá nhân gây ra cho người khác thì chủ tài sản đó phải chịu trách nhiệm. Nguyên tắc ấy đã được thể hiện trong Bộ luật Dân sự. Nếu áp đặt trách nhiệm tài sản với chủ sở hữu sẽ không một ai khi bán xe đi mà lại không sang tên… Vì vậy, nếu tư duy lập pháp thay đổi, có chuẩn bị kỹ càng, cẩn thận hơn, QH sẽ có quỹ thời gian dành cho những hoạt động vô cùng quan trọng khác, đáp ứng được mong mỏi của nhân dân.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục