
Tại hội thảo về “Sản phụ khoa và nhi sơ sinh” do Bệnh viện Phụ sản Quốc tế Sài Gòn (BV PSQTSG) và BV Parkway (Singapore) vừa tổ chức, BV PSQTSG cho rằng nên tầm soát khiếm thính cho trẻ sơ sinh tại các cơ sở sản khoa trước khi trẻ xuất viện, bởi nhiều thuận tiện: 100% trẻ có thể được khám (nếu chỉ tầm soát trong nhóm nguy cơ cao sẽ bỏ sót 0,1% - 0,2% trẻ bị khiếm thính). Việc phát hiện và điều trị sớm sẽ giúp hạn chế hậu quả do khiếm thính bẩm sinh…

3 năm đầu đời của trẻ là giai đoạn quan trọng, nếu khiếm thính càng nặng và xảy ra càng sớm thì hậu quả càng nghiêm trọng. Trước hết, nó ảnh hưởng đến việc phát triển ngôn ngữ, làm hạn chế trong giao tiếp, học tập.
Trẻ bị cô lập, dẫn tới những rối loạn về tâm lý. Thiếu quan hệ xã hội, trẻ sẽ nghèo nàn kiến thức về thế giới bên ngoài. Trước hoàn cảnh đó, trẻ khiếm thính thường có những phản ứng: cáu kỉnh, gây gổ, lãnh đạm thờ ơ, tính khí bất thường…
Tình hình còn nặng nề hơn do cách xử sự tiêu cực của một số gia đình: Thấy con mình bất hạnh nên quá nuông chìu, khiến trẻ trở nên khó dạy bảo. Hoặc cảm thấy như một gánh nặng, mặc cảm, xấu hổ vì có đứa con tật nguyền, nên ghét bỏ, lạnh nhạt, khiến trẻ lại càng bất hạnh.
Việc phát hiện và can thiệp sớm đối với trẻ khiếm thính sẽ làm giảm tác hại, giúp trẻ hòa nhập với cộng đồng tốt hơn. Nếu không, khi lớn dần, trẻ khiếm thính sẽ không nghe được các âm mình phát ra và các âm xung quanh chuyển tới, dần dần tiếng bập bẹ giảm sút rồi mất hẳn. Nếu trẻ bị điếc mà không được dạy dỗ để phục hồi, đến 4-5 tuổi sẽ không bao giờ có được giọng nói chuẩn.
Để thực hiện điều này, nhiều phương pháp tầm soát đã ra đời. Ngày nay, nhiều nước đã sử dụng nghiệm pháp đo âm ốc tai (Oto Acoustic Emission-OAE) để khám sàng lọc khiếm thính trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, do OAE có hạn chế là bỏ sót những trường hợp điếc sau ốc tai, nên để khắc phục, BV PSQTSG đã thực hiện OAE và nghiệm pháp thử thính giác bằng 5 âm thử lời và âm của trống chuông.
Theo PGS-TS. Lê Thị Diễm Hương và cộng sự ở BV PSQTSG, thời điểm thực hiện tầm soát khiếm thính tốt nhất là trong vòng 3 ngày đầu sau sinh. Thời gian này, trẻ ngủ nhiều nên không cần dùng thuốc gây ngủ; trẻ thường nằm yên nên dễ thực hiện và dễ cho kết quả chính xác.
Tại BV PSQTSG, 100% trẻ sơ sinh đều được tầm soát khiếm thính. Khi phát hiện trẻ có bất thường về thính giác, BV này sẽ chuyển các cháu qua Khoa Thính học BV Tai Mũi Họng TP (đơn vị hợp tác thực hiện chương trình) kiểm tra lại bằng nghiệm pháp OAE và đo điện thính giác thân não. Nếu xác định bị khiếm thính, trẻ sẽ được thực hiện chương trình can thiệp.

Hiện ở TPHCM có BV PSQTSG và BV Hùng Vương thực hiện tầm soát khiếm thính cho trẻ sơ sinh với chi phí khoảng 150.000đ/ca. |
TÙNG LINH